Vấn đề Triều Tiên 2017: Phiên bản mới của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962?

Tất Đạt |

Tuy vậy, liệu Triều Tiên và Mỹ có kết thúc được mâu thuẫn bằng con đường đàm phán như trong sự kiện Cuba năm 1962 hay không vẫn còn là câu hỏi chưa lời giải.

Hai lần Mỹ gặp nguy

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên đang ngày càng leo thang, nhiều chuyên gia nghiên cứu và các quan chức Nhà Trắng đều tin rằng vụ việc này và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 có những điểm tương đồng.

Đầu tiên, Mỹ đứng trước nguy cơ có thể bị tấn công. Dù là năm 2017 hay năm 1962, Mỹ cũng là cường quốc lớn trên thế giới, cả về tài chính và quân sự.

Bên cạnh đó, nhờ vị trí địa lí thuận lợi, tiếp giáp với ít quốc gia, Mỹ có thể dễ dàng phát triển kinh tế, phòng thủ hiệu quả trong trường hợp bị tấn công.

Tuy nhiên, điều đó cũng không thể cản được Mỹ đứng trước các nguy cơ. Trong khủng hoảng 1962, giữa thời điểm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã đầu tư, lắp đặt các bệ phóng và chuyên chở hàng loạt tên lửa tới Cuba, một quốc gia nằm ngay sát Mỹ.

Với mối đe dọa thường trực ấy, chính phủ Mỹ không thể không suy xét, cân nhắc kĩ càng về quân sự và ngoại giao để tránh thiệt hại về người và của.

Ngày nay, Triều Tiên một lần nữa khiến Mỹ phải đau đầu. Dù không phải cường quốc, nhưng Triều Tiên sẵn sàng và liên tiếp đe dọa phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tới đất Mỹ, dù hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất.

Không chỉ vậy, Triều Tiên còn đe dọa tấn công đồng minh của Mỹ, đặc biệt nhằm vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cũng như tấn công lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, mà gần đây nhất là đe dọa nhằm vào đảo Guam.

Vấn đề Triều Tiên 2017: Phiên bản mới của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Yahoo

Điểm tương đồng thứ hai, đó là năng lực quân sự của các nước đối thủ của Mỹ. Năm 1962, với khoảng cách chỉ 150km từ Cuba đến Mỹ, tên lửa Liên Xô là nỗi đau đầu thực sự của Washington.

Năm 2017, Triều Tiên, sau nhiều lần thử tên lửa thành công, cũng chứng tỏ được về mặt lý thuyết, cả nước Mỹ ở trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Do đó, những lời đe dọa từ các quốc gia này hoàn toàn có cơ sở, và họ không chỉ dọa suông, mà có thể thực sự tấn công và làm tổn hại Mỹ.

Theo Harry J. Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (CNI), trả lời Washington Examiner, cho biết trong cả hai cuộc khủng hoảng, Mỹ đều bị bất ngờ trước những diễn biến.

Năm 1962, Mỹ không ngờ Liên Xô đem vũ khí hạt nhân tới Cuba để đe dọa Mỹ, còn hiện tại, Mỹ không thể lường trước được Triều Tiên có thể tự sản xuất tên lửa hạt nhân đủ tầm tấn công Mỹ.

Giữa bối cảnh ấy, Sebastian Gorka, nhà phân tích tình báo quân sự Mỹ và trợ lí của ông Trump, cũng kêu gọi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chung sức ủng hộ Tổng thống đương nhiệm như công chúng đã hỗ trợ Tổng thống John F. Kennedy hơn 50 năm trước.

Những điểm khác biệt

Năm 1962, Liên Xô là một cường quốc hùng mạnh, đối trọng với Mỹ và chỉ mượn địa điểm của Cuba để đe dọa Mỹ. Vị thế của Triều Tiên hiện tại không thể sánh cùng với Liên Xô khi ấy, nhất là khi chịu hàng loạt cấm vận cả từ Mỹ và Liên Hợp Quốc.

Khoảng cách Triều Tiên- Mỹ cũng xa hơn khoảng cách Cuba-Mỹ nhiều lần. Do đó, sự đe dọa năm 1962 có sức nặng hơn Triều Tiên rất nhiều.

Thêm vào đó, năm 1962, Trung Quốc chưa có nhiều tiếng nói và không tham gia vào khủng hoảng Cuba. Với thế giới lưỡng cực khi ấy, chỉ Liên Xô và Mỹ có khả năng can thiệp ngoại giao và đối đầu vũ trang với nhau, với vũ khí riêng biệt, lợi thế địa lí và đồng minh chiến lược.

Nhưng hiện tại, Trung Quốc đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng, cả về chính trị lẫn quân sự. Trong căng thẳng với Triều Tiên, Mỹ tin rằng Trung Quốc đóng vai trò then chốt và thường xuyên gây áp lực lên quốc gia này.

Vấn đề Triều Tiên 2017: Phiên bản mới của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962? - Ảnh 2.

Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Nikita S. Khrushchev và Tổng thống Mỹ John F. Kenedy. Ảnh: HuffPost

Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hai cuộc khủng hoảng là lãnh đạo các bên. Tổng thống Mỹ John F. Kenedy và Tổng Bí thư đảng cộng sản Liên Xô Nikita S. Khrushchev là những chính trị gia lão luyện, cẩn trọng trong phát ngôn và chính sách.

Ông Kennedy rất thông thạo lịch sử và các nguyên tắc ngoại giao trong khi ông Khrushchev lại là một chính trị gia tầm cỡ thế giới, từng làm việc với Joseph Stalin và nắm rõ hướng điều hành Liên bang Xô viết rộng lớn. Hai người cũng từng gặp nhau trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Vienna và luôn tỏ ra tôn trọng đối phương.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump không có nhiều kinh nghiệm chính trị bằng các người tiền nhiệm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cũng không thể sánh bằng ông Khrushchev về nhiều mặt. Ông Kim Jong-Un có ít kinh nghiệm ngoại giao, chưa từng xuất hiện trên các diễn đàn thế giới.

Ông cũng ít khi tỏ ý tôn trọng các quốc gia khác và Liên Hợp Quốc, mặc cho Triều Tiên ngập trong cấm vận và chỉ trích trên toàn thế giới.

Dấu hiệu kết thúc khủng hoảng

Sau nhiều bàn cãi giữa Liên Xô và Nội các của Tổng thống Kennedy, ngày 26-28/10/1962, ông Kennedy bí mật đồng ý loại bỏ tất cả các tên lửa đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ (nằm trên biên giới với Liên Xô) và đổi lại Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev sẽ tháo bỏ tất cả các tên lửa tại Cuba.

Cuộc khủng hoảng kết thúc trong hòa bình, không bên nào chịu tổn thất về người và của.

Hiện tại, dù ông Trump và ông Kim Jong-Un vẫn liên tục "khẩu chiến", nhưng cả hai bên đều không động binh. Mới đây nhất, việc ông Kim Jong-Un quyết định ngừng tấn công đảo Guam cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng và "lịch sử có thể lặp lại".

Tuy nhiên, những bước đi tiếp theo của ông Kim vẫn còn là dấu hỏi lớn, đặc biệt khi kế hoạch thử tên lửa và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân vẫn được Triêu Tiên tiếp tục theo đuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại