Cách đây không lâu, nhiều thông tin về chuyện Gác kiếm đốt tiền trong hậu trường, hay bán nhà bán xe để dồn toàn bộ cho phim hành động đầu tiên ở Việt Nam năm 2014 khiến không ít người xôn xao. Nhưng đáng tiếc việc "đốt tiền đốt của" đó lại không thổi bùng được ngọn lửa đam mê của người hâm mộ Việt dành cho phim hành động Việt? Thay vào đó, nó góp phần vào... quá trình tụt dốc của điện ảnh Việt bằng việc thỏa hiệp với những gì cẩu thả và tùy tiện.
Poster giới thiệu sự kiện khởi chiếu Gác kiếm quá tham lam trong việc thiết kế.
Nhìn vào bản trailer Gác kiếm và tấm poster của phim trước giờ ra mắt có thể hình dung (một cách “võ đoán”) phần nào chất lượng của bộ phim. Hiếm khi thấy một tấm poster “đông vui” như poster Gác kiếm, chèn lấp mọi khoảng trống có thể, rối rắm và không có điểm gì nhấn nhá. Bản trailer cũng không khá hơn khi là sự chắp vá của những tình tiết rời rạc, chỉ đủ để hiểu đây là một bộ phim có đánh đấm, có rượt đuổi, và có cảnh nóng. Hết.
Và thật khéo léo là những ấn phẩm quảng cáo trên đã được thiết kế theo kiểu “đo ni đóng giày” cho toàn bộ tập phim. Rất chuẩn và chính xác, bởi vì sau khi xem xong người xem sẽ ngơ ngác, bơ vơ không phải vì tiếc nuối, mà vì cố tìm kiếm một ấn tượng nào đó để an ủi, để cảm thấy có một cái gì đó đọng lại gọi là dấu ấn mà phim tạo dựng được, nhưng không thấy.
Công bằng mà nói, Gác kiếm có một kịch bản khá thú vị, kể về cô gái tên Huyền (Lại Hương Thảo) bị mẹ đẻ bỏ rơi khi còn nằm nôi. Cô không hề biết cha nuôi mình là ông trùm giang hồ đang quyết tâm tranh giành địa bàn bảo kê, đòi nợ thuê với một bà trùm hung dữ không kém.
Đáng tiếc là khi chắp nối những tình tiết thành phim có thắt có mở, có sự kết nối thông suốt thì lại thành ra rời rạc, lỏng lẻo với nhiều chi tiết còn dễ dãi, sao cho thật tiện cho người làm phim, mạch cảm xúc đôi chỗ mang tính áp đặt. Cái người xem mong chờ là sự gay cấn và tính xúc cảm thì không khơi ra được, thay vào đó là những đường dây nhánh chi chít mà chẳng liên quan đến nhau.
Nhiều nghi vấn trước giờ công chiếu cho rằng Gác kiếm là một phiên bản Bụi đời Chợ Lớn kiểu miền Bắc. Điều đó hoàn toàn sai bởi chất hành động trong Gác kiếm còn manh mún và vụng về so với Bụi đời Chợ Lớn. Sự mưu cầu quá lớn cho mục đích thương mại khiến Gác kiếm mất điểm ngay từ khâu dàn dựng các cảnh đánh đấm. Phần lớn đều tận dụng những bối cảnh sẵn có, nghèo nàn, xơ xác, một vài khu chợ, một vài hàng quán, một vài đoạn đường là hết hành động. Cảnh chiến đấu gây ức chế vì cách tung đòn đánh đã rất chậm chạp, lề mề, phần âm thanh cũng lạc lõng, lủng củng không kém. Mỗi lần hành động là một lần khán giả được chứng kiến cảnh hỗn chiến, lộn xộn không có bài bản, sắp đặt, tưởng như các đoạn video được quay đâu đó rồi quăng lên cho có chất.
Đạo diễn Tạ Huy Cường từng giải thích sự kém cỏi về quy mô hành động trong bộ phim Gác kiếm là vì muốn tạo tính chân thật nhất, tính đời sống trong từng pha hành động. Rất có thể vì quá "chân thực" mà ngay đến trường đoạn rượt đuổi bằng mô tô hứa hẹn tạo nên cao trào cũng khiến người xem hoảng hốt vì lo diễn viên bị ngã, bị vấp đâu đó chứ không phải vì căng thẳng.
Gác kiếm có giá đỡ vững chắc chính là dàn diễn viên gạo cội miền Bắc, và nhân tố câu khách là những người đẹp trong làng giải trí: Hoa khôi Lại Hương Thảo, người đẹp Kỳ Anh Trang, Ngân Hoa… Ngoài điểm mạnh về ngoại hình, các diễn viên trẻ tay ngang này cũng là một lợi thế rất lớn khi lần đầu vào phim với những trải nghiệm cảm xúc mới nếu đạo diễn muốn khai thác sâu.
Nhưng có vẻ phần diễn xuất bị coi nhẹ khi quan niệm “tốt khoe, xấu che“ được tận dụng triệt để. Trong lúc bị bắt cóc, cô gái Lại Hương Thảo vẫn cố tình cởi hờ nút nọ nút kia, còn phần diễn xuất thì chưa rũ bỏ được mác “người đẹp đóng phim” muôn thuở.
Phim có sử dụng cảnh nude nghệ thuật của diễn viên Huyền Trang, đáng tiếc là cử chỉ thực hiện hành động nude cùng với cơ thể chưa được nuột nà thon thả của cô gái này không gợi lên một chút nghệ thuật nào ngoài sự trần trụi.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em dưới 16 tuổi không được xem phim này.
Ngoại trừ NSUT Trần Nhượng diễn tả sự lạnh lùng, hiểm ác bằng khuôn mặt phớt đời rất “ngầu” rất “chất” thì toàn bộ diễn viên còn lại vác nguyên si bộ mặt nghênh ngang, hống hách hao hao giống nhau, và hao hao giống mọi diễn viên đóng vai xã hội đen khác. Được làm mềm mại bởi những nghệ sĩ hài quen thuộc và những cảnh nóng bỏng, Gác kiếm vẫn không tạo được sự “lệch tông” về cảm xúc bởi biểu cảm của diễn viên cũng như diễn biến phim đều trôi theo cảm giác nhợt nhạt, một màu.
Bối cảnh phim rất "chân thật", theo sự chia sẻ của đạo diễn Tạ Huy Cường.
Về nội dung, Gác kiếm được đánh giá là bộ phim có ý nghĩa nhân văn về tình người, sự cưu mang cao cả mà người cha dành cho Huyền, hình ảnh của những mảnh đời bất hạnh bị quay lưng hoặc những con người cộc cằn, lạnh lẽo cũng có lúc yếu mềm bởi những người thân yêu bị đe dọa. Nhưng ý nghĩa này khá loãng và được vùi sâu chôn chặt, nên người xem cần hụp lặn rất sâu mới ngẫm được ra.
Nhìn lại quãng đường của phim hành động Việt, từ Dòng máu anh hùng, Lửa phật cho đến Bụi đời Chợ Lớn… và mới nhất là Gác kiếm cho thấy con đường đến với một tác phẩm thành công cả về mặt thương mại và chất lượng vô cùng chật vật. Nhưng điều đó không có nghĩa, chúng ta bỏ qua việc sàng lọc những tác phẩm kém chất lượng để tạo cho mình sự thất vọng ngay sau khi xem. Không thể phủ nhận rằng chính sự dễ dãi trong thị hiếu của khán giả, sự tùy tiện và thức thời vắn tắt của những nhà làm phim là nơi tạo ra những bộ phim mà mỗi khi xem xong chúng ta lại ngán ngẩm thở dài.