Nhiều fan gạo cội sẽ thấy câu hỏi trên ngớ ngẩn đến mức chẳng buồn nhếch mép để trả lời. Vì ai xem bóng đá mà chẳng biết, nếu như Gary là thành viên chủ chốt của thế hệ vàng 1992 do Sir Alex Ferguson đích thân nhào nặn, thì Phillip chỉ là một gã lang thang theo nhiều nghĩa.
Khoác áo Man United suốt từ 1992 đến 2011 ở một vị trí duy nhất là hậu vệ phải, Gary đã chơi chẵn 400 trận cho đội chủ sân Old Trafford và đoạt 8 chức VĐ Premier League, 2 danh hiệu Champions League kèm theo một đống giải thưởng khác. Ngược lại, Phillip chỉ bám trụ tại Old Trafford được 10 năm, chủ yếu dưới danh nghĩa cầu thủ dự bị.
Nhưng đừng thấy Phillip có một sự nghiệp khiêm nhường hơn hẳn so với Gary mà vội kết luận rằng anh kém tài "đại ca" của mình. Trái lại, trong suốt quãng thời gian trước khi hai chàng trai nhà Neville trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, Phillip luôn được đánh giá cao hơn.
Gary từng thừa nhận: "Phil luôn tỏa sáng ở các giải đấu cấp quốc gia dành cho học sinh, còn tôi chẳng thể xin được một suất đá chính ở đội bóng cấp quận".
Hai anh em, hai số phận.
Nói về tài năng và cả sự đa năng, Phillip có thể coi Gary là... em út. Chỉ có điều, chính sự đa năng đã khiến Phillip không bao giờ đạt đến đẳng cấp của anh trai mình.
Trong khi Gary cả đời tập trung rèn luyện để khắc phục những điểm yếu và phát huy những tố chất cần thiết cho vai trò hậu vệ cánh phải, Phillip liên tục "trôi dạt" khắp nơi. Hậu vệ trái. Hậu vệ phải. Tiền vệ trung tâm... Gần như vị trí nào Phillip cũng từng đảm nhận.
Các HLV nhận thấy sự linh hoạt của Phillip, thế là đứa con tài năng hơn của nhà Neville dần dần mất bản sắc. Các kỹ năng thiên bẩm của Phillipp đều không được mài sắc tới tầm.
Câu chuyện về Phillip là lời cảnh báo sâu sắc đối với một cầu thủ đang được đánh giá là tài năng hứa hẹn nhất của bóng đá Việt Nam: Vũ Văn Thanh.
Văn Thanh xuất hiện lần đầu tại V-League cách đây 2 năm. Lúc bấy giờ, NHM hầu như không chú ý đến cầu thủ thi đấu ở vị trí hậu vệ trái của HAGL. Tất cả đang bị thu hút bởi những gương mặt sáng lòa gồm Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh...
Cái tên Văn Thanh bắt đầu lờ mờ xuất hiện trong bộ nhớ của khán giả kể từ khi cầu thủ sinh năm 1996 ghi một bàn thắng đẹp mắt vào lưới Than Quảng Ninh ở vòng 6 V-League 2015. Và đến bây giờ thì Văn Thanh, xét ở một số khía cạnh, còn nổi hơn nhóm Phượng, Trường, Anh.
Đa năng là lý do Vũ Văn Thanh chìm nghỉm giữa những cái tên khác của HAGL. Ảnh: Tiên Lâm.
Tương tự Phillip, Văn Thanh được chú ý một phần bởi sự đa dạng trong các vai diễn. Thậm chí so với tiền bối người Anh, Văn Thanh còn đa năng hơn một bậc. Phillip chưa bao giờ dám đá tiền đạo, còn Văn Thanh đã chơi nhiều trận ở vị trí mũi nhọn cho HAGL.
Ngoài ra, anh cũng không lạ gì với các vị trí tiền vệ trái, tiền vệ phải. Tại vòng loại U23 châu Á vừa qua, Văn Thanh đảm đương vị trí hậu vệ phải trong đội hình của HLV Hữu Thắng. Anh thi đấu không tệ, nhưng cũng chẳng được hay như kỳ vọng về một cầu thủ được CLB xếp thứ 3 giải VĐQG Serbia mùa trước để mắt tới.
Có thể Văn Thanh đang quá tải. Hoặc có thể là viên ngọc của lò HAGL chỉ tạm thời sa sút rồi sẽ lại vọt lên mạnh mẽ như trước. Nhưng cũng không thể loại trừ khả năng Văn Thanh đã rơi vào tình trạng "tẩu hỏa nhập ma" vì liên tục phải nhiệm vụ vác đá đi vá các lỗ hổng.
Chiến sỹ đa năng vác hòn đá nặng Văn Thanh cần sớm được trả lại đúng vị trí hậu vệ trái sở trường. Bởi sau cùng, người đời chỉ gọi tên Gary chứ không nhớ về Phillip.