Hoa hậu cùng với cầu thủ bóng chày và dầu khí là 3 “món” xuất khẩu lớn nhất của Venezuela, với những trường đào tạo hoa hậu, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) cùng các viện thẩm mỹ chuẩn bị cho các thiếu nữ tham dự hàng ngàn cuộc thi hoa hậu tổ chức quanh năm ở các trường học, căn cứ quân sự và kể cả trong nhà tù.
Người đẹp “đi quân trường”
“Trùm” đào tạo người đẹp là Osmel Sousa 60 tuổi. Ông bầu gốc Cuba này là trưởng ban tổ chức Miss Venezuela và từ 30 năm qua đã góp công đưa vẻ đẹp phụ nữ trở thành một niềm tự hào dân tộc của Venezuela.
Sousa đã có 7 học viên đoạt các danh hiệu Hoa hậu thế giới và Hoa hậu hoàn vũ. Nỗ lực chính của Sousa là Venezuela phải chinh phục càng nhiều danh hiệu Hoa hậu hoàn vũ càng tốt, chứ không chỉ tập trung đào tạo Hoa hậu Venezuela.
Nhưng nói không ngoa, thi hoa hậu trở thành một trò giết thời gian tầm toàn quốc ở Venezuela vốn mua nhiều mỹ phẩm hơn bất kỳ nước nào. Miss Venezuela là một sự kiện lớn hằng năm, hàng triệu hộ gia đình đón xem truyền hình trực tiếp và người thắng sẽ trở thành một ngôi sao.
Mỗi năm, cuộc tuyển chọn thí sinh bắt đầu từ tháng 3, khi hàng ngàn thiếu nữ tuổi từ 17-25 trẻ trung cao ráo, làn da rám nắng và đáng yêu đăng ký dự thi. Chỉ có 500 ứng viên được chọn tranh hoa hậu vùng, rồi 60 hoa hậu ấy được đưa vào trường Miss Venezuela ở thủ đô Caracas để huấn luyện. Đến tháng 7, nhóm Sousa sẽ chọn 28 ứng viên tranh ngôi Hoa hậu Venezuela.
Trường Miss Venezuela là một tòa nhà màu hồng trên núi Avila (phía bắc Caracas), có cách huấn luyện khổ như ở quân trường, chỉ khác là học viên không phải mặc quân phục, như lời Jennipher Bortolas 18 tuổi.
20 học viên trải qua 6 tháng rèn luyện miệt mài với chương trình ăn kiêng, giảm cân, tập tạo dáng và bước trên sàn catwalk, những bài học múa với các huấn luyện viên. Ly Jonaitis 22 tuổi - đoạt danh hiệu Hoa hậu Venezuela 2006 - kể: “Sự chuẩn bị rất căng, phải dậy sớm để tập thể dục, theo các lớp học nhưng nếu được thì tôi sẽ đi học nữa”.
Lớp học bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc lúc 22 giờ. Chín giáo viên phụ trách hướng dẫn cách đi trên giày cao gót, cách ăn nói và động tác ứng xử, cách tạo tư thế để chụp ảnh, phép xã giao và kỹ thuật trả lời phỏng vấn, học nói tiếng Anh lưu loát kể cả học trang điểm.
Số ít học viên may mắn được tiếp tục đào tạo để tranh tài quốc tế thì phải học một năm. Sousa rất tự hào về ngôi trường này. Ông bảo đây là nơi các cô gái được chuẩn bị thành hoa hậu và giúp họ trở nên hoàn hảo.
Đa số học viên có triển vọng thuộc gia đình khá giả, một số là sinh viên đại học hoặc làm người mẫu. Trường bao ăn ở, chỉ “xin” học viên đóng 20% thu nhập nếu trở thành hoa hậu. Một nhà báo đã nói dự thi Miss Venezuela luôn là đích nhắm của các cô gái, nên còn có nhiều trường đào tạo hoa hậu, người mẫu khác trên toàn quốc.
Viện Giselles của bà Giselle Reyes (từng là hoa hậu) cũng dạy các món ấy, thêm nữa là dạy các cô gái cách đi đứng phải kiêu sa như công chúa, nói chuyện đúng phong cách. Một khóa học ở đây tốn 700USD, một mức giá phải chăng nên nhiều phụ huynh bậc trung lưu sẵn sàng chi để mong con họ trở thành Miss Venezuela. Học viên có khi là những cô bé mới 7 tuổi.
Nhưng đối với Viện Herman, học làm hoa hậu ở tuổi ấy đã là “già”. Viện Herman hoạt động từ 34 năm nay, nhận học viên từ 5-10 tuổi và các em học 6 tiết/tuần, từ kỹ năng ứng xử, cách giao tiếp cho đến học ăn học nói và khiêu vũ, cách nói chuyện điện thoại, cách đi đứng duyên dáng.
Viện Herman còn cho biết các cô bé khi lớn lên sẽ được giải phẫu bơm ngực, sửa mũi, nâng cằm hoặc hút mỡ bụng. Sousa chủ trương hút mỡ bụng “cho nhanh” đối với học viên lười tập thể dục.
Ông cũng thừa nhận cách nhờ đến GPTM để tạo nên một thí sinh hoa hậu hoàn hảo, vì ở Venezuela, các thiếu nữ luôn muốn có dáng vóc cao ráo, da rám nắng, nụ cười quyến rũ và những đường cong gợi cảm.
Hoàn hảo nhờ dao kéo
Sousa nói khoa học hiện đại là để giúp phụ nữ có vẻ đẹp hoàn hảo, để giải thích vì sao ngành GPTM Venezuela “phất to”, dù nhiều người dân sẵn sàng mắc nợ để làm đẹp, vì nỗi ám ảnh trở thành hoa hậu khi đất nước đã có 17 danh hiệu hoa hậu trong vòng 30 năm qua, gồm 7 lần đoạt danh hiệu Hoa hậu hoàn vũ, 5 Hoa hậu thế giới và 6 Hoa hậu quốc tế.
GPTM trở nên món quà mừng sinh nhật 18 tuổi cho một cô gái, dù chính phủ đề cao các giá trị xã hội chủ nghĩa, như cố Tổng thống Hugo Chavez từng nói: “Thật là quái dị” khi phụ nữ nghèo lại bỏ tiền đi nâng ngực với giá 6.350 USD trong khi lại vất vả tìm miếng ăn cho gia đình.
Nhưng vì GPTM ở Venezuela có giá rẻ nên bác sĩ Peter Romer - luôn kín lịch làm việc - nói phụ nữ Venezuela dù không có tiền mua nhà nhưng vẫn xài tiền để giữ gìn vẻ ngoài bằng dao kéo thẩm mỹ và quần áo mới.
Phụ nữ “vô tư” nói chuyện với nhau về chuyện mình đã “mông má, bơm nâng” thế nào. Nhu cầu GPTM cao đến độ ngân hàng rao các khoản cho vay nợ hấp dẫn để dụ phụ nữ vay tiền đi làm đẹp. Nhiều khách hàng từ khắp thế giới cũng bay đến Venezuela để làm đẹp, như bác sĩ Roger Galindo nói mỗi tháng ông “xuống tay” với 5 - 6 khách người nước ngoài.
Danh hiệu Hoa hậu hoàn vũ 2013 là lần thứ ba người đẹp Venezuela đăng quang trong vòng 6 năm nay. Hiện chưa rõ Isler có GPTM hay không, nhưng hai nữ đồng hương Venezuela của cô, Hoa hậu hoàn vũ 2009 Stefania Fernandez và Hoa hậu Hoàn vũ 2008 Dayana Mendoza (đăng quang tại Việt Nam khi 22 tuổi) đều đã trải qua dao kéo, theo lệnh “trùm” Sousa. Mendoza từng là người mẫu lúc 15 tuổi, nói Sousa là một nghệ sĩ hiếm có đã giúp cô “lên đời”.
Daniel Slobodianik, bác sĩ giải phẫu chính thức của Miss Venezuela, nói chính ông bơm ngực cho Mendoza, sửa môi trên và hút mỡ đùi cho cô. Sau khi đăng quang Hoa hậu hoàn vũ 2008, Mendoza đã được hỏi cô có nhờ đến GPTM hay không.
Câu trả lời của cô: “Hỏi tôi như thế chẳng khác nào hỏi tuổi phụ nữ”, có nghĩa là bất lịch sự. Mendoza sau đó dính một tai tiếng là đã chụp ảnh khỏa thân quảng cáo cho một công ty kim hoàn, trước khi đăng ký dự thi. Tuy nhiên, ban tổ chức quyết định không tước vương miện của cô, với lý do những bức ảnh “lộ hàng” này không phải là ảnh khiêu dâm, “về bản chất là ảnh nghệ thuật”.
Hoa hậu Venezuela 2000 là Eva Ekvall thì sửa mũi và bơm ngực trước khi đăng quang và xếp hạng tư cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2001. Khi ấy cô mới 17 tuổi. Ngày nay Ekvall giải thích ngày xưa cô dư cân phải lo giảm trọng nên ngực xẹp, mặt nhỏ nên trông mũi quá to. Thế là “trùm” Sousa đã đưa cô đi bơm ngực, sửa mũi.
Đối với người dân Venezuela, việc Isler đăng quang Hoa hậu hoàn vũ 2013 là một niềm vui lớn, vào thời điểm họ đang phải chịu đựng tình hình lạm phát cao 50%, lương bổng bị co lại, đồng tiền mất giá và các sản phẩm tiêu dùng cơ bản như sữa, giấy vệ sinh đang thiếu trầm trọng. Những khó khăn kinh tế khiến nỗi ám ảnh hoa hậu phải nhường chỗ cho những lo toan đời thường, các gia đình khó kiếm được bữa ăn.
Tổng thống Nicolas Maduro đã viết Twitter chúc mừng thành quả của Isler là “vinh quang của Venezuela”. Phe đối lập cũng tự hào: “Chúng ta có những phụ nữ đẹp nhất thế giới, dù chúng ta có những chính khách tham nhũng và chẳng biết xấu hổ”. Isler cũng tỏ ra khá ngạc nhiên trước kết quả này. Đích thân Hoa hậu hoàn vũ 2012 Olivia Culpo (người Mỹ) đã trao vương miện cho Isler, người vui mừng đến độ chiếc vương miện rơi khỏi đầu khiến khán giả cười òa.
Isler tóc nâu cũng là một vũ công điệu nhạc flamenco, chiến thắng trước 4 ứng viên trong lần tổ chức Hoa hậu hoàn vũ thứ 61. Kết quả chung cuộc: Á hậu 1 thuộc về Patricia Yurena Rodriguez (Tây Ban Nha), á hậu 2 là Constanza Baez (Ecuador), á hậu 3 là Ariella Arida (Philippines) và á hậu 4 là Jakelyne Oliveira (Brazil).
Isler chào đời ở thành phố Valencia, là người giới thiệu chương trình của kênh truyền hình Venevision thuộc Tập đoàn Thương mại Cisneros (nắm bản quyền tổ chức Miss Venezuela, một trong những chương trình TV được theo dõi kỹ nhất ở đất nước này).
Tổng giải thưởng cho chức Hoa hậu hoàn vũ trị giá nửa triệu USD, gồm chiếc vương miện nạm ngọc và kim cương trị giá 30.000USD.