‘Vẫn tồn tại con ông cháu cha thì còn mất cán bộ giỏi’

ANH VĂN |

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam việc cạnh tranh thiếu công bằng khiến nhiều công chức, viên chức nghỉ việc.

Ông Nguyễn Túc nhận định, thu nhập là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo động lực, cũng như giữ chân cán bộ, công chức. Tuy nhiên, đó không phải tất cả. Bên cạnh vấn đề lương thấp, nhiều lao động trong khu vực công thôi việc với lý do khác.

Nghỉ việc vì lý do "không tiện nói"

"Vì sao họ không nói ra? Vì sao đa phần đơn xin nghỉ việc của họ đều ghi theo nguyện vọng cá nhân? Vậy nguyện vọng thực chất của họ là gì?", ông Túc nêu băn khoăn.

Vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, ngoài lương, thưởng không xứng đáng, cán bộ, công chức chịu áp lực về môi trường làm việc thiếu tính chuyên nghiệp và sáng tạo. Họ ít được chủ động về chuyên môn; nạn bè phái, mất đoàn kết, đấu đá nội bộ xoay quanh hai chữ "nhất quan hệ".

"Thân quen, tiền tệ, hậu duệ" đã và đang hạn chế đáng kể cơ hội của những người thật sự có trí tuệ, tài năng được vào làm việc tại khu vực công. Không ít người có trình độ ở mức tầm trung, thậm chí yếu kém về năng lực, nhưng được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước bằng các mối quan hệ thiếu minh bạch.

“Vào được cơ quan, những người này lại nhờ mối quan hệ đó để thăng tiến, lấy đi cơ hội của cán bộ giỏi. Điều này làm cho cán bộ chính trực nản lòng, họ xin nghỉ việc là điều không tránh khỏi. Nếu vẫn tồn tại tình trạng "con ông cháu cha", chúng ta sẽ còn mất cán bộ giỏi” , ông Túc nhấn mạnh.

Trong khi đó, điều kiện làm việc, lộ trình thăng tiến tại các cơ sở tư nhân lại rất rõ ràng. Ông Túc cũng cho biết, thực trạng này đã được đề cập ở nhiều diễn đàn và cũng là điều băn khoăn của nhiều tri thức.

‘Vẫn tồn tại con ông cháu cha thì còn mất cán bộ giỏi’ - Ảnh 1.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, môi trường làm việc công chưa thật sự được thỏa đáng làm “giọt nước tràn ly”, khiến cán bộ, công chức nghỉ việc, thôi việc.

Xét riêng lĩnh vực Y tế - một trong những ngành nghề có nhiều lao động nghỉ việc tại khu vực công vài năm trở lại đây, ông Quang nhận định, có rất nhiều vấn đề về môi trường làm việc.

Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Điều đó đẫn đến tâm lý công việc của mình không được đánh giá công bằng, khách quan. Trong khi đó, làm việc ở các bệnh viện tư, họ cảm thấy thoải mái, yên tâm cống hiến do được đánh giá đúng năng lực ”, ông Quang nói.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nêu rõ, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng thực hành y khoa của bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công cũng khác so với khu vực tư nhân. Khi làm ở khu vực công, y bác sĩ muốn đi học phải chờ lần lượt, đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện... Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân, nếu muốn đi học, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo, nâng cao tay nghề.

Một vấn đề nữa mà ông Quang nhận thấy rõ sự khác biệt giữa công và tư là khả năng thăng tiến.

Tại bệnh viện công, muốn làm trưởng, phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt... Trong khi đó, ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề, kỹ năng thực hành y khoa, có uy tín, đông bệnh nhân… là có thể được bổ nhiệm ”, ông Quang cho biết.

Người đứng đầu phải khách quan

Trả lời VTC News , TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng không thể phủ nhận ở một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, người đứng đầu không có tài năng, thiếu gương mẫu, không biết lắng nghe, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm pháp luật, không khách quan và công bằng trong phân công, bố trí, sử dụng, đánh giá, khen thưởng… nhân viên cấp dưới.

“Từ đó tạo ra môi trường làm việc không tốt, dễ xảy ra kiện cáo, mất đoàn kết, cấp dưới góp ý với cấp trên thì bị trù dập… Đây là nguyên nhân dẫn đến một số cán bộ, công chức, viên chức có lòng tự trọng, năng lực, xin thôi việc để chuyển ra khu vực tư nhân. Điều này thật sự đáng tiếc” , ông Tuấn nêu thực trạng.

Chia sẻ về giải pháp khắc phục thực trạng này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong công tác cán bộ phải lựa chọn người xứng đáng, có đủ tâm, đạo đức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt phải có khả năng tập hợp, quy tụ đồng chí, đồng đội để cùng chung tay xây dựng tập thể đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

“Những người không biết lắng nghe, thiếu gương mẫu, không kết nối, tập hợp được mọi người… thì không nên giao chức vụ quan trọng, đặc biệt là cương vị người đứng đầu” , ông Tuấn nhấn mạnh.

‘Vẫn tồn tại con ông cháu cha thì còn mất cán bộ giỏi’ - Ảnh 3.

Để cán bộ gắn bó với khu vực công, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải khách quan, công tâm. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Theo ông Tuấn, công tác thu hút, giữ chân người làm được việc, có năng lực, có phẩm chất và có tinh thần cống hiến, tận tụy làm việc cũng rất quan trọng.

“Đây là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Anh phải tìm kiếm, phát hiện và dám sử dụng người giỏi, tâm huyết với công việc, thiết kế môi trường tạo dựng động lực làm việc… Cùng đó là sự khách quan, công bằng trong đánh giá, phân loại để khen thưởng, cất nhắc người giỏi; khiển trách, loại bỏ những người yếu kém ra khỏi tổ chức” , ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhắn nhủ những cán bộ, công chức đang làm việc trong môi trường không lành mạnh, ngoài lòng tự trọng, năng lực làm việc, phải có thêm lòng dũng cảm, khí phách để đấu tranh với những cái xấu, không sợ trù dập, dám ở lại để khẳng định mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại