Cuộc họp trực tuyến hôm 31/3 của VPF với 13 đội bóng V-League chưa đưa ra được quyết định cuối về phương án cho V-League trở lại sau khi hết dịch. Tuy nhiên tạm thời đã có 1 số kiến nghị được các CLB đưa ra.
Phương án dự kiến của VPF là đá tập trung tại miền bắc, xét trên các yếu tố tiết kiệm chi phí, có cơ sở vật chất, sân bãi... Kế hoạch này sẽ giúp rút ngắn thời gian tổ chức lượt đi, tạo điều kiện cho giải kết thúc đúng hạn để cuối năm, đội tuyển Việt Nam có thời gian tập trung cho Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020. HLV Park Hang Seo chắc chắn sẽ phàn nàn nếu V-League khiến đội bóng của ông không đủ thời gian chuẩn bị cho 2 giải đấu trên, vốn đều rất quan trọng.
Một loạt đề xuất khác đã được các CLB đưa ra, gồm các khả năng như: V-League chỉ đá 1 lượt không có đội xuống hạng, đá theo thể thức lượt đi-về như bình thường. Dễ thấy dù còn một vài ý kiến gay gắt (như Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành phát biểu trên báo), nhưng hầu hết các đội bóng còn lại đều tham dự cuộc họp với tinh thần xây dựng rất cao.
Hãy nhìn thực tế giải Ngoại hạng Anh, vốn đã trôi qua gần hết mùa (29/38 vòng) với chức vô địch khó thoát khỏi tay Liverpool (82 điểm so với 57 điểm của đội đứng thứ nhì Manchester City), trong số phương án đưa ra vẫn có đề nghị huỷ giải, năm sau đá lại. Chuyện này nghe qua vô lý nhưng lại hoàn toàn có thể giải thích được.
Phương án huỷ giải gần như chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của ít nhất 5 đội đang đứng cuối bảng xếp hạng gồm: West Ham United, Watford, AFC Bournemouth (27 điểm), Aston Vila (25 điểm) và Norwich City (21 điểm). Thậm chí Brighton & Hove Albion (29 điểm) cũng có thể ủng hộ phương án này khi vẫn còn đứng trước rủi ro rớt hạng. Nhưng Liverpool chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội.
COVID-19 đã ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống bóng đá trên thế giới, tình cảnh ở giải Ngoại hạng Anh hiện nay cũng là những gì Serie A, Liga, Bundesliga...và cả bóng đá Đông Nam Á, trong đó có V-League đang phải đối diện. Các cuộc họp được tổ chức ở khắp nơi nhằm giúp bóng đá vượt qua được giai đoạn khó khăn. Một loạt đội bóng đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu trái bóng không lăn trở lại.
Điều dễ thấy là mỗi CLB khi bước vào một cuộc họp đều sẽ đưa ra những ý kiến theo hướng đảm bảo tối đa lợi ích cá nhân. Hãy trở lại với V-League để thấy rõ thêm điều này. Những đội bóng đề nghị thi đấu không có suất xuống hạng gồm Quảng Nam, Đà Nẵng hay SLNA. Trên thực tế đây đều là những đội nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng, thực lực không mạnh và tài chính cũng vừa phải. Đà Nẵng xuất phát từ nhu cầu cắt giảm ngoại binh để tiết kiệm chi phí. Nhưng những đội bóng mạnh như Hà Nội đã lập tức bắn đi tín hiệu không ủng hộ phương án này. Nói vui như HLV Lê Thuỵ Hải thì bóng đá “búng tai”, không có lên xuống hạng thì còn gì tính cạnh tranh.
Với Nam Định, mối ưu tiên hàng đầu là được tổ chức trên sân Thiên Trường có khán giả. Điều này cũng dễ lý giải, Thiên Trường luôn nằm trong tốp các sân bóng thu hút đông khán giả nhất ở V-League, có những trận trên 20.000 CĐV. Tiền vé là nguồn thu đáng kể với một đội bóng tiềm lực tài chính không mạnh như đội bóng của HLV Nguyễn Văn Sỹ.
Bất chấp dịch bệnh đang hết sức nghiêm trọng, các giải bóng đá VĐQG châu Âu vẫn đang nỗ lực để vượt qua. Đức và Ý, thậm chí cả Anh đang tính tới một loạt phương án, gồm cả đá tập trung trong mùa dịch. Mỗi đội bóng có một nhu cầu khác nhau, và rõ ràng đó là bài toán rất khó để BTC các giải đấu có thể đưa ra một đáp án hoàn hảo. Nam Định tới đây có thể sẽ phải chấp nhận việc V-League trở lại với các trận đấu trên sân không có khán giả, như một bước đệm đảm bảo sự an toàn ngay cả đã công bố hết dịch.
Mười bốn đội bóng V-League sẽ phải chấp nhận thực tế không thể đưa ra 1 phương án đáp ứng đủ 100% mong muốn của từng đội. Khi đó, V-League chắc chắn cần sự đồng thuận theo đa số để có thể tiếp tục lăn bánh.