Với sự gia tăng các hoạt động không quân tầm xa, cũng như việc triển khai các đơn vị không quân Nga ở phía Bắc và vùng Viễn Đông, với khoảng cách rất lớn, nhu cầu máy bay tiếp dầu ngày càng lớn, ở cả cấp độ chiến lược lẫn chiến thuật”, báo Nga Izvestia viết về thực trạng không quân nước này.
Các máy bay Nga đời cũ và máy bay thời Liên Xô, ví dụ tiêm kích MiG-25, không có khả năng tiếp dầu trên không. Nhưng hầu hết các máy bay hiện đại của Nga, ví như các dòng tiêm kích MiG-31, MiG-29, Su-30 hay cường kích Su-24 đều có năng lực này.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack cũng có thể tiếp dầu trên không, tương tự các oanh tạc cơ Tu-22M3M, phiên bản mới nhất của dòng Tu-22M Backfire. Trong khi đó, các máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm các tính năng liên quan đến tiếp dầu trên không.
Máy bay tiếp dầu Il-78 và hai chiếc Su-30
“Nhưng không có máy bay tiếp dầu”, tác giả Ilya Kramnik viết trên Izvestia. “Với từng ấy máy bay tân tiến mà chỉ có một trung đoàn máy bay tiếp dầu, bao gồm 15 chiếc IL-78 và Il-78M, được chế tạo dựa trên phiên bản máy bay vận tải quân sự Il-76”.
“Thực tế này không thể khiến người ta lạc quan được. Trong khi viễn cảnh thương mại của dòng vận tải cơ Il-76MD-90A là rất u ám, trong khi đây được coi là nền tảng, và nhu cầu của Không quân cả về máy bay vận tải lẫn máy bay cảnh báo, rõ ràng số lượng của các máy bay tiếp dầu nếu được bổ sung cũng rất hạn chế".
"Phải là người rất lạc quan mới nghĩ rằng Tập đoàn Hàng không Thống nhất (UAC) có thể chuyển giao hơn 12 chiếc Il-78M-90A trong vòng 10 năm tới, đưa số máy bay tiếp dầu lên tới con số 30, bao gồm cả những chiếc Il-78M”, Ilya Kramnik viết.
“Nhưng 15 hay 30 chiếc vẫn là ít, nếu tính đến số máy bay có năng lực tiếp nhận dầu trên không sẽ còn tăng lên”, ông Kramnik kết luận. Ngoài các máy bay chiến đấu, ông còn băn khoăn không biết máy bay vận tải của quân đội Nga có cần tiếp dầu khi ở trên không hay không.
“Nếu tính đến thực tế là con số ngày càng thu nhỏ của phi đội máy bay vận tải quân sự, có thể việc tiếp dầu trên không cho máy bay vận tải cũng sẽ phải tính đến nhằm gia tăng năng lực của phi đội trong khi chưa thể gia tăng số lượng”.
Mặc dù đã thử nghiệm tiếp dầu trên không từ những năm 1930, Liên Xô coi việc tiếp dầu trên không cho máy bay chiến đấu là việc xa xỉ, theo tác giả Kramnik.
Đã từng có một hệ thống được phát triển nhằm tiếp dầu cho máy bay MiG-15 để nó có thể hộ tống các máy bay ném bom tầm xa, nhưng sau đó Liên Xô chọn hướng tăng tốc độ và độ cao tối đa cho các máy bay ném bom để chúng không cần máy bay hộ tống.
Máy bay Il-96
Tuy nhiên, Liên Xô nhận ra rằng dù lãnh thổ của họ rất lớn, việc tiếp dầu trên không rất cần thiết vì việc này giúp không quân có thể dịch chuyển vùng hoạt động dễ dàng hơn.
Các máy bay tiếp dầu đầu tiên của Liên Xô là các loại máy bay ném bom M4 và Tu-16 được hoán cải, sử dụng kiểu tiếp dầu từ cánh máy bay này qua cánh máy bay kia, rất nhiều rủi ro nếu so với kiểu tiếp dầu từ vòi và phễu như hiện nay. Sau đó các máy bay vận tải được cải hoán thành máy bay tiếp dầu.
Nhưng Liên Xô sụp đổ đã làm gián đoạn việc hiện đại hóa không quân Nga. Nga sau đó lại nhấn mạnh năng lực cơ động chiến lược, triển khai nhanh chóng phi đội, như người Mỹ. Việc tiếp dầu trên không đã được không quân Nga triển khai trên chiến trường Syria.
Ông Kramnik đề xuất tái thực hiện kế hoạch trước đó bị xóa bỏ, chế tạo máy bay tiếp dầu dựa trên các máy bay thương mại Il-96 (giống chiếc chuyên cơ của tổng thống Putin). Lựa chọn thứ hai là hoán cải các máy bay vận tải Il-78 và Il-78M thành máy bay tiếp dầu…