Đó là kết luận khá sốc từ công trình dẫn đầu bởi Viện khoa học Kính viễn vọng không gian ở Baltimore, Maryland (Mỹ). Các tính toán cho thấy trong mỗi 10 triệu năm, số vật thể lạ xâm nhập từ không gian giữa các vì sao vào hệ Mặt Trời có thể lên tới 600 tỉ. Chúng ta ít thấy chúng, đơn giản vì trình độ quan sát không gian của con người có giới hạn.
Nói với tờ New Scientist, tiến sĩ Amaya Moro-Martin, một trong các tác giả chính của nghiên cứu cho biết chính họ cũng ngạc nhiên khi các mô hình vũ trụ mà họ đã xây dựng dựa trên nhiều bộ dữ liệu quan sát và lý thuyết thiên văn cho thấy điều kỳ lạ này.
Oumuamua, một trong những "kẻ xâm nhập" từ bên ngoài hệ Mặt Trời - Ảnh: NASA.
Trước đó, một nghiên cứu khác vào tháng 8-2021 từng khẳng định có tới hơn 100 ngàn tỉ vật thể lạ lang thang giữa các vì sao đang "lăm le" xâm nhập ở bên ngoài đám mây Oort - bức trường thành ở rìa hệ Mặt Trời.
Theo Daily Mail, nghiên cứu mới chỉ ra các vật thể này có thể hình thành từ khí và bụi ở một hệ sao khác, hoặc hình thành giữa khoảng không mênh mông giữa các hệ sao trong thiên hà Milky Way. Chúng xâm nhập các hệ sao rất thường xuyên và đóng góp rất lớn vào vật liệu hình thành các hành tinh non trẻ.
Điều này lý giải việc các phép đo quang phổ đối với các vật thể ngoài hệ Mặt Trời cho thấy các hệ sao khác nhau chia sẻ với nhau nhiều thành phần tương đồng. Nói cách khác, khi một hệ sao gồm các hành tinh hình thành như hệ Mặt Trời của chúng ta, có rất nhiều vật liệu ngoại lai đã góp phần và có khi trong đó có cả những "hạt mầm" của sự sống - góp phần củng cố giả thuyết sự sống đến từ không gian giữa các vì sao.
Có 2 vật thể liên sao được phát hiện gần đây nhất là tiểu hành tinh Oumuamua hay sao chổi 2I/Borisov, đều được phát hiện bởi thành phần khác biệt so với những gì đang tồn tại trong hệ Mặt Trời, trong đó Oumuamua thậm chí được các nhà khoa học từ Đại học Harvard (Mỹ) nghi ngờ là sản phẩm công nghệ của người ngoài hành tinh.