Về đồng ăn rươi

Hoàng Việt |

Mỗi năm vào độ đầu đông, khi tiết trời còn đang rét ngọt, bố tôi thường gọi điện cho mấy đứa con đang xa xứ để thông báo, ở quê đang vào vụ rươi, đứa nào rảnh rỗi thì sắp xếp về bố nấu cho mà ăn.

Mùa rươi đó là những mảng ký ức cực kỳ rộn ràng, tươi sáng và hạnh phúc của lũ trẻ chúng tôi.

Khoảng 20 năm trước, những cánh đồng quê tôi trù phú với đủ loại chim trời, cá nước. Mùa nào thức ấy, anh em tôi có thể tự đi kiếm thức ăn cho cả nhà.

Mùa hè, với một cái cần trúc, một cái giỏ, một con sâu khoai, chỉ cần ra đồng hai, ba tiếng, tôi và anh trai có thể câu được những giỏ cáy đầy nhóc.

Về đồng ăn rươi - Ảnh 1.

Cáy câu được toàn những con to gộc đem giã nấu canh rau đay, mùng tơi thì chẳng cần thức ăn nào khác. Mấy anh em chạy nhảy cả ngày ngoài đồng, tối về ăn 4,5 bát cơm chan canh, đứa nào đứa ấy no mòng cả bụng rồi lên chõng tre ngủ ngon lành.

Mùa thu, khi nước đồng trắng nước trong, chúng tôi lại sắm những cái cần bé tí xíu bằng xương lá dừa ra kênh lớn câu tôm. Hàng chục cái cần nhỏ, chỉ cần khẽ cong cong là có thể nhấc lên những con tôm càng mập mạp.

Về đồng ăn rươi - Ảnh 2.

Nhưng những mùa "thu hoạch" như vậy chẳng có ý nghĩa gì nếu năm đó đồng ruộng trắng nước, gió rét hiu hiu, mưa phùn lất phất mà không thấy lũ rươi từ đất chui lên.

Những con nước cho rươi không chỉ là ngày sung sướng tột bậc trong đời lũ trẻ mà còn là ngày hội của cả làng. Chỉ cần nghe thấy loáng thoáng ai đó gọi nhau, có rươi, có rươi rồi, vậy là dân làng lũ lượt tay vợt, tay chậu chạy ào ra ruộng.

Đầu vụ, hàng ngàn vạn con rươi béo ú, bơi cung quăng khắp mặt nước là thứ lộc trời thơm ngon nhất mà người dân được ban tặng, mỗi năm chỉ có một vài lần.

Về đồng ăn rươi - Ảnh 3.

Với vài lạng rươi vớt được, cả nhà sẽ có một bữa thịnh soạn, thơm lừng. Những gia vị chính để món rươi kho trở nên tuyệt hảo đó là: lá lốt, lá gấc, lá gừng, vỏ quýt, măng trúc, ớt, khế…

Bọn trẻ con sau khi lội lõm bõm đến mệt lử để vớt rươi ngoài đồng thì thường ngồi chầu chực bên nồi rươi kho, chốc chốc lại lén xúc một ít để ăn vụng khi mẹ ra khỏi bếp.

Đó là thứ hương vị của trời, của đất, của quê hương, của tuổi thơ nghèo khó hòa quyện vào nhau cực ngon lành mà không ai có thể quên nếu đã từng được nếm qua.

Nhưng rươi mỗi năm mỗi ít, chúng tôi lớn lên đau đáu chờ mùa nước để tìm kiếm "lộc trời" nhưng dần dần thứ đặc sản này biến mất.

Đồng ruộng ô nhiễm bởi thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ, phân đạm hóa học… Không chỉ có rươi mà lũ cáy cua cũng chết hết, tôm cá, ốc ếch không còn, cào cào, châu chấu, muôm muỗm gần như tuyệt chủng.

Những khu đồng ở làng tôi bây giờ hoang vắng, đìu hiu và gần như chẳng còn sinh vật gì sống sót. Đến tiếng ếch nhái kêu uôm uôm khi mưa rào cũng hiếm.

Mấy năm nay, nhiều gia đình đã nghĩ ra cách cứu sống con rươi. Họ quây những vùng đất bãi ở ngoài đê để hóng rươi. Mỗi năm khu đất này chỉ cấy 1 vụ lúa nhưng chẳng quan trọng có được thu hoạch hay không.

Vùng đất bãi này được chăm sóc theo cách hoàn toàn tự nhiên, không có phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… tất cả để tạo ra môi trường sống, trú ẩn lý tưởng nhất cho rươi.

Cách thức này khiến nhiều người nghĩ rằng rươi được nuôi công nghiệp nhưng không phải. Rươi là sản vật kỳ thú của đất trời ban tặng, chẳng ai nuôi được mà chỉ có thể tạo môi trường sinh sống thuận lợi cho chúng mà thôi.

Ở một số xã ven sông Văn Úc thuộc huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, nhiều gia đình giàu lên trông thấy vì biết chớp thời cơ làm giàu với rươi. Nhiều năm trúng mùa, có ông chủ bãi còn thu mỗi đêm cả tỷ bạc.

Mỗi năm, tôi vẫn về quê để chờ được ăn rươi. Những hương vị từ thủa ấu thơ như được quay ngược thời gian trở lại. Tôi nghĩ sẽ thiệt thòi cho mọi đứa trẻ nếu trong đời chúng không được tự tay đi vớt rươi về để mẹ nấu cho ăn.

Bây giờ được ăn rươi "nuôi" ngoài bãi cũng ngon chẳng kém gì rươi trong đồng.

Nhưng tôi vẫn mong một ngày nào đó, mình được vớt rươi trong những khoảnh ruộng ngập nước như xưa. Tuy nhiên, đó chỉ là mơ mước. Mãi mãi, những ký ức tươi đẹp đó sẽ không bao giờ tái hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại