Liên quan tới phản ánh của VOV về việc hàng loạt doanh nghiệp vẽ dự án điện mặt trời áp mái trang trại để hưởng giá bán điện cao theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công thương Gia Lai vừa công bố kết quả của đợt kiểm tra kéo dài hơn 1 tháng qua. Theo đó, việc kiểm tra cho thấy, có tới 302/441 doanh nghiệp vi phạm chưa được chuyển đổi và chưa thực hiện dự án trang trại dưới mái.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, kết quả cuộc kiểm tra kéo dài hơn 1 tháng (từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4/2021) của Sở Công thương đối với 441 dự án điện mặt trời áp mái tại địa phương cho thấy, có 302 dự án chỉ có trang trại trong thủ tục. Thực tế, tại thời điểm bị kiểm tra, chủ trang trại mới bắt đầu triển khai hoạt động nông nghiệp dưới mái, hoặc treo các bầu nấm để chống chế. Thậm chí có nhiều dự án vẫn để đất trống.
Điện mặt trời áp mái được mua giá cao nhất trong 3 loại hình điện mặt trời được khuyến khích theo Quyết định số 13/2020. Vì vậy, các nhà đầu tư đa nhanh chóng "vẽ" dự án còn đất để không sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, có 9 dự án chưa được chuyển đổi đất dưới mái theo quy định. Giải thích với đoàn kiểm tra về điều này, hầu hết các doanh nghiệp vi phạm cho rằng, thời hạn để được ký hợp đồng đấu nối, mua bán với Điện lực Gia Lai nhằm hưởng giá cao theo chính sách ưu đãi theo Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 31/12/2020. Vì thời gian quá gấp rút, trong khi các dự án nông nghiệp cần được tính toán kỹ càng về vấn đề giống, kỹ thuật chăm sóc cây, con và đầu ra sản phẩm. Nên, doanh nghiệp đành phải làm ngược, tức là làm phần mái có hệ thống điện trước, làm trang trại sau.
Ông Phạm Văn Binh cho rằng, để xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi hầu hết các dự án điện mặt trời đội lốt trang trại nông nghiệp này đều “lách” bằng cách xin chủ trương làm trang trại ở cấp xã, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở cấp huyện. Tuy nhiên, sau khi cấp xong thủ tục cho doanh nghiệp, hầu hết các địa phương còn bỏ ngỏ công tác thẩm định, quản lý thực tế tại trang trại.
Kết quả kiểm tra cho thấy 302 dự án có vi phạm.
Về định hướng xử lý các sai phạm này, ông Binh cho biết, trước mắt, Sở Công thương gia hạn cho doanh nghiệp từ nay tới hết tháng 6/2021, phải bổ sung thủ tục, hoàn thành các hạng mục còn thiếu. Thời gian tới, Sở Công thương Gia Lai sẽ báo cáo kết quả kiểm tra với UBND tỉnh Gia Lai để xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.
“Cơ bản là chính quyền địa phương phải quản lý về trang trại, quản ý đất đai. Tuần tới liên ngành, cùng đoàn kiểm tra có ý kiến rồi trình UBND tỉnh để kết luận và chỉ đạo, trách nhiệm của sở Công thương, trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của ngành điện lực” - ông Phạm Văn Binh nói.