Ở nơi ô hợp, nơi mà luật pháp của triều đình không tồn tại, các đầu lĩnh sơn trại như Tiều Cái, Tống Giang muốn thu phục được nhân tâm của những kẻ dưới trướng mình thường rêu rao chiêu bài đạo nghĩa, anh em bốn bể là nhà.
Rằng tất cả khi đã về Lương Sơn đều coi nhau như huynh đệ tình thâm cốt nhục. Nhưng hỡi ôi, đó chỉ là những lời trí trá, lừa gạt lòng người.
Sự thực, để có được những người tài năng thực sự chịu góp mặt ở Tụ nghĩa đường, Tống Giang, Tiều Cái, Ngô Dụng đã bày ra nhiều mưu kế thâm độc, bất nhân, bất nghĩa để ép nhiều tài người phải đến Lương Sơn.
Sẵn sàng đẩy cả nhà Tần Minh vào họa chết chóc chỉ để có được 1 nhân tài
Người anh hùng nổi tiếng nhất phải kể đến đó là Tích lịch hỏa Tần Minh. Tần Minh vốn là võ tướng sức địch muôn người.
Mặc dù khi nhận nhiệm vụ giải cứu phủ Thanh Châu, Tần Minh thua trận nhưng thân đã mang tướng lệnh, Minh thà chịu chết chứ nhất quyết không cam tâm làm giặc cướp theo lời dụ dỗ của Tống Giang.
Không thuyết phục được Tần Minh ở lại, Tống Giang cho người giả dạng Tần Minh đem theo quân mã giữa đêm đến vây đánh phủ Thanh Châu.
Mặc dù Tống Giang biết khi thi hành mưu kế hiểm độc như vậy, vợ con, những người thân thích của vị võ tướng này sẽ phải chịu những thảm cảnh rất lớn.
Nhưng Tống Giang vẫn làm. Hậu quả và vợ con Tần Minh bị tri phủ Thanh Châu là Lưu Cao sát hại vì cho rằng Tần Minh tạo phản. (Tội tạo phản thường phải tru di tam tộc.)
Hãy nghe Tống Giang nói với Tần Minh về việc mượn tay giết người:
"Hôm qua Tần tổng quản nhất định không lưu lại sơn trại, tôi mới định ra mưu kế, cho một tên lâu la hơi giống hình dạng tướng quân, ăn mặc các đồ mũ giáp, cùng cưỡi ngựa, cầm quân khí của ngài về đánh phủ Thanh Châu.
Sau lại cho Yến Thuận, Nụy Hổ đem theo 50 quân về đốt nhà, giết người để dứt lối về của tổng quản. Cái đó là tội của chúng tôi, xin Tần tướng quân thứ lỗi".
Tích lịch hỏa Tần Minh nghe xong thì đứt ruột, xé ran. Ông ta không thể ngờ Tống Giang mượn dao giết người mà thốt ra lời xin lỗi nhẹ tựa lông hồng.
Ảnh cắt ra từ phim Thủy Hử.
Trong phút chốc Tần Minh mất hết vợ con, cơ nghiệp. Thâm tâm Tần Minh đã muốn ăn tươi nuốt sống những kẻ đã hại vợ con của mình. Nhưng khi đó Minh thân cô thế cô lại ở giữa hang hùm thì đâu còn cách nào mà không gạt lệ ưng thuận.
Cũng có một điều lạ lùng với vị võ tướng này, sau này khi đã được trao chức tước – Mã quân hổ tướng, có binh mã trong tay nhưng Tần Minh không truy xét lại mối thù mà những kẻ đầu lĩnh Lương Sơn đã gián tiếp gây ra.
Nhiều người cho rằng, trong trường hợp của Tần Minh, Tống Giang đã làm công tác tư tưởng cực tốt, những chuyện đạo lý, chân tình, nghĩa khí… đều được Tống Giang đem ra rót mật vào tai Minh.
Thậm chí cả chuyện chia lại giang sơn, nắm lấy thiên hạ cũng được nhắc tới để Minh không còn lòng dạ nào mà báo thù, báo oán.
Giết con trẻ để lôi kéo Chu Đồng
Một trường hợp khác cũng bị ép lên Lương Sơn đó là Mỹ nhiệm công Chu Đồng. Chu Đồng không thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc nhưng vì có ơn với Tống Giang nên Giang rất mong đón được vị anh hùng này lên núi.
Nhưng Mỹ nhiệm công chỉ thích một cuộc sống yên bình, có nhà cửa, vợ con đề huề. Để ép được Chu Đồng, Tống Giang đã cho người cướp lấy đứa bé 4 tuổi mà Đồng đang trông coi (con quan phủ Thương Châu) rồi sát hại đi.
Vậy là vị hảo hán này buộc phải trở thành kẻ bất nghĩa với người mà mình hàm ơn (quan phủ Thương Châu). Đồng cũng không còn đường về nên phải đành lòng đi theo đảng cướp của Tống Giang đến hết đời.
Ảnh minh họa nhân vật.
Và còn nhiều nhân vật khác...
Ngoài Tần Minh, Chu Đồng thì trong 108 vị anh hùng còn có nhiều người khác bất đắc dĩ phải lên núi làm giặc cướp như Lư Tuấn Nghĩa, Từ Ninh, Quan Thắng…
Cần phải nhắc đến Lư Tuấn Nghĩa, người đàn ông này suýt đã chết thảm bởi âm mưu tàn độc của Ngô Dụng, Tống Giang.
Theo đó Ngô Dụng đã lừa cho Lư Tuấn Nghĩa tự tay viết thư có ý tạo phản lên vách rồi sau đó chính Ngô Dụng "phím" cho Lý Cố để tên người hầu vô lại này tâu với triều đình. Tuấn Nghĩa bị bắt giam, đánh cho thừa sống thiếu chết, bị lưu đày và sống những ngày tận khổ.
Câu chuyện về cách hành xử của Tống Giang với Lư Tuấn Nghĩa có điều gì đó rất giống cách mà Bá Kiến đối xử với Chí Phèo.
Chính Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào cảnh tù tội rồi khi Chí ra tù, người đàn ông gian manh này lại giả cách cứu rỗi cuộc đời của Chí sau đó biến Chí thành tay sai đắc lực cho mình.
Tống Giang cũng vậy, chính ông ta và Ngô Dụng lập mưu đẩy Lư Tuấn Nghĩa vào cảnh tù đầy rồi lại tìm cách cướp ngục hòng cứu cho kỳ được Lư Tuấn Nghĩa ra.
Lư Tuấn Nghĩa thoát khỏi chốn lao tù thì biết ơn Tống Giang vô hạn. Từ đó về sau Nghĩa một lòng một dạ đi theo Lương Sơn Bạc. Đây thực sự là một trường hợp anh hùng cực kỳ tội nghiệp trong thiên truyện Thủy Hử.
Hỡi ôi, đọc kỹ về hoàn cảnh của Tần Minh, Lư Tuấn Nghĩa, Chu Đồng, Từ Ninh… thì ai còn tin vào lời thề ở Tụ nghĩa đường, tin vào lá cờ tín nghĩa mà Tống Giang đã giương lên? Có chăng đó cũng chỉ là những lời lừa mị của kẻ gian hùng.
Ấy vậy nhưng chẳng hiểu sao, người đời từ trước đến nay cứ tôn thờ, xưng tụng Tống Giang là Cập thời vũ, là Hô bảo nghĩa Tống Công Minh.
Thực sự, Tống Giang là kẻ gian hùng có khi còn hơn Tào Tháo. Tháo khi xưa không lưu được Quan Vân Trường nhưng cũng không nỡ hại chết vợ con Lưu Bị để ép Vân Trường ở lại.
Nhưng Tống Công Minh thì khác, ông đã hành xử rất nhiều lần theo cách của tiểu nhân, có lẽ vì thế nên Tống Giang mưu nghiệp lớn không thành.