Công nhân đúc các thỏi vàng nguyên chất 99,99% tại nhà máy kim loại quý Krastsvetmet ở thành phố Krasnoyarsk thuộc vùng Siberia, Nga. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), hồ sơ Hải quan của Nga có thông tin chi tiết về gần 1.000 lô hàng vàng kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra đến tháng 3 năm nay. Theo hồ sơ này, UAE đã nhập khẩu 75,7 tấn vàng của Nga, trị giá 4,3 tỷ USD, tăng từ mức chỉ 1,3 tấn trong năm 2021.
Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những thị trường lớn tiếp theo của vàng Nga, trong đó mỗi nước nhập khẩu khoảng 20 tấn trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2022 đến ngày 3/3 năm nay. Cùng với UAE, ba quốc gia này chiếm 99,8% lượng vàng xuất khẩu của Nga trong giai đoạn này.
Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, nhiều ngân hàng đa quốc gia, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và nhà tinh chế kim loại quý đã ngừng xử lý vàng của Nga. Trước đó, mặt hàng này thường được chuyển đến London - trung tâm lưu trữ và giao dịch vàng.
Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London đã cấm giao dịch thỏi vàng sản xuất tại Nga từ ngày 7/3/2022. Sau đó, đến cuối tháng 8, Anh, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada và Nhật Bản đều đã cấm nhập khẩu mặt hàng này từ Moskva.
Tuy nhiên, hồ sơ xuất khẩu cho thấy các nhà sản xuất vàng của Nga đã nhanh chóng tìm thấy thị trường mới ở các quốc gia chưa áp lệnh trừng phạt đối với Moskva - chẳng hạn UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Ông Louis Marechal, chuyên gia tìm nguồn cung ứng vàng tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cho biết có khả năng vàng của Nga đã bị nấu chảy và đúc lại, sau đó đưa trở lại thị trường Mỹ và châu Âu.
Ủy ban vàng thỏi của Chính phủ UAE khẳng định quốc gia này hoạt động theo quy trình rõ ràng và mạnh mẽ nhằm ngăn chặn hàng hóa bất hợp pháp, hoạt động rửa tiền và các thực thể bị trừng phạt.
“UAE sẽ tiếp tục giao dịch cởi mở và trung thực với các đối tác quốc tế, tuân thủ tất cả các quy tắc quốc tế hiện hành do Liên hợp quốc đưa ra”, tuyên bố cho biết.
Các thỏi vàng nguyên chất 99,99% được xử lý tại nhà máy kim loại Krastsvetmet ở thành phố Krasnoyarsk thuộc Siberia, Nga. Ảnh: Reuters
Trong nỗ lực tiếp tục cô lập Nga, Washington đã cảnh báo các quốc gia - gồm UAE và Thổ Nhĩ Kỳ - có thể mất khả năng tiếp cận thị trường G7 nếu làm ăn với các thực thể chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, dữ liệu mà Reuters xem xét không cho thấy các quốc gia này đã vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Washington.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan thi hành các biện pháp trừng phạt, không trả lời các yêu cầu bình luận về vấn đề trên.
Dữ liệu hải quan cho thấy Nga đã xuất khẩu 116,3 tấn vàng từ ngày 24/2/2022 đến ngày 3/3 năm nay. Trong khi đó, nhà tư vấn Metals Focus ước tính Nga đã sản xuất 325 tấn vàng trong năm 2022.
Số lượng vàng còn lại được khai thác ở Nga có thể lưu hành trong nước hoặc được xuất khẩu trong các giao dịch không ghi trong hồ sơ.
Hồ sơ cũng cho biết hầu hết các lô hàng vàng của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc đều cập cảng Hong Kong. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định mối quan hệ hợp tác của nước này với Nga “sẽ không bị gián đoạn hoặc ép buộc bởi bất kỳ bên thứ ba nào”.
Theo giới chuyên gia, sự dịch chuyển hàng xuất khẩu của Nga khỏi London không được coi là “đòn” giáng mạnh vì trung tâm này không phụ thuộc vào Nga. Minh chứng là theo dữ liệu thương mại của Anh, năm 2021, vàng từ Nga chiếm 29% lượng nhập khẩu của London, nhưng năm 2018, mặt hàng này chỉ chiếm 2%.
Trong khi đó, UAE từ lâu đã sở hữu ngành vàng phát triển mạnh. Dữ liệu thương mại cho thấy nước này đã nhập khẩu trung bình khoảng 750 tấn vàng nguyên chất mỗi năm trong khoảng từ năm 2016 đến năm 2021. Điều đó có nghĩa là các lô hàng trong hồ sơ của Nga sẽ chỉ chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của nước này.
UAE cũng là nhà xuất khẩu vàng thỏi và đồ trang sức lớn.
Ảnh: Reuters
Theo quản lý của một công ty giấu tên đã vận chuyển lượng lớn vàng của Nga đến UAE, các công ty Nga đã bán vàng thỏi cho nước này với mức chiết khấu khoảng 1% so với giá chuẩn toàn cầu, nhằm thúc đẩy giao dịch.
Người này tiết lộ phần lớn số vàng mà công ty của ông vận chuyển đến UAE đều được được nấu chảy và đúc lại.
Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, hồ sơ hải quan chỉ hiển thị người gửi hàng hoặc doanh nghiệp tham gia giao dịch, mà không phải khách hàng cuối cùng - có thể là nhà tinh chế, thợ kim hoàn hoặc nhà đầu tư.
Dữ liệu hải quan cho thấy công ty xử lý vàng lớn nhất của Nga xuất khẩu sang UAE là Temis Luxury Middle East - công ty con của Công ty hậu cần Temis Luxury của Pháp, có trụ sở tại Dubai – đã tham gia vận chuyển 15,6 tấn trị giá 863 triệu USD từ tháng 4/2022 đến ngày 3/3 năm nay.
Ông Broca Houy tại Temis Luxury Group, khẳng định công ty hoàn toàn tuân thủ luật pháp và quy định của UAE về kinh doanh giao nhận vận tải. Ông cho biết Temis không mua vàng của Nga và chỉ chấp nhận các đơn đặt hàng vận chuyển từ các nhà điều hành không chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bộ Tài chính Pháp cho biết giới chức sẽ không bình luận về các trường hợp cụ thể nào, nhưng khẳng định họ cam kết tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
Luật sư Tan Albayrak tại Công ty Luật Reed Smith ở London, giải thích các biện pháp trừng phạt của châu Âu thường không áp dụng cho các công ty con ở nước ngoài. Do đó, các công ty châu Âu có công ty con liên quan đến việc vận chuyển vàng của Nga đến UAE, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Quốc sẽ không nhất thiết bị coi là vi phạm các biện pháp trừng phạt.
Công ty xử lý vàng thỏi lớn thứ 2 của Nga tại UAE, có liên quan đến các chuyến hàng 14,6 tấn trị giá 820 triệu USD, là công ty logistic Transguard, thuộc Tập đoàn Emirates. Emirates tuyên bố họ đã không mua bất kỳ loại vàng nào của Nga, tuân thủ đầy đủ các luật hiện hành và đã ngừng vận chuyển mặt hàng này.
“Do những thay đổi về quy định gần đây, Transguard không còn cung cấp dịch vụ logistic liên quan đến các chuyến hàng vàng đến hoặc từ Nga nữa”, thông báo của Emirates cho biết.