Israel bất ngờ thay đổi quan điểm?
Vị thế của Israel trong cuộc chiến tại Syria từ lâu là chủ đề tranh cãi giữa các nhà phân tích chính trị và người dân trong khu vực. Một số chuyên gia nhận định, Israel muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền.
Bởi dưới sự điều hành của chính phủ Syria, cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng đến thời điểm hiện tại vẫn yên lặng và chưa xảy ra bất cứ cuộc xung đột nghiêm trọng nào.
Trái lại, một số người khác cho rằng, mối quan hệ gần gũi của Tổng thống Assad với Iran sẽ cho phép Iran can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tại Syria, mở rộng tầm ảnh hưởng về phía biên giới Israel, tạo ra mối đe dọa lớn hơn với quốc gia Do Thái này.
Trong bối cảnh lực lượng của Tổng thống Assad đang siết chặt gọng kìm đối với phiến quân tại phía Nam Syria, nhằm đưa cuộc chiến nhanh chóng đến hồi kết, các nhà phân tích vẫn thiên về xu hướng cho rằng, chính phủ Israel đã cởi mở hơn đối với việc duy trì quyền lực của Tổng thống Assad, bất chấp lời kêu gọi của một số chính trị gia Israel đòi lật đổ ông Assad.
Tờ Hareetz của Israel cho biết, cách đây vài tuần, giới chức Israel thông báo với Nga rằng họ sẽ không phản đối đà tiến của quân đội Syria. Các văn bản chính trị do quân đội Israel và Bộ Ngoại giao nước này soạn thảo trong 2 năm qua đều cho rằng, việc ông Assad tiếp tục cầm quyền là phù hợp, thậm chí cần thiết cho an ninh Israel.
Tờ Alaraby dẫn phân tích của nhà quan sát Zvi Bar’el ngày 3/7 nhấn mạnh, Israel hành động như thể nước này đang cải cách chính sách của mình và trở nên hòa giải với chính quyền của Tổng thống Assad. Điều này đánh dấu bước đột phá so với quan điểm ban đầu của Israel là duy trì sự trung lập trong suốt cuộc chiến tại Syria.
Thủ tướng Israel hội đàm với Tổng thống Nga. Ảnh: Sputnik. |
Israel muốn gì? |
Nhiều nhà phân tích cho rằng, lý do sâu xa khiến Israel thay đổi quan điểm đối với chính quyền Tổng thống Assad nằm ở quan hệ giữa nước này với Nga.
“Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Assad đang trên đà chiến thắng, có khuynh hướng tại Israel và có lẽ là kết quả cuộc tham vấn giữa Nga-Israel-Mỹ, nhằm đảm bảo sự chấp nhận chế độ cầm quyền của ông Assad”, Elie Podeh, chuyên gia Trung Đông tại Đại học Hebrew nói với tờ Al Jazeera.
“Điểm mấu chốt là Israel muốn đảm bảo sự ổn định tại khu vực biên giới giữa Israel với Syria. Nếu chính quyền ông Assad đảm nhận được nhiệm vụ này, Israel sẽ rất hài lòng”, Elie Podeh cho biết.
Sự can dự của Israel tại Syria từ trước đến nay nhằm mục đích ngăn chặn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng về phía cao nguyên Golan. Nước này đã hỗ trợ một lực lượng nhỏ phe đối lập Syria, với hy vọng đảm bảo an toàn tại vùng đệm nằm ở khu vực biên giới Syria giáp cao nguyên Golan.
Thêm vào đó, mục tiêu của Israel nhằm kiềm chế sự hiện diện quân sự tại Syria chỉ có thể đạt được nhờ một thỏa thuận với chính quyền Syria thông qua vai trò trung gian của Nga.
Theo chuyên gia Zvi Bar'el: “Nga là quốc gia duy nhất có khả năng hạn chế hoạt động của Iran hoặc khiến nước này rút quân khỏi Syria”. Nhưng đổi lại, Israel phải cam kết với Nga không làm phương hại đến chính quyền Tổng thống Syria.
Israel vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga kể từ khi Moscow can thiệp vào cuộc chiến tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Assad năm 2015.
Trên chiến trường, Nga và Israel cũng thiết lập một số quy tắc chung mà theo cách nói của Bộ trưởng Quốc phòng Israel là quan hệ có qua có lại: “Israel không can thiệp vào hoạt động của Nga, đổi lại Nga cũng không can thiệp vào hoạt động của Israel.
Nhờ quy tắc này mà Israel có thể tiến hành các cuộc không kích nhằm vào cứ điểm của Iran, Hezbollah ở sâu trong lòng Syria mà không vấp phải sự phản đối của Nga”.
Xét đến vai trò của Nga làm trung gian hòa giải cho các phe phái liên quan cuộc chiến Syria, trả lời hãng tin Al Jazeera, Aron Lund, thành viên của Century Foundatuon - trung tâm phân tích độc lập có trụ sở tại New York cho biết:
“Sự can thiệp của Nga vào cuộc chiến Syria đã buộc chính phủ Israel phải tiến tới đối thoại. Nga và Israel đã thiết lập những thỏa thuận nhằm đảm bảo hoạt động của Israel tại Syria mà không gây suy yếu kế hoạch quân sự của Nga”.
Cùng chung quan điểm này, Ofer Zalzberg, nhà phân tích Israel/Palestine tại Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cho biết, hồi cuối năm 2016, hầu hết nhà lãnh đạo và quan chức Israel đều nghĩ rằng đất nước Syria sẽ bị “chia 5 xẻ 7” và điều này sẽ khiến Syria trở nên suy yếu hơn.
Nhưng khi chính quyền ông Assad trở nên lớn mạnh hơn nhờ sự hỗ trợ của Nga, “Israel đã thiết lập các cơ chế giảm xung đột và phối hợp với Moscow, học cách cân bằng quan hệ giữa Nga và Mỹ”.
Ông Ofer Zalzberg cho rằng, trong khi Israel đang gây sức ép buộc Mỹ duy trì lực lượng tại Syria, nước này cũng làm mọi cách để Moscow phải nhượng bộ để có thể sử dụng vũ lực chống lại những gì mà Israel cho là mối đe dọa tại Syria.
Theo nhà phân tích này, mối quan hệ tốt của Nga với Israel, Syria, Iran và lực lượng Hezbollah đồng nghĩa với việc Nga đang ở vị trí tốt nhất để nắm bắt nhu cầu và thu hẹp bất đồng giữa các bên.
Chuyên gia Zvi Bar'e nhấn mạnh, Israel không cảm thấy lo ngại khi Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền, bởi Nga có ảnh hưởng to lớn đối với chính phủ Syria, vì thế chính sách đối ngoại tương lai của Syria, bao gồm cả chính sách với Israel sẽ được điện Kremlin xem xét, do đó mối đe dọa đối với Israel sẽ giảm đáng kể./.