Paul Pelosi Jr (khoanh tròn) trong chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: NY Post
Theo Hoàn cầu Thời báo, Paul Pelosi Jr (53 tuổi), con trai duy nhất của bà Nancy Pelosi không có tên trong danh sách phái đoàn công du châu Á của nữ quan chức.
Ông không giữ chức vụ chính thức nào trong chính phủ, cũng không phải là cố vấn của bà Pelosi. Việc Paul Pelosi Jr xuất hiện trong phái đoàn khiến không ít chính trị gia và cư dân mạng đặt câu hỏi liệu ông này có nhiệm vụ bí mật nào không, chẳng hạn như tìm kiếm lợi ích kinh tế cho bản thân và gia đình.
Một số chính trị gia, bao gồm cả ông Tseng Ming-chung – người từng là quan chức tài chính cấp cao của Đài Loan (Trung Quốc) – đã thúc giục chính quyền hòn đảo giải thích về những bí ẩn liên quan đến Paul Pelosi Jr.
Các nhà phân tích trên hòn đảo cho biết Tseng là chuyên gia trong việc điều tra các vụ đầu cơ cổ phiếu nên những mánh khóe kinh doanh không bao giờ có thể lọt qua mắt ông. Việc một người trong cuộc như Tseng lên tiếng yêu cầu chính quyền giải thích đã cho thấy “có gì đó không ổn”.
“Những chính trị gia dày kinh nghiệm này chỉ đến thăm vì lợi ích”, một cư dân mạng bình luận.
Trước bà Pelosi, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham trong một chuyến thăm đã nói với lãnh đạo hòn đảo rằng ông hy vọng Đài Loan (Trung Quốc) sẽ mua máy bay phản lực Boeing 787 Dreamliner.
Chiu Yi, một cựu quan chức Đài Loan (Trung Quốc) và là học giả ủng hộ thống nhất nói với Hoàn cầu Thời báo rằng các chính trị gia Mỹ luôn đến hòn đảo với 2 mục đích: nhận hỗ trợ tài chính hoặc thúc đẩy các thỏa thuận mua sắm. Chuyến thăm của bà Pelosi mang mục đích thứ 3: làm đầy túi bằng cách thao túng thị trường chứng khoán và tài chính.
Theo Chiu, vai trò của Paul Pelosi Jr là kết nối bà Pelosi với chồng ở Mỹ.
Con trai tháp tùng bà Pelosi trong chuyến thăm châu Á. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Chứng khoán châu Á, châu Mỹ và châu Âu đều bị ảnh hưởng bởi chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi. Con trai bà – về cơ bản – nối gót cha thực hiện các hoạt động tài chính, mua bán, sáp nhập. Vì vậy rõ ràng có thể nghi ngờ về việc giao dịch cổ phiếu nội gián: ông Pelosi vận hành công việc kinh doanh ở Mỹ, bà Pelosi gây rắc rối, và con trai làm việc như một phụ tá đắc lực cho cha mẹ, chuyên gia nhận định.
“Vì lịch làm việc dày đặc nên bản thân bà Pelosi không có điều kiện để giữ liên lạc với chồng ở Mỹ. Bà ấy không thể để quá nhiều người biết về việc họ thao túng tài chính trong chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) và thậm chí không thể yêu cầu thư ký của mình làm điều đó, vì vậy bà chỉ có thể tin tưởng con trai mình”, Chiu giải thích.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ khẳng định con trai bà chỉ là người hộ tống và không có bất kỳ giao dịch kinh doanh nào trong chuyến đi. Nhưng một số người tin rằng bà Pelosi đang cố gắng thu lợi về cho gia đình bất chấp việc gây thiệt hại cho mối quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình trên Eo biển Đài Loan.
Giới chức đảo Đài Loan (Trung Quốc) cũng được yêu cầu công bố nội dung các cuộc thảo luận giữa bà Nancy Pelosi với công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC, báo chí địa phương cho biết.
Chịu tiết lộ ông khá chắc chắn rằng con trai của bà Pelosi đã nói về một số thỏa thuận với TSMC sau khi được giới thiệu với Chủ tịch TSMC Mark Liu vào ngày 3/8. Tuy nhiên, không rõ liệu việc này có liên quan đến khoản đầu tư của TSMC vào Mỹ, hay việc mua chip của TSMC hay không.
Wang Yu-ching, một nhà quan sát sống ở đại lục cho biết bên cạnh chip, chuyến thăm của bà Pelosi cũng có thể liên quan đến các thỏa thuận trong tương lai để gia đình bà độc quyền bán các sản phẩm của Đài Loan (Trung Quốc) từ công nghệ sinh học đến nông nghiệp công nghệ cao – những lĩnh vực sinh lời nhất của hòn đảo.
Ví dụ, gia đình Pelosi có thể xem xét đưa sản phẩm hữu cơ xanh từ đảo Đài Loan (Trung Quốc) đến Nhật Bản, nơi có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp như vậy do ô nhiễm hạt nhân và vấn đề giá cả, Wang nói.
Về mặt công nghệ sinh học, gia đình Pelosi có thể kiếm lời thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp y sinh của Mỹ xây dựng nhà máy ở đảo Đài Loan (Trung Quốc), Wang nhận định.
Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) từ lâu đã tham gia sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp xe hơi và vũ khí, thậm chí có các nhà máy hoàn chỉnh theo phong cách Mỹ. Do đó theo Wang, gia đình Pelosi có thể muốn môi giới kinh doanh với Đài Loan (Trung Quốc). Chuyến thăm của nữ nghị sĩ tới một nhà máy sản xuất chip lớn của hòn đảo diễn ra chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nhằm trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn, khiến giá cổ phiếu chip tăng vọt.
Việc mời vợ chồng và con cái đi công tác nước ngoài là điều được phép đối với các phái đoàn của Quốc hội Mỹ, nhưng sự tức giận không chỉ nhằm vào một thành viên phái đoàn mờ ám có động cơ không rõ ràng như Paul Pelosi Jr, mà còn vì sự cứng đầu của bà Pelosi khi đưa quan hệ Trung – Mỹ đến mức căng thẳng như hiện nay, theo các nhà quan sát.
Đáng chú ý, tờ Daily Mail mới đây đã tiết lộ Paul Pelosi Jr là nhà đầu tư lớn thứ hai kiêm cố vấn của công ty viễn thông Trung Quốc Borqs Technologies.
Bà Nancy Pelosi nhận lương 223.500 đô la mỗi năm cho các vai trò của mình trong chính phủ. Tuy nhiên tài sản ròng của bà ước tính lên tới 252 triệu đô la, khiến nhiều người suy đoán rằng công ty tư vấn tài chính và đầu tư mạo hiểm Financial Leasing Services của chồng bà được cung cấp thông tin nội bộ.
Theo Hoàn cầu Thời báo