VAFI không “ngoa” khi chê bai Sabeco?

Nguyễn Thảo |

Cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng nay, lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco, VAFI cho biết.

Sabeco, nhà nước nắm giữ gần 90% cổ phần

Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có 2 văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị việc thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng CTCP Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia Rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Điểm đáng chú ý, tại cả 2 văn bản này, VAFI đều đưa ra so sánh giữa Sabeco và CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (mã VNM).

Cụ thể, theo VAFI, mặc dù Sabeco thực hiện việc cổ phần hoá được 8 năm nhưng Sabeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết.

Lý giải việc Sabeco cố tình trốn tránh niêm yết, không thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao phó, VAFI đặt ra một số giả thiết như những người quản lý tại Sabeco không thích sự minh bạch, do lợi ích cục bộ…

“Những việc như trốn tránh niêm yết, cử người không đủ năng lực làm người quản lý vốn nhà nước hay lợi ích cục bộ… làm yếu kém công tác quản trị doanh nghiệp và làm giảm giá trị doanh nghiệp, tệ hại hơn là đẩy dần doanh nghiệp vào tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ”, VAFI phân tích.

Theo đó, VAFI dẫn trường hợp Vinamilk và cho biết, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng nay, ngược lại lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco.

Thậm chí, tại văn bản lần 2 gửi Bộ Công Thương, VAFI cho biết: “Chủ tịch Sabeco về năng lực ít ra phải bằng 20% năng lực của những người như Trương Gia Bình (FPT), Mai Kiều Liên (Vinamilk)… chứ không thể chọn một người lơ mơ về quản trị doanh nghiệp”.

Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Sabeco, cổ đông nhà nước vẫn nắm giữ tới 89,95% vốn, Heineken nắm giữ khoảng 5%, các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.

Theo kế hoạch Bộ Công Thương sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Sabeco xuống còn 36%.

Trong khi đó, tại Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 45% cổ phần, khối ngoại nắm giữ 49% cổ phần và chỉ còn khoảng 6% dành cho nhà đầu tư trong nước.

Theo kế hoạch, SCIC sẽ tiến hành thoái toàn bộ vốn khỏi Vinamilk.

Vinamilk đã bỏ xa Sabeco

10 năm trước, doanh thu cũng như lợi nhuận của Sabeco đã từng cao hơn Vinamilk, thậm chí có thời điểm gấp đôi tuy nhiên, với sự bứt tốc mạnh mẽ, doanh thu của Vinamilk sau đó đã vượt Sabeco, trong giai đoạn từ 2011-2015 khoảng cách ngày càng nới rộng.

VAFI không “ngoa” khi chê bai Sabeco? - Ảnh 1.

Vinamilk đã bứt tốc mạnh mẽ, bỏ xa Sabeco

Cụ thể, năm 2011, doanh thu thuần của Vinamilk gấp 1,12 lần Sabeco, năm 2015, con số này là 1,47 lần. Lợi nhuận trước thuế của Vinamilk năm 2015 đạt 9.367 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế của Sabeco chỉ đạt 4.470 tỷ đồng.

Thông tin tại Hội nghị về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Công Thương diễn ra cuối năm 2015 vừa qua, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco từng cho biết, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp từ năm 2007 đến nay rất tốt, về cơ bản đạt được tốc độ tăng trưởng tốt đến từ các yếu tố như làm tốt công tác thị trường, nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng... không phải do cổ phần hoá mang lại.

Trong khi cơ cấu hoạt động của Vinamilk có 6 công ty con, 2 công ty liên kết bao gồm các công ty đặt tại Campuchia, Newzeland, Mỹ, Ba Lan; tại Sabeco là 23 công ty con, 22 công ty liên kết.

Năm 2015, trong cơ cấu doanh thu của Sabeco, công ty mẹ chỉ tạo ra hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương 30% doanh thu hợp nhất, phần còn lại được ghi nhận từ các công ty liên doanh, liên kết.

Cũng trong năm 2015, “ông lớn nhà nước” Sabeco từng bị Kiểm toán Nhà nước truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt. Kiểm toán cho rằng Sabeco đã “lách luật” thông qua việc bán giá thấp cho các công ty con để giảm số tiền nộp thuế từ năm 2013.

Tại Sabeoco, đơn vị này đã lập ra một hệ thống tiêu thụ bao gồm Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco là công ty con 100% vốn công ty mẹ, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính, kê khai qua giá bán ra của công ty mẹ.

Sau đó, công ty con của Sabeco lại thành lập hàng chục công ty cháu, đơn vị liên kết tại các vùng với tỷ lệ sở hữu 90-94% và bán các sản phẩm qua hệ thống đại lý.

Với mô hình nhiều cấp này, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt mà Nhà nước thu được sẽ không đáng kể nếu doanh nghiệp hạ giá bán tại nơi sản xuất, nhưng tăng dần trong khâu thương mại.

Trong một cuộc toạ đàm do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát tổ chức tháng 7/2015, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco (khi đó) khẳng định Sabeco tuân thủ các quy định về chính sách thuế.

Ông Tuất cũng cho biết, thông tin truy thu thuế doanh nghiệp ảnh hưởng đến Sabeco. “Sabeco may mắn vì chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên tác động bất lợi đã được hạn chế phần nào”, ông Tuất từng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại