"Có lần làm chương trình ở dưới Mỹ Đình xong, đang trên đường về thì Đạo diễn Đỗ Thanh Hải gọi điện kêu: Dung, quay lại ngay lập tức! Long, Bắc đang đánh nhau đây này. Chúng nó chuẩn bị từ mặt nhau rồi…", Vân Dung nói về vụ lừa kinh điển trong làng hài đất Bắc.
Vân Dung: "Xuân Bắc là trái tim của cả đội".
Cả đội Táo Quân, ai cũng hâm. Chẳng hạn, anh Thắng cứ hay nói tôi là đếm tiền rộp mồm. Đi đâu ông ấy cũng kêu "Vân Dung nó giàu lắm, có đến 5, 7 cái nhà cơ. Nó xây nhà mà không cần rút tiền tiết kiệm…".
Xuân Bắc thì ngày nào cũng phải để tôi chờ, đến vài ba tiếng liền. Tới lúc tôi dỗi bỏ về thì lại gọi điện xin lỗi. Nhưng năm nay khác hẳn rồi, Xuân Bắc toàn phải đợi Vân Dung thôi.
Tự Long lại hâm theo một kiểu riêng nhưng Long sống rất tình cảm lắm. Ai ốm đau, Long cũng đều gọi điện hỏi han, rồi thăm nom.
Riêng anh Đỗ Thanh Hải thì nghịch thôi rồi, mà toàn trò độc, lạ. Tôi đã không ít lần chao đảo vì những trò nghịch ngợm của anh ấy.
Chẳng hạn, có lần làm chương trình ở dưới Mỹ Đình xong, mọi người rủ đi ăn nhưng tôi lại đi về. Đang trên đường về thì anh Hải gọi điện kêu: "Dung, quay lại ngay lập tức! Long, Bắc đang đánh nhau đây này. Chúng nó chuẩn bị từ mặt nhau rồi".
Tôi sợ quá mới gọi điện cho cả Long và Bắc, thì bên nào cũng hùng hổ, giận dữ đòi từ mặt nhau, lôi đủ mọi chuyện này nọ vào.
Tận một tuần sau, chúng tôi làm chung một chương trình với nhau. Lúc này, tôi mới tá hỏa lên. Vì không giảng hòa được cho hai người nên tôi cũng chẳng dám diễn.
Anh Hải tiếp tục gọi điện cho tôi, hỏi đã giảng hòa chưa. Thế rồi, anh ấy lại hẹn tôi gặp cả Bắc và Long. Tới lúc này, mãi 6 tháng sau, tôi mới biết mình bị ba ông ấy lừa. Tôi bực mình mà không làm gì được. Tôi điên lắm, nhưng cứ nhìn thấy mặt anh Hải là lại buồn cười.
Rồi một lần khác, tôi đi tiệc với mấy ông ấy về, mở túi ra thấy nguyên 4 cái vỏ chuối và một cái chặn đũa trong đó. Lúc đó, tôi mới ớ người vì ngớ người ra là ngồi cạnh ông Đỗ Thanh Hải.
Để Táo quân tồn tại được 15 năm qua là điều không tưởng. Tất cả chương trình bình thường khác muốn tồn tại được đã khó, huống chi là Táo quân – vốn tổng hợp sự kiện trong cả một năm trời.
Thời đầu chúng tôi làm Táo quân đâu có ai để ý. Nhưng càng ngày, Táo quân càng hot. Đó là do chúng tôi được chuẩn bị kịch bản rất hay và được gợi mở để diễn hết mình.
Thế nên chúng tôi diễn rất thoải mái và sống thực sự trong Táo quân, chứ không phải dè chừng, giấu diếm, e ngại điều gì. Cảm giác lúc diễn như đang xả stress vậy. Khán giả ở mọi lứa tuổi, từ trẻ tới già, ai cũng thích chương trình vì nó phản ánh mặt nào đó của xã hội. Tất cả đều đợi tới ngày 30 tết để xem chúng tôi thể hiện được gì trên sân khấu.
Đối với tôi, hễ bước chân lên sân khấu là phải thu hút khán giả, rồi phải diễn sao cho chân thật. Quan trọng nhất là diễn phải có lửa. Còn lửa là còn diễn, còn lên đồng, diễn mà say sưa, không để ý tới mọi người xung quanh nữa. Hết lửa rồi thì không thể diễn được.
Tất nhiên, cái lửa tôi có được cũng phải nhờ đồng đội. Táo quân khác hoàn toàn với những loại kịch khác ở sự tung hứng, bắt nhịp từng câu từng chữ một. Nếu không ăn ý với nhau thì khó diễn được. Tất cả bạn diễn của tôi đều là những người cực kì giỏi, thì mới tạo nên được chương trình hay đến như vậy.
Trong Táo quân, ai cũng là bạn diễn ăn ý với tôi hết, từ anh Bắc, anh Long tới anh Trung, anh Khánh, anh Lý, anh Thắng… ai cũng giỏi hết. Trong đó, mỗi người giỏi một kiểu.
Anh Thắng đặc biệt ở chỗ diễn rất bản năng và có duyên gây cười, chưa lên sân khấu người ta đã cười rồi. Cái duyên này là trời cho, không ai học được. Anh Chí Trung lại giỏi ở kĩ thuật. Anh ấy biết cách nhấn nhá, đưa đẩy rất tinh tế, chi tiết. Nhiều lúc thấy anh diễn mà tôi nổi hết cả da gà.
Long lại hát rất hay và diễn cực kì có lửa. Lúc nào cậu ấy diễn cũng hừng hực.
Bắc thì cầm trịch cho tất cả mọi người. Cậu ấy luôn nhớ lời cho người khác, nhiều lúc còn quên cả lời của mình để nhớ hộ người ta. Người như Bắc rất quan trọng, giống như trái tim của cả đội, vì sẽ giúp sân khấu không bị quá đà.
Bắc còn có quan điểm rất rõ khi diễn. Phải hiểu vấn đề thì mới diễn, không hiểu là không diễn. Đã quyết định diễn là phải đi tới cùng. Quan điểm của tôi cũng giống như vậy.
Trước lúc diễn, chúng tôi đều phải lên báo đọc rất nhiều để hiểu sâu sắc cái mình sẽ diễn. Chứ chỉ đọc thoại không thì làm sao diễn và truyền đạt tới khán giả được. Bản thân khán giả đã quá rõ sự việc trong năm rồi, họ đợi Táo quân chỉ để xem chúng tôi diễn thâm thúy, hóm hỉnh, đả kích sâu sắc thế nào thôi.
15 năm qua, những gì tinh túy nhất, đẹp nhất, tâm huyết nhất tôi đã dành cho Táo quân. Mồ hôi, nước mắt của tôi đổ hết vào nó.
Không có Đỗ Thanh Hải thì không bao giờ có Táo quân. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, còn có một người khác có vai trò rất quan trọng mà mọi người cần biết, đó chính là NSND Khải Hưng.
Đoàn diễn chúng tôi, mỗi người một tính, ai cũng hâm một kiểu. Chỉ anh Hải mới có thể kết nối được mọi người với nhau. Táo quân được như ngày hôm nay hoàn toàn nhờ anh Đỗ Thanh Hải và chú Khải Hưng. 2 vị đạo diễn nổi tiếng đã tìm ra chúng tôi, đưa chúng tôi vào con đường và chỉ việc đi thôi.
Vân Dung: "Không có Đỗ Thanh Hải thì không có Táo quân".
Bởi vậy, cả đội Táo chúng tôi rất biết ơn anh Hải, NSND Khải Hưng. Không có họ, chúng tôi chưa chắc tới gần được khán giả như bây giờ.
Tôi quý anh Hải ở sự chân thành. Chưa bao giờ anh ấy nghĩ mình là sếp, là đạo diễn, chỉ là người anh thôi. Anh ấy cũng không mắng mỏ, gây áp lực nào với chúng tôi, dù chỉ một câu.
Bọn tôi ngược lại, luôn năn nỉ, đòi hỏi, mè nheo với anh ấy, nhưng độ nhịn của anh ấy vẫn rất cao và không bao giờ phản ứng gì.
Đội Táo chúng tôi ai cũng cá tính, bận rộn, khác cơ quan với nhau, nên để quy tụ được chúng tôi là điều không tưởng. Thế mà chỉ cần một lời nhắn tin hay cuộc điện thoại của anh ấy là tất cả chúng tôi đều có mặt. Đó là sự trân trọng chúng tôi dành cho anh ấy.
Anh Hải thực sự là người vừa có đức vừa có tài, được tất cả mọi người yêu quý. Thời buổi này hiếm có người sếp nào như anh ấy.
Tôi thấy việc mình không sử dụng thành thạo internet như mọi người là quá tồi tệ, cảm giác như mình còn không bằng một em bé.
Bây giờ, các em bé 4, 5 tuổi còn vào internet chơi game các kiểu nữa là tôi. Thế mà tôi không hề biết mở game, chơi game. Lắm khi đi diễn thấy các bạn chơi game cũng thèm lắm, nhưng không biết mở, đành chỉ lướt Facebook rồi đọc báo thôi. Trước đây, tôi còn không biết đọc báo trên điện thoại cơ.
Đến giờ, tôi mới chỉ biết mở mail, đọc mail chứ không biết gửi mail. Mỗi lần muốn gửi mail, tôi đều phải nhờ một người khác viết hộ rồi gửi hộ.
Tóm lại là tôi kém công nghệ lắm, cứ học rồi lại quên. Chắc là do mình không có năng khiếu.
Vân Dung: Nói tôi thèm tiền, các bạn ấy nói đúng đấy!
Nhiều đồng nghiệp nói tôi thèm tiền, các bạn ấy nói đúng đấy. Đừng ai nói là không cần tiền, các bạn ấy còn thèm tiền hơn tôi gấp 10 lần ấy chứ. Vì tôi là phụ nữ nên vẫn có người đàn ông để dựa vào, còn các bạn ấy là trụ cột thì phải lo lắng gấp 4 lần tôi.
Tôi chỉ phải nuôi một em bé thôi, còn các bạn ấy phải nuôi những 2, 3 em bé. Độ cần tiền của các bạn ấy lớn hơn tôi nhiều. Chỉ có điều là tôi thỏa hiệp, ngoại giao vấn đề tiền nong rất tốt và không làm mất lòng ai trong việc mặc cả nên mọi người hay để tôi đứng ra đàm đạo cát-xê cho cả đoàn. Thế nên, mọi người cứ nghĩ tôi thèm tiền.
Tiền thì ai chẳng thích. Trong 90 triệu người Việt Nam, ai cũng thích tiền hết, nhưng thích ở mức độ nào thôi. Như tôi sinh năm 75, thì cái sự thèm tiền của tôi là quá bình thường so với những người tuổi mèo khác. Nhiều người bằng tuổi tôi mà kiếm tiền rất giỏi, rất giàu có. Nếu tôi thèm nhiều hơn nữa thì đã giàu lắm rồi.
Tôi không giận khi bị nói thèm tiền, tôi thích những câu nói hóm hỉnh như vậy. Thực ra, đó là tình cảm mọi người dành cho tôi, vì cả đoàn Táo quân chỉ có mình tôi là phụ nữ thôi.
Tôi chỉ có một con trai thôi, nhưng cũng gặp khá nhiều rắc rối trong việc nuôi dạy. Con trai tôi đang ở độ tuổi teen, dở lớn dở bé nên có nhiều thứ cần phải nói ra. Tuy nhiên, nhiều khi tôi không hiểu được đàn ông thì sẽ quan tâm cái gì, cần nói cái gì. Vì thế, rất khó để tôi có thể tâm sự hay trò chuyện với con trai mình.
Hơn nữa, tôi cũng là người cổ hủ trong việc quan hệ xã hội và luôn hướng con theo nề nếp gia phong. Trong khi đó, con tôi lại có suy nghĩ khác và không muốn tôi cấm đoán này nọ.
Chẳng hạn, con tôi là đứa thông minh, nhưng lại thích thể thao, văn nghệ hơn là học hành bút sách. Biết tính nó thế nên tôi chấp nhận cho theo đuổi văn nghệ. Nhưng tôi yêu cầu con phải giỏi thực sự cái mình đam mê, chứ không thể lơ là học hành rồi chỉ coi văn nghệ như một cuộc dạo chơi được.
Tôi luôn giữ những nguyên tắc với con. Con tôi đi chơi không được phép về muộn và phải xin phép, thông báo đàng hoàng là đi với ai, ở đâu. Tôi còn bắt con phải đưa số điện thoại của bạn cho tôi.
Thậm chí, kể cả các bạn của con xin phép lên nhà tôi ngủ, tôi cũng không đồng ý. Nhà phải có tôn ti, trật tự, không phải cái nhà trọ để muốn đi thì đi, muốn về là về, hay mang ai về cũng được.
Nhiều người hay hỏi tôi là sao chỉ thấy tôi xuất hiện cùng con trai mà chưa bao giờ thấy chồng tôi đâu. Tôi nghĩ rằng, vợ chồng không nhất thiết lúc nào cũng phải ở cùng nhau. Chuyện chồng một nơi, vợ một nơi là bình thườngHơn nữa, bây giờ công nghệ cũng tân tiến, ở xa vẫn có thể gọi Facetime cho nhau. Cần thiết thì đáp máy bay vào gặp nhau, thế là xong.
Chẳng hạn như năm vừa rồi, cả nhà tôi cùng bay vào trong Nam ăn tết với nhau vui vẻ. Chồng tôi cũng yêu chiều vợ, thương con và chẳng bao giờ ghen tuông.
Quan trọng là ở mình. Mình cảm thấy vui và hạnh phúc là được. Hạnh phúc là thứ chỉ cần mình biết là đủ rồi. Ở xa nhưng khoảng cách gần nhau còn hơn ở gần mà xa nhau. Tôi không coi chuyện xa cách là nỗi đau. Nỗi đau lớn với tôi là không kiếm được tiền nuôi con và báo hiếu bố mẹ thôi.
Tình yêu đến rồi lại đi, không gặp người này thì gặp người khác, chứ bố mẹ, con cái chỉ có một, cần phải lo nhiều hơn. Với lại, tôi cũng cần hoạt động xã hội nữa, không thể chỉ ở nhà ôm ấp tình yêu được.