"Vàng trong dân như nước ngầm trong đất. Có người mua cả trăm cây vàng ngày Thần Tài cũng không sao cả"

Bích Câu – Minh Anh |

"Nếu họ không mua đợt này thì mai mốt họ cũng mua..." - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

Những ngày qua, thông tin xung quanh ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) được nhiều chuyên gia bàn luận đa chiều trên báo chí. 

Trả lời báo Tuổi trẻ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cho biết, cho đến cuối thế kỷ 19, tại Việt Nam hình ảnh Thần Tài chưa được phổ biến. Thay vào đó, Thần Đất (Thổ Thần) vẫn đảm nhận chức năng của Thần Tài, theo quan điểm thổ sinh kim. 

Ông Trảng dẫn chứng từ sách Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895) của Huỳnh Tịnh Của để chứng minh rằng cả Thổ Thần và Tài Thần đều được xem là "Thần Đất, thần giữ tiền bạc".

Nhà nghiên cứu này cũng nhấn mạnh, dù có sự xuất hiện của Thần Tài vào những năm 1920 và 1930 khi thương nghiệp phát triển, người Việt vẫn giữ lại tín ngưỡng cũ về việc kiêng đổ rác ba ngày đầu năm mới trong Tết cổ truyền, nhằm tránh thất thoát tiền bạc và may mắn.

Qua VnExpress, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết tục thờ Thần Tài cổ xưa nhất được ghi chép là thờ Ngũ phương thổ thần, bắt đầu từ thời Hán ở Trung Quốc vào ngày mùng 2 Tết, còn ở phương Nam vào mùng 5 Tết. Tập quán này đã kéo dài và nhất quán cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ 20. 

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng từ cuối thế kỷ 20, do ảnh hưởng của 'kinh tế văn hóa', nhiều tập tục, truyền thuyết dân gian đã bị suy diễn, biến tướng và gán ghép, trong đó có ngày vía Thần Tài.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Ảnh: Văn Bảy/ Tuổi Trẻ

Cúng Thần Tài và mua vàng: Tránh mê tín, cẩn thận bị lợi dụng

Về việc làm lễ cúng Thần Tài, ông Phạm Đình Hải cảnh báo về nguy cơ mê tín dị đoan khi thực hiện các nghi thức này. 

Ông Hải nhấn mạnh lễ vật thờ cúng, đặc biệt là cúng Thần Tài, thường là những sản phẩm quý nhất của gia đình và không có quy định cụ thể, tùy thuộc vào quan niệm và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Ông khuyên người dân nên tuân thủ quan niệm cổ điển và tránh bỏ tiền ra mua những vật phẩm cúng đắt đỏ mà không có lòng biết ơn thật sự.

"Tập quán dân gian vốn không quy định cụ thể về nghi thức và lễ vật, tốt nhất nên tuân theo quan niệm cổ điển. Cốt lõi có hương đăng, phẩm quả, rượu nước, gạo muối... có gì cúng đó. Tùy vào điều kiện bản thân, gia đình mà sắm lễ, không nên chạy theo số đông bởi thành tâm là quan trọng nhất."

Về việc mua vàng, trên Báo Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, lưu ý rằng cần phải có sự tính toán hợp lý, tránh xa khỏi những lối tư duy ganh đua và mù quáng. Nhưng đồng thời, ông Vĩ cũng cho rằng mua vàng không chỉ là việc tích lũy của cải mà còn là biểu trưng cho sự vững vàng và ổn định kinh tế của một gia đình, một cộng đồng, nên việc người dân xếp hàng đông để mua vàng không có gì đáng phê phán cả. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: VNU

"Tôi nghĩ rằng, vàng ở trong dân cũng như nước ngầm trong đất và cuộc sống thì như một cánh rừng. Nước ngầm càng nhiều thì rừng càng tươi tốt. Dân tích trữ được nhiều vàng thì ổn định về kinh tế", ông Vĩ nói. "Cho nên từng người, từng nhà một mua được vàng để tích lũy, dù với mục đích ban đầu là để lấy may hay tặng nhau lấy may thì cũng là hồng phúc cho sự vững vàng của một dân tộc, một nhà nước".

Chia sẻ thêm về việc có người dốc tiền đi mua cả trăm cây vàng vào ngày Vía Thần Tài thì có phải "mù quáng" không, ông nói "cũng không sao cả".

"Nếu họ không mua đợt này thì mai mốt họ cũng mua. Vì đó là những người muốn giữ giá trị nhưng không có cơ hội đầu tư vào những cái khác và họ có tính toán của họ chứ không đơn thuần chỉ là tín ngưỡng. Tôi tin chắc là nếu họ muốn mua 100 cây vàng thì không mua vào ngày mồng 10 tháng Giêng họ cũng sẽ mua vào 15 tháng Giêng".

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Dù vậy, ông Vĩ đặc biệt phản đối việc chẳng hạn như mua vàng phải được thầy làm phép mới may mắn, phải nhờ người tuổi nọ - tuổi kia mua vàng mới may. Đây là những quan niệm sai lầm và không nên cổ súy.

Tương tự, nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ trên Báo Dân trí, không nên tin rằng cứ đi mua vàng cầu may là cả năm làm ăn phát đạt. Điều này dễ khiến con người cảm thấy u mê, dần sa vào mê tín dị đoan.

"Thành công phải dựa vào nỗ lực của bản thân chứ không phải do sự may rủi tạo nên. Vì vậy, không nên thần thánh hóa, đẩy ngày này lên thành mê tín dị đoan", nữ tiến sĩ nói. Nên coi việc mua vàng là một hành động tiết kiệm hoặc để giải quyết khâu tâm lý. Tùy điều kiện mỗi gia đình, nếu có nhiều thì mua nhiều, nếu không có thì không mua cũng không sao.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại