Vay trực tuyến lãi suất 700% vẫn có hàng ngàn người xin vay

Thái Phương |

Có công ty cho vay trực tuyến thành lập chưa được một năm mà hiện mỗi ngày có khoảng 2.000 đơn xin vay.

Tại buổi tập huấn về thị trường tài chính tiêu dùng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hôm cuối tuần, các chuyên gia tài chính nhìn nhận mô hình cho vay ngang hàng – P2P (cho vay trực tuyến, online) đang phát triển rất "nóng" tại Việt Nam nhưng lại chưa có khung pháp lý rõ ràng.

Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực thông tin có công ty cho vay theo mô hình P2P ở Việt Nam chỉ mới thành lập từ cuối năm 2017 nhưng mỗi ngày có tới 2.000 đơn xin vay, cho thấy nhu cầu là rất lớn.

Ở các nước mô hình này cũng phát triển, riêng Trung Quốc, dư nợ cho vay trực tuyến tính đến cuối năm ngoái vào khoảng 30-40 tỉ USD, với hơn 6.000 công ty. Tuy nhiên, do mô hình này bị biến tướng nên cơ quan quản lý Trung Quốc đã ra tay dẹp từ 6.000 xuống còn khoảng 2.000 doanh nghiệp.

Vay trực tuyến lãi suất 700% vẫn có hàng ngàn người xin vay - Ảnh 1.

Mô hình cho vay trực tuyến mới xuất hiện ở Việt Nam gần đây nhưng nhu cầu của người vay rất lớn. Ảnh: Linh Anh

Theo TS Cấn Văn Lực, đây là cách thức cho vay không thông qua trung gian là ngân hàng thương mại, chỉ có đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa bên cho vay và người vay, giống như Uber, Grab trong lĩnh vực taxi đã xuất hiện ở Việt Nam.

Vì sao cách thức cho vay này lại nở rộ thời gian qua? TS Cấn Văn Lực cho rằng trong thực tế đời sống, luôn có người cần vay và người muốn cho vay, điển hình là các hiệu cầm đồ luôn có đất sống.

Và nhờ công nghệ phát triển nhanh nên người vay và bên cho vay có thể kết nối với nhau mà không thông qua các định chế tài chính ngân hàng, công ty tài chính...

"Mô hình này có nhiều ưu điểm, chi phí thấp, giải ngân nhanh nhưng đáng lo là hình thức này đang bị biến tướng, do nhiều người huy động vốn xong không cho vay mà lấy tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác.

Mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ, bên vay và người cho vay (nhà đầu tư) không rõ ràng... Đồng thời hiện chưa có cơ sở pháp lý để quản lý mô hình cho vay này" – TS Cấn Văn Lực nói.

Cũng chính vì chưa có khung pháp lý nên các công ty, nhà đầu tư cho vay xong sẽ dùng nhiều biện pháp để đòi nợ, thu hồi nợ, bao gồm cả thuê xã hội đen...

Một số công ty cho vay trực tuyến lợi hình thức cho vay này rồi đưa thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay lên cả 100%/năm, thậm chí 720% mỗi năm như báo chí phản ánh thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn trực tuyến rất lớn nhưng cơ quan quản lý lại chưa có cơ sở pháp lý nên rủi ro sẽ cho cả bên đi vay lẫn người cho vay. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào mô hình này càng rủi ro hơn.

Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần định hướng, có khung pháp lý cho mô hình này hoạt động, phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khung pháp lý cần được xây dựng càng sớm càng tốt, chứ không hẳn thấy khó quản lý thì cấm.

"Cho vay trực tuyến bản chất là cho vay dân sự, đã xuất hiện trên thế giới từ lâu và chỉ mới có ở Việt Nam gần đây. Về mặt hình thức cơ bản đã có hình hài rồi. Mô hình cho vay này cũng không thể cấm vì là xu hướng tất yếu của công nghệ, vấn đề là chúng ta phải có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để quản lý thì tốt hơn" – TS Lực nhận xét.

Vay trực tuyến lãi suất 700% vẫn có hàng ngàn người xin vay - Ảnh 2.

Nhiều công ty đang cho vay online với lãi suất rất cao. Ảnh minh hoạ: NLĐ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại