Không ủng hộ việc nghỉ học
- Chắc hẳn thời gian qua, anh đã nghe đến việc Quang Anh và Mỹ Chi chạy show quên cả việc đến trường?
Đó là sự lựa chọn của Phương Mỹ Chi và Quang Anh nhưng tôi chỉ mong hai bé xem xét một con đường dài hơn, tìm được sự cân bằng giữa việc học và chuyện theo đuổi nghệ thuật.
Tôi đã hoạt động trong ngành lâu rồi và tôi đã gặp rất nhiều em nhỏ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài, việc bắt đầu quá sớm đến lúc nào đó có thể ảnh hưởng đến tương lai. Tôi nghĩ là không gì quan trọng hơn việc học cả.
- Nhưng không phải ai cũng kiếm được số tiền lớn trong một thời gian ngắn như thế, dù việc nghỉ học xem ra cũng không phải là sự lựa chọn đúng đắn...
Tôi đang làm việc trong ngành giáo dục nên tôi không thể nào ủng hộ việc nghỉ học được. Hơn ai hết, tôi nhận thấy được tầm quan trọng của việc đi học. Đó là chuyện bắt buộc.
Với tôi, học vấn là điều rất vô giá. Nếu ngưng việc học và đi hát một thời gian, quen với cảm giác đó rồi thì khi quay lại với việc học không phải là điều dễ dàng. Thế nên, không thể nào, không nên bỏ học, điều tốt nhất là hãy tìm kiếm một sự cân bằng.
- Đó cũng là lý do khiến dư luận bấy lâu nay đặt lên vai các em những lời nhận xét không mấy tích cực...
Thật sự tôi thấy không có yên tâm một chút nào. Showbiz Việt có nhiều cái tiêu cực lắm. Tôi đã 30 tuổi rồi nhưng việc đối phó với tiêu cực không phải là điều đơn giản.
Cũng có thể các bé trong lúc này cũng chưa có đủ sự hiểu biết, ý thức để biết mình nên làm cái gì và bỏ cái gì. Vậy nên, những người xung quanh, người lớn phải có trách nhiệm bảo vệ hai em.
Không ai khác ngoài gia đình biết được điều gì tốt và không cho các em. Ở cương vị của người thứ ba để nhìn vào sự việc, tôi chỉ mong hai bé sẽ tiếp tục đi học.
Đây là hai bé nhỏ nên chúng ta nên mãi mãi bảo vệ hai bé. Mình là người lớn, mình cần phải có trách nhiệm. Nếu nhận xét về người lớn thì không sao cả vì họ đã có tuổi đời, đã có bản lĩnh, có trải nghiệm rồi.
Vết thương của họ sẽ lành nhanh thôi. Còn trẻ con, chúng ta phải ủng hộ và truyền cảm hứng cho chúng. Tôi thấy không hay nếu mình đề cập đến những tiêu cực đối với các em
Các bé chỉ mới 11,12 tuổi thì biết cái gì. Chúng chỉ nghe theo lời những người chung quanh thôi. Bản thân tôi không muốn thấy các em bị tổn thương, bởi nếu có điều gì xảy ra, nó không phải chỉ là vết thương của các em mà còn trở thành vết thương của xã hội.
Tôi đang tự hỏi nếu không thể bảo vệ được thế hệ trẻ thì nền âm nhạc sẽ đi đến đâu.
Thí sinh The Voice Kids chưa phải là tài năng
- Sự nổi tiếng đang đẩy các em vào rắc rối, điều này theo anh có đáng không?
Không thể nói đáng hay không đáng được. Đây chỉ là kết quả sau khi tham gia một cuộc chơi. Tôi thấy chuyện nổi tiếng không xấu, cái gì nó cũng có hai chiều.
Nếu mình có định hướng về lâu dài, mọi thứ sẽ ổn định thôi. Thế nên, tôi mong các em sẽ có được định hướng lâu dài để phát triển trong tương lai.
Tôi chỉ muốn các bé mười năm sau vẫn còn hoạt động nghệ thuật, chứ không đi con đường quá ngắn để tương lai bị ảnh hưởng. Hai đứa dễ thương lắm, rất tiềm năng và tôi muốn thấy tiềm năng trở thành tài năng.
- Chỉ là tiềm năng thôi sao?
Ngày hôm nay tôi muốn nói ở The Voice Kids chưa bé nào có tài năng cả, chỉ là ở mức tiềm năng thôi.
Và nếu tiềm năng đó không được đào tạo, đầu tư đúng mức tôi sẽ thấy rất tiếc. Nếu không phát huy được những gì hai bé có, không chỉ tiếc cho hai bé mà còn tiếc cho cả khán giả Việt Nam và cho thị trường âm nhạc của nước nhà.
Các em nhỏ bắt đầu quá sớm thường có cuộc sống không bình thường, tâm lý không bình thường thế nên khi lớn lên sẽ gặp những vấn đề về tâm lý. Nếu các em gặp phải những vấn đề đó, tôi thấy tội nghiệp lắm.
- Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức như anh nói thì The Voice Kids đâu khác gì những cuộc thi khác, thi xong rồi để đó thay vì có được một lớp ca sĩ trẻ văn minh như bốn huấn luyện viên đã kỳ vọng?
The Voice Kids không phải là một cuộc thi, nó chỉ là một sân chơi để các bé thử sức, định hướng thôi, chứ tìm một người ca sĩ 12 tuổi không hợp lý. 12 tuổi là nghệ thuật không có chuyên nghiệp. Micheal Jackson 11 tuổi đã đi hát rồi và cuối cùng anh ấy như thế nào?
Thật sự tôi không muốn thấy mấy đứa con tôi thành Micheal Jackson. Cuộc sống của anh ấy quá vất vả, anh ấy mắc bệnh và gặp phải rất nhiều vấn đề về tâm lý. Tôi không muốn thấy những đứa con của mình bị như thế, rất là thiệt thòi. Có ai muốn thấy con mình như vậy không?
- Nói như anh thì hình như cậu học trò nhỏ của Thanh Bùi không có ý định trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp?
Tôi không bao giờ dùng từ ca sĩ chuyên nghiệp. Ngọc Duy ước mơ một ngày nào đó sẽ trở thành nghệ sĩ và tôi mong ngày đó sẽ xảy ra trong tương lai.
Duy rất nghệ sĩ, em muốn đánh đàn guitar, chơi piano, muốn nhảy, học thanh nhạc rồi còn muốn tự viết nhạc để chia sẻ cho khán giả. Điều đó cần một sự đầu tư lâu dài. Duy có định hướng và bản lĩnh rất mạnh và ước mơ của bé làm tôi cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc.
- Điều gì ở Ngọc Duy làm anh tin tưởng đến thế?
Các bé trong đội tôi đều rất thương nhưng Duy có gì đó nghệ sĩ một cách không tưởng tượng được. Cái đó cần được phát triển nhưng phải cần thời gian. Duy muốn làm một nghệ sĩ 20 năm, chứ không phải là 2 tháng. Tôi mong sẽ hỗ trợ được em trong con đường đi sắp tới.
- Vậy hiện tại, hai thầy trò anh đã có kế hoạch gì chưa?
Bây giờ thì chưa vì Duy cần phải tập trung đi học. Em đã chậm chương trình mất hơn một tháng và đang bị stress một chút. Tuần này Duy đã bắt đầu đi học thêm theo kịp các bạn. Gia đình định hướng Duy phải học giỏi. Thế nên em vẫn cố gắng tìm sự cân bằng giữa việc đi học và học nhạc.
Các em đã trải qua giai đoạn không thể nào quên trong cuộc đời rồi. Bây giờ là lúc cần sự bình yên để phát triển tiềm năng thành tài năng.
- Xem ra anh rất vui khi cậu học trò nhỏ của mình không bị rơi vào vòng xoáy tiền bạc như hai người bạn đồng trang lứa?
Tôi vui lắm vì bản thân tôi cũng đã trải qua những chuyện này rồi.
Tôi nghĩ khi Duy đã học xong hết và có sự vững vàng về mặt kỹ thuật thì việc mỗi tháng đi hát một, hai lần cũng không sao. Hồi đó, tôi đi học đại học vừa đi hát để kiếm tiền, nuôi dưỡng đam mê. Chỉ là mình muốn làm hay không thôi chứ có gì khó đâu.