KỶ LỤC GIA SEA GAMES
Đội tuyển điền kinh Việt Nam đã khép lại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà một cách trọn vẹn với 22 tấm HCV, vượt xa chỉ tiêu đề ra lúc đầu từ 15 – 17 HCV để lần thứ 3 qua mặt Thái Lan, dẫn đầu khu vực. Trong những gương mặt giành vàng, "nữ hoàng tốc độ" Nguyễn Thị Oanh để lại ấn tượng lớn nhất với 3 tấm HCV nội dung nữ 1500m, 5000m và 3000m vượt chướng ngại vật.
Đặc biệt, ở nội dung 3000m vượt chướng ngại vật, chân chạy người Bắc Giang băng về đích với tốc độ "xé gió" lập nên kỷ lục mới tại SEA Games với thời gian 9 phút 52 giây 46, phá kỷ lục cũ do chính cô thiết lập vào năm 2019 (10 phút 00 giây 02).
Đây là kỳ SEA Games thứ 2 liên tiếp, Nguyễn Thị Oanh giành được "hat-trick" HCV. Còn tính cả 3 kỳ đại hội gần nhất, Oanh mang về tổng cộng 8 HCV về cho thể thao Việt Nam.
Nguyễn Thị Oanh lần thứ 2 liên tiếp giành 3 tấm HCV SEA Games.
Sự bền bỉ, ý chí mạnh mẽ và "tinh thần Việt Nam" không bỏ cuộc đã tạo nên một Nguyễn Thị Oanh xuất sắc trên đường đua và khiến cả Đông Nam Á phải ngả mũ thán phục.
Trên truyền hình, BLV Quang Huy cũng ấn tượng sâu sắc với Nguyễn Thị Oanh khi đưa ra nhận xét: "Đường chạy 3000m vượt chướng ngại vật nữ vốn cực kỳ khốc liệt, ngay cả Ủy ban Olympic từng muốn bỏ nội dung này ở các giải đấu chính thức.
Việc Nguyễn Thị Oanh giành HCV liên tiếp ở 2 kỳ SEA Games, thậm chí còn phá kỷ lục của chính bản thân đã thể hiện tinh thần, ý chí mạnh mẽ của VĐV Việt Nam trên đường chạy quốc tế. Nguyễn Thị Oanh đã thi đấu với phong độ rất cao, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung khó nhất. Đây là điều không phải ai cũng làm được và tôi rất cảm phục với chiến công này".
Nguyễn Thị Oanh là một trong 4 VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31.
Khi được hỏi về đam mê chạy vượt chướng ngại vật, Oanh từng nói: "Việc chạy đường trường không thì mình vòng đi vòng lại rất nhiều, nhưng khi có chướng ngại vật thì mình phải tập trung hơn rất nhiều để làm sao vượt qua được chướng ngại vật đó một cách hợp lý nhất.
Mọi người phải tham gia trải nghiệm thì mới cảm nhận được độ thú vị của nó. Tuy nhiên, nội dung này cũng khá vất vả vì với các bài tập ở nội dung này thì mình phải tập khối lượng tương đối nặng so với nội dung đường trường, nhưng nó mang đến cảm giác mới lạ hơn".
"ỐC TIÊU" VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT LỚN NHẤT CUỘC ĐỜI
Kỳ tích Nguyễn Thị Oanh tạo ra trên đường chạy không phải điều bất ngờ với người yêu thể thao. Câu chuyện về cô gái có thân hình nhỏ nhắn, chỉ cao 1m53 và thường được gọi với cái tên thân mật "cô bé ốc tiêu" đã trở thành nguồn động lực khi nói về quá trình phấn đấu vượt qua nghịch cảnh để vươn tới thành công.
Mỗi khi nói về sự nghiệp điền kinh, Oanh luôn tâm đắc: "Trên con đường dẫn đến thành công thì không có dấu chân của kẻ lười biếng. Tôi hy vọng mỗi một VĐV đã dành tình yêu cho thể thao thì hãy kiên trì, đam mê theo đuổi thì khi đó thành công sẽ đến với mình".
Quả thật, từ hình ảnh cô bé chân đất 9 tuổi chạy theo chị gái ngoài đường ở một cuộc thi cấp trường đến nhà vô địch SEA Games với 8 tấm HCV là một hành trình vô cùng gian nan.
Ở kỳ SEA Games 2013 trên đất Myanmar cách đây hơn 8 năm, Nguyễn Thị Oanh có màn "chào sân" cực kỳ ấn tượng đến đấu trường khu vực bằng tấm HCB nội dung 3000m vượt chướng ngại vật, chỉ về sau VĐV đến tư Indonesia.
Sự xuất hiện của Oanh gây chú ý với truyền thông bởi đây là nội dung khắc nghiệt và các VĐV Việt Nam thường ít có cơ hội cạnh tranh huy chương. Dù chỉ là tấm HCB nhưng điền kinh Việt Nam kỳ vọng chân chạy người Bắc Giang có thể làm nhiều hơn thế nữa nếu chuyên tâm tập luyện.
Ngỡ rằng bệ phóng ban đầu sẽ nuôi dưỡng cho tài năng của Nguyễn Thị Oanh tỏa sáng thì biến cố bất ngờ ập đến với "ốc tiêu" khi đó bước qua tuổi 18.
Khoảng cuối năm 2014, người Oanh bị phù, tăng cân đột ngột. Cô đón nhận cú sốc khi các bác sĩ chẩn đoán bị viêm cầu thận, hơn hết việc dùng thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng tới xương khớp, teo cơ và khó vận động mạnh. Điều đó đồng nghĩa với việc sự nghiệp đỉnh cao của Oanh có nguy cơ "vừa chớm nở đã vội tàn".
"Không thể tưởng tượng được cảm giác lúc đó như thế nào, người tôi như đang đứng trên đỉnh cao hy vọng thì bị rơi xuống vực sâu không đáy của sự tuyệt vọng vậy. Căn bệnh viêm cầu thận chính là chướng ngại vật lớn nhất cuộc đời mà tôi từng gặp và phải nghỉ hoàn toàn việc thi đấu trong thời gian dài", Nguyễn Thị Oanh nói.
Oanh có khởi đầu khá muộn khi năm 15 tuổi, cô gái Bắc Giang mới chính thức bước vào con đường của một VĐV chuyên nghiệp. Hàng ngày, cuộc sống chỉ gói gọn trong các buổi tập luyện với hy vọng chờ ngày bước lên đỉnh cao.
Do đó, khi biết tin bị bệnh, Nguyễn Thị Oanh dường như mất phương hướng. Suốt 6 tháng trời điều trị tại nhà chẳng khác gì "cực hình" bởi sự chán nản, sức khỏe suy giảm, ngoại hình bị phù, nổi mụn khắp mặt, vai cổ…
Nhưng bằng ý chí mạnh mẽ và tinh thần không bỏ cuộc, Nguyễn Thị Oanh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất một cách ngoạn mục. Cô kiên trì thực hiện đúng theo các liệu trình suốt 2 năm trời để cơ thể dần dần hồi phục và trở lại với niềm đam mê cháy bỏng trên đường chạy tốc độ bằng hình ảnh hoàn toàn khác.
Sở trường chạy vượt chướng ngại vật nhưng Oanh nhận ra chẳng thể bó buộc bản thân ở một nội dung, thay vào đó phải thử sức ở nhiều nội dung mới.
Và khi Malaysia bỏ 3000m vượt chướng ngại vật tại SEA Games 29, Oanh được cho thử sức ở hai nội dung trái sở trường gồm 1500m và 5000m. Ngay lập tức, Oanh gây ngỡ ngàng cho chính các thành viên trong ban huấn luyện khi thâu tóm trọn 2 tấm HCV.
Oanh vui mừng khi phá kỷ lục SEA Games.
Liên tiếp SEA Games 30 tại Philippines và SEA Games 31 ngay trên sân nhà, Nguyễn Thị Oanh đều không có đối thủ ở 3 nội dung 1500m, 5000m và 3000m vượt chướng ngại vật.
Hai lần giành hat-trick HCV ở những nội dung cực kỳ khốc liệt với một cô gái nhỏ nhắn như Oanh được xem là điều phi thường trong lịch sử điền kinh Việt Nam.
Ngay cả HLV Trần Văn Sỹ cũng cho rằng Oanh là "của hiếm" trong làng điền kinh Việt Nam. "Oanh có thể hình thấp bé nhưng thể hiện ý chí và nghị lực tuyệt vời trong thi đấu. Em xuất thân từ gia đình thuần nông, chịu thương chịu khó, chấp nhận được gian khổ trong tập luyện nên phù hợp với nội dung 3000 mét vượt chướng ngại vật.
Ngoài ra, điểm đặc biệt của Oanh là khả năng phục hồi rất tốt. Buổi sáng em có thể tập nặng nhưng buổi chiều gần như đã hồi phục hoàn toàn các chỉ số về tim mạch, huyết áp nên để tìm được một VĐV như Oanh quả thật là rất hiếm với điền kinh của Việt Nam".
Ở tuổi 27, "nữ hoàng điền kinh" Việt Nam đang sống trong những ngày tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời VĐV. Trải qua nhiều biến cố bệnh tật để vươn đến thành tích cao và mang về tự hào cho thể thao Việt Nam, câu chuyện của "nữ hoàng tốc độ" Nguyễn Thị Oanh giống như cổ tích giữa đời thực.
Dẫu vậy, câu chuyện đó sẽ không có cái kết có hậu nếu thiếu đi bản lĩnh, ý chí phi thường cùng tài năng vượt trội, Oanh "ốc tiêu" may mắn hội tụ đầy đủ để tỏa sáng cũng như ngầm khẳng định VĐV Việt Nam "tuy không cao nhưng khiến cả Đông Nam Á phải ngước nhìn".