Heerenveen có "dìm" Văn Hậu?
Ngay trước trận đấu mà người hâm mộ Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc Văn Hậu sẽ được ra sân khi Heerenveen chỉ phải gặp đội bóng yếu Excelsior ở Cúp Quốc gia Hà Lan, HLV Johnny Jansen đã "dội gáo nước lạnh" bằng phát biểu của mình. Ông nói:
"Chúng tôi vẫn bám sát bước tiến của Đoàn Văn Hậu. Vấn đề là cậu ấy sắp phải về nước đá SEA Games. Bởi vậy, chúng tôi lên giáo áo cho Văn Hậu để hướng đến năm 2020".
Quả tình, trong trận đấu ấy, dù cho Heerenveen thắng dễ và thắng đậm, Văn Hậu vẫn không được tung vào sân. Với đội bóng Hà Lan, cũng như với HLV Johnny Jansen, đấy chắc hẳn là một quyết định không hề dễ dàng, bởi trên mạng xã hội của chính CLB này, người hâm mộ Việt Nam đã bắt đầu có biểu hiện "manh động" sau khoảng thời gian chờ đợi mỏi mòn ngày "con cưng" của mình được ra sân.
Nhưng đó cũng là một quyết định khá dũng cảm, bởi đúng như lời lời HLV Jansen nói, việc tung Văn Hậu vào sân ngay trước khi cầu thủ này phải trở về Việt Nam suốt hơn 1 tháng liền, với 2 trận đấu quan trọng trong màu áo ĐTQG, cùng với đó là SEA Games 30 rõ ràng không có lợi cho Heerenveen, và quan trọng hơn là sẽ bất lợi cho chính Văn Hậu khi anh chưa có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho trận đấu quan trọng - trận đấu ra mắt của mình tại châu Âu.
Nên nhớ, cái điều khoản khiến Heerenveen phải trả Văn Hậu về thi đấu SEA Games 30 được "cài cắm" trong hợp đồng hoàn toàn không phải là ý tưởng của đội bóng Hà Lan, thậm chí nó còn khiến suýt nữa bản hợp đồng của Văn Hậu với Heerenveen không thể trở thành hiện thực. Nếu được chọn, chắc hẳn Heerenveen không chọn điều này.
Khác với Công Phượng, đến Heerenveen không phải là ý tưởng của CLB Hà Nội - CLB chủ quản của Văn Hậu, mà là của chính hậu vệ này, và nếu để lựa chọn, chắc hẳn Văn Hậu sẽ khó lòng mà chọn SEA Games - giải đấu dành cho lứa tuổi trẻ của đấu trường Đông Nam Á. Nhưng nó vẫn được chọn, bởi cả Văn Hậu, và sau đấy là Heernveen biết tầm quan trọng đến thế nào của chức vô địch SEA Games với người hâm mộ Việt Nam.
Nhìn ở góc độ tích cực, đội bóng Hà Lan không hề có lý do, và trên thực tế không "dìm" Văn Hậu. Trái lại, họ giúp tuyển thủ Việt Nam này có được sự chuẩn bị tốt hơn cho những bước đi tiếp theo của mình tại châu Âu. "Giục tốc bất đạt", Văn Hậu mới có 20 tuổi, và nếu như Heerenveen - đội bóng bỏ cả đống tiền ra để sở hữu anh không cần vội, thì chẳng việc gì Văn Hậu phải vội cả.
"Văn Hậu không dự SEA Games, chắc gì Heerenveen đã cho đá"
Jesse Lingard - ngôi sao của Man United đang được định giá đến 40 triệu euro lần đầu tiên ra mắt trong đội hình một của Quỷ đỏ vào năm 22 tuổi, trong trận đấu với Swansea năm 2014. Anh từng là một trong số những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của học viện bóng đá Man United, nhưng trong khi các đồng đội trẻ ngày nào lần lượt "ra lò", dù cho Lingard có được niềm tin của Sir Alex, anh vẫn không được thi đấu trong màu áo của Man United, đơn giản vì "chưa đến lúc".
Nhiều năm về trước, khi Lingard mới 16 tuổi, Sir Alex đã từng có cuộc nói chuyện riêng với anh và gia đình. "Tôi đặt niềm tin vào cậu. Nhưng cậu phải kiên nhẫn. Cậu chưa sẵn sàng để ra sân ở đội một, cậu phải chờ cho đến 22, 23 tuổi", Sir Alex từng nói với Lingard ngày ấy.
Cái sự "kiên nhẫn" mà HLV huyền thoại người Scotland nói đến, là 3 năm trời rèn giũa trong môi trường "khủng khiếp" khi được lần lượt cho Leicester, Birmingham rồi Brighton mượn để Lingard có được những trải nghiệm cần thiết.
"Khủng khiếp" là bởi theo lời Jesse Lingard "Khi bạn đã vươn đến đỉnh cao, mọi người sẽ chỉ thấy toàn những hào quang lấp lánh, mà không thấy được mọi thứ mà bạn đã phải trải qua. Họ không thấy được những ngày tôi phải sống vật vạ ở khách sạn Marriot tại Leicester, ăn bữa tối được phục vụ phòng mang lên mỗi ngày, nhớ nhà, nghi ngờ bản thân, mơ hồ về những gì sẽ đến với mình".
Những gì Heerenveen đang làm với Văn Hậu tốt hơn rất nhiều những gì Man United từng dùng để "rèn giũa" Jesse Lingard. Tuyển thủ Việt Nam được cấp nhà, cấp xe, có chuyên gia dinh dưỡng và trợ lý ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên, có một điều không thể thay đổi, đấy là Văn Hậu cũng như Jesse Lingard ngày nào, phải rèn giũa để rồi chỉ có thể ra mắt khi đã thực sự sẵn sàng. Đấy là châu Âu. Đấy là bóng đá chuyên nghiệp.
Trong phát ngôn mới nhất của mình, một BLV bóng đá cộm cán Việt Nam nhận định: "Văn Hậu không dự SEA Games, chắc gì Heerenveen đã cho đá". Đúng thế. Song trở về Việt Nam đá SEA Games, cả Văn Hậu lẫn Heerenveen mất nhiều cơ hội mà họ "dành cho nhau", bởi nó lấy đi của họ một tháng trời, vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất, khi đáng lẽ ra sẽ là quãng thời gian tích cực nhất để hòa nhập cùng nhau.
Quãng thời gian ấy sẽ lấy đi của cả hai - Heerenveen và bản thân Văn Hậu, khá nhiều thứ. Nhưng vì Văn Hậu, vì tương lai gắn kết với Văn Hậu, Heerenveen đã chấp nhận điều kiện "oái ăm" đấy. Và cái "giáo án hướng đến năm 2020" mà HLV Jansen nói đến, thực ra đã được phác thảo từ ngày Văn Hậu mới bước chân sang Hà Lan. Có điều đến bây giờ nó mới được nói ra thôi. Đấy là châu Âu. Đấy là bóng đá chuyên nghiệp.
Tiếc cho Văn Hậu, bởi nếu là sự lựa chọn của Văn Hậu, lựa chọn tốt cho bóng đá Việt Nam, thì sẽ không phải là SEA Games, và VCK U23 châu Á mới là sự ưu tiên, bởi ở đó là cơ hội tham dự Olympic, là cơ hội cọ xát với những đội bóng mạnh châu lục.
Nhưng biết làm sao được, với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, và cả những người đang kiến tạo nền bóng đá nước nhà, chức vô địch SEA Games vừa là thứ lung linh khó với, vừa là "lối ra" cho cái đích đến mang tên "thành tích", để rồi người ta "tham bát" mà sẵn sàng "bỏ mâm", để rồi những người nhìn bóng đá với góc nhìn chuyên nghiệp như Văn Hậu, như Heerenveen phải gánh thiệt thòi.