Tại Móng Cái, vạn khách du lịch Trung Quốc chen nhau nhập cảnh vào Việt Nam.
Con số này chưa nói lên tất cả, năm 2016 có tới 2.7 triệu khách du lịch Trung Quốc tìm đến nước ta (chiếm 27% tổng lượng khách du lịch quốc tế tại Việt Nam). Trong 2 tháng 1, 2 năm 2017, 220 ngàn du khách Trung Quốc vào Việt Nam (bằng 1/3 tổng lượng khách quốc tế).
Công bằng mà nói, đã có những điều tiếng về du khách Trung Quốc về những hành vi như ồn ào, xả rác bừa bãi thậm chí có cả việc du khách Trung Quốc đốt tiền Việt Nam.
Dư luận cũng không ít người bày tỏ lo ngại, thậm chí kỳ thị trước việc xuất hiện những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc.
Vậy chúng ta đang đón tiếp những người khách như thế nào đây? Khách du lịch Trung Quốc và các cửa hàng phục vụ riêng họ đem lại lợi ích gì cho kinh tế Việt Nam?
Xin giới thiệu một lý giải của ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Văn Duy (VAN DUY CO., LTD) có thâm niên làm du lịch 30 năm, đã từng tiếp xúc rất nhiều với nhiều đoàn du khách Trung Quốc.
Khách du lịch bình dân nhất trong phân khúc bình dân
Trong những loại hình du lịch như khám phá, nghỉ dưỡng, mạo hiểm… khách nhập cảnh đường bộ Trung Quốc thuộc hàng bình dân nhất trong số khách du lịch bình dân.
Họ đến Việt Nam không theo nghĩa là đi du lịch, chỉ đơn giản là thay đổi không khí và nói rằng mình đã đến nơi nọ, nơi kia…
Là bình dân nhất trong phân khúc bình dân, số tiền mà mỗi du khách Trung Quốc sẽ phải đóng cho công ty lữ hành tầm 30 tới 40USD/ngày/người (đối với đoàn trên 20 người).
Để thu hút khách, những doanh nghiệp lữ hành bên Trung Quốc tổ chức loại hình du lịch trả góp, khách đăng ký đi tour Việt Nam nộp trước cho công ty 30% kinh phí, 70% còn lại sẽ được khấu trừ dần thông qua tài khoản ngân hàng (tiền lương).
Thậm chí, họ có cả những tour du lịch 0 đồng.
Khách Trung Quốc xếp hàng tại cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) để đợi xuất cảnh qua của khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), ngày 17.3.2017. Ảnh: N.H
Các doanh nghiệp này tìm đâu ra lợi nhuận từ việc tổ chức các tour như vậy?
Họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc đưa du khách vào Việt Nam và phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch mua sắm.
Các công ty Lữ hành Trung Quốc liên kết cùng đối tác Việt Nam xây dựng những điểm mua sắm, trung tâm thương mại tại các thành phố, trung tâm Du lịch.
Họ tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc chia hoa hồng với các trung tâm thương mại, điểm mua sắm tại Việt Nam.
Họ biến chuyến hành trình thăm Việt Nam của những du khách Trung Quốc bình dân thành chuỗi ngày mua sắm triền miên.
Khách Trung Quốc còn không có đủ thời gian đi dạo phố nơi họ có thể mua được những mặt hàng tương tự với giá rẻ hơn từ 3 đến 5 lần.
Cửa hàng cho người Trung Quốc lợi hay hại?
Phục vụ những tour du lịch giá rẻ, thậm chí du lịch 0 đồng, tại nhiều thành phố du lịch nước ta xuất hiện các cửa hàng cho người Việt", thậm chí là cửa hàng chỉ dành cho khách Trung Quốc.
Đây đơn thuần là nơi "móc túi" du khách bình dân Trung Quốc đến đồng cuối cùng.
Thậm chí hợp đồng giữa du khách và các công ty lữ hành phía Trung Quốc có những điều khoản quy định rất rõ: không vào cửa hàng, trung tâm thương mại khách sẽ nộp phí từ 5 đến 15 USD/cửa hàng.
Thay vì tâm lý kỳ thị, chúng ta nên phát triển loại hình cửa hàng này, thậm chí là thuê hẳn người Trung Quốc bán hàng với điều kiện bắt buộc là chỉ được bán hàng Việt Nam.
Không có lý do gì bảo vệ túi tiền của người Việt bằng cách ngăn không để người Việt vào những cửa hàng như vậy, lấy tiền từ người Trung Quốc lại là không yêu nước?
Hàng triệu du khách Trung Quốc sang Việt Nam và tại những cửa hàng như vậy, sản phẩm trong nước có được thị trường tiêu thụ tại chỗ, Nhà nước thu được thuế, nhiều người dân có công ăn việc làm.
Đó là lợi ích thiết thực cho nền kinh tế nước nhà.
Một cửa hàng "chỉ bán cho người Trung Quốc" nằm cạnh quốc lộ 18A, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long bị dừng hoạt động. Ảnh: Minh Cương.
Một điều khá đặc biệt đó là du khách bình dân Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Họ ăn cực khỏe.
Hơn chục năm trước khi có chuyến tàu biển đầu tiên chở khách Trung Quốc đến Hạ Long, thực khách Trung Quốc phát hiện ra món "thịt lợn cuốn lá chuối" (giò lụa) và kết quả là chỉ trong vòng một ngày, thành phố đã không còn cây giò nào.
Khách bình dân Trung Quốc cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương.
Riêng tại cửa khẩu Móng Cái năm 2016 với nửa triệu du khách Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh đã đem tới nguồn thu 250 tỷ đồng từ phí làm Visa (khoảng 25USD/người/lượt), tiền bán vé thăm quan Hạ Long đạt khoảng 85 tỷ đồng.
Đó là chưa kể tới việc cho thuê phòng từ các khách sạn 3 sao trở xuống, công ăn việc
làm cho đội ngũ phục vụ, dịch vụ cho thuê xe, thuyền … Ở Hạ Long, những khách sạn 3 sao, giá thuê phòng 300 ngàn/ngày đêm có nguồn thu nhập khá ổn định từ du khách bình dân Trung Quốc.
Năm 2016, 2.7 triệu khách Trung Quốc vào Việt Nam, nhưng chưa là gì so với Thái Lan (ước khoảng 10 triệu theo Hội đồng du lịch Thái Lan – dẫn theo Vnexpress), đem đến cho nước này hơn 11 tỷ USD.
Còn chúng ta ở gần ngay Trung Quốc sao không tìm cách có được những lợi ích kinh tế tối đa từ du khách nước này để phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam?