Hà Nội đã thắng Quảng Nam, trong trận cầu được mất ở Hàng Đẫy, trận đấu có thể nói là chung kết mùa và nó phần nào đã đập tan những mối hoài nghi.
Lịch sử lặp lại
Một trong những mùa V-League hiếm hoi mà 2 đội đầu bảng bằng nhau về điểm số. Lịch sử đang lặp lại tại V-League 2017.
Lúc này, sau 25 lượt trận, cả Hà Nội, Quảng Nam và FLC Thanh Hóa đều đang có 45 điểm. Tất nhiên, nhà đương kim vô địch xếp nhất bảng, khi nắm lợi dẫn về chỉ số phụ so với 2 cái tên còn lại (đối đầu và hiệu số bàn thắng/bại).
Thứ tự này nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên cho đến sau vòng 26, khi Hà Nội làm khách tại Quảng Ninh, Quảng Nam tiếp CLB TP.HCM ở Tam Kỳ, còn FLC Thanh Hóa gặp SLNA trong trận derby Thanh-Nghệ.
Trong trường hợp Than Quảng Ninh thắng Hà Nội, đồng thời cả FLC Thanh Hóa và Quảng Nam cũng thua, lúc này, sẽ có 4 đội cùng 45 điểm, nhưng Hà Nội vẫn nắm lợi thế, khi tính đối kháng và chỉ số phụ giữa 4 đội với nhau.
Nói tóm lại, chức vô địch V-League 2017 rất khó thoát khỏi tay Hà Nội, sau trận thắng Quảng Nam vừa rồi. Và, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm sẽ có 4 chức vô địch (poker), san bằng kỷ lục với cựu vương B.Bình Dương ở kỷ nguyên V-League.
Hơi tiếc cho Quảng Nam và cả FLC Thanh Hóa, họ đã có một mùa giải quật khởi. Nhưng công bằng mà nói, về lực cũng như sự ổn định, Hà Nội nhỉnh hơn.
Còn về khát vọng, xứ Thanh có thể không thua đội bóng Thủ đô, nhưng đấy chỉ là khẩu hiệu của lãnh đạo và BHL, chứ cầu thủ chưa chắc và không phải lúc nào cũng đồng lòng. FLC Thanh Hóa và Quảng Nam nên tự trách mình, "nho còn xanh lắm".
V-Leaue chỉ kịch tính, chứ chưa hấp dẫn
Số các trận đấu thực sự chất lượng ở mùa giải này, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Việc giải đấu duy trì được đến 4 ứng viên vô địch trước lượt trận cuối, về lý thuyết là rất kịch tính, dù thực tế không hẳn vậy.
Ở đây, chúng ta cũng phải ghi nhận những nỗ lực của các đội bóng và cá nhân các ông bầu, cầu thủ. Chất lượng đội hình đi xuống, vì nhiều lý do, giải đấu bị xé lẻ bằng quá nhiều các kỳ nghỉ ngắn và dài hạn, nhưng các CLB đã rất cố gắng, chia sẻ với nhà tổ chức và Liên đoàn.
Họ hẳn cũng muốn giải đấu "về đích an toàn", dù nhiều vấn đề như trọng tài, khán giả và hình ảnh giải đấu nói chung, không tốt như kỳ vọng. Càng về cuối, những xáo trộn trên cabin BHL các đội bóng, lại là những thông tin "hot" hơn nhiều vấn đề chuyên môn. Đấy cũng là điều đáng bàn.
Trở lại với cái kết "đập tan mọi nghi kỵ" như quan điểm của một số người của V-League 2017, nó sẽ còn tiếp tục đặt ra rất nhiều vấn đề với VPF và cao hơn là VFF. Điều cốt lõi mà tất cả theo đuổi, đấy phải là cái lợi cho nền bóng đá, chứ không phải lợi ích của một vài cá nhân.
Và, bằng cách nào thuyết phục được khán giả trở lại sân bóng, luôn là một câu hỏi, một thách thức lớn với nhà tổ chức. Khán giả lấp đầy các khán đài, trong các trận đấu, mới phản ánh đúng giá trị đích thực của tình yêu. Còn nói "yêu nhau không cần ai làm chứng" như bầu Hiển, chỉ là quan điểm cá nhân.
Đức và Hùng
HLV Lê Huỳnh Đức nói lời chia tay SHB Đà Nẵng sau 14 năm gắn bó với đội bóng bên bờ sông Hàn, cả với tư cách cầu thủ và HLV. Ông Đức đã ghi nhiều công trạng cho bóng đá Đà thành, và hơi nghiệt ngã, khi vì yếu tố ngoại vi mà một bộ phận đã lại phủ nhận điều đó. Cựu tiền đạo đội trưởng ĐTQG thế hệ vàng sẽ tạm nghỉ ngơi một năm, theo chia sẻ và sau đó, nhiều khả năng sẽ dẫn dắt B.Bình Dương.
Đất Thủ đã rất muốn Huỳnh Đức từ vài năm trước, trong khi nếu không vì cái tình, ông Đức thậm chí đã rời Chi Lăng từ khi kết thúc V-League 2016. Người được ướm thay thế Lê Huỳnh Đức là Phan Thanh Hùng, đương kim HLV trưởng Than Quảng Ninh và là cựu thuyền trưởng Hà Nội T&T.
10 năm tại vị của Huỳnh Đức, cũng là chuyện xưa nay hiếm, nhưng cũng gần bằng khoảng thời gian đó Thanh Hùng sống tha hương nơi đất khách, để khẳng định tên tuổi, giờ là lúc ông trở về, thuận đủ bề.
Việc ông Hùng rời Cẩm Phả, khi mộng lớn với vùng Mỏ chưa thành, cũng là điều khá đáng tiếc. Ông Hùng (sinh năm 1960, tuổi Tý) là một người tận tụy, song cũng toan về già rồi.