Ứng dụng nhắn tin nào được yêu thích nhất tại từng quốc gia trên thế giới - có thu phí không?

Khánh Vy |

Hiện nay, nhiều ứng dụng nhắn tin qua Internet (OTT) đã trở nên phổ biến trong cộng đồng người dùng trong và ngoài nước như Viber, WhatsApp, Telegram,... Vậy đâu là nền tảng được nhiều người sử dụng nhất và nó có gì đặc biệt?

Theo dữ liệu phân tích trên nền tảng Android (tháng 5/2022) từ 90 quốc gia, trang Similarweb đã xác định được các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Trong số các quốc gia được khảo sát, WhatsApp xuất sắc giành vị trí ứng dụng nhắn tin hàng đầu tại 60 quốc gia với hơn 2 tỷ người dùng.

Với những tính năng vượt trội, WhatsApp nhanh chóng thu hút đông đảo người dùng khắp thế giới. Chỉ cần kết nối với 4G hay Wifi là có thể trò chuyện, gửi video, hình ảnh và liên lạc quốc tế hoàn toàn miễn phí.

Ứng dụng nhắn tin nào được yêu thích nhất tại từng quốc gia trên thế giới - có thu phí không? - Ảnh 1.

Lượng người dùng các ứng dụng nhắn tin trên toàn cầu.

Facebook Messenger đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách, đẩy Telegram xuống vị trí thứ ba. Tính đến tháng 4/2022, Facebook Messenger vẫn là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở 13 quốc gia, bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Đan Mạch, Hungary, New Zealand, Philippines, Ba Lan, Thụy Điển và Thái Lan.

Facebook Messenger cũng là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam. Sự phổ biến của Messenger phần nhiều do đây là ứng dụng nhắn tin được đính kèm với Facebook - mạng xã hội nhiều người sử dụng nhất thế giới. Hiện Messenger đang cung cấp dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

Một ưu điểm của phần mềm là khả năng đồng bộ và cài đặt cùng một tài khoản trên nhiều thiết bị khác nhau. Người dùng có nhiều tài khoản cũng không cần cài đặt phần mềm làm nhiều lần mà có thể chuyển đổi nhanh chóng nhờ tính năng lưu sẵn thông tin đăng nhập và đồng bộ.

Ứng dụng tin nhắn Telegram đã mất đi sự phổ biến của mình so với năm 2021. Tính đến tháng 4/2022, ứng dụng đứng đầu ở 8 quốc gia.

Telegram là một ứng dụng nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng và miễn phí của Nga, được ra đời năm 2013. Rất nhanh sau đó, ứng dụng này trở thành một trong những ứng dụng nhắn tin qua Internet nổi tiếng nhất thế giới với hơn 700 triệu người dùng toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại.

Telegram cũng làm rất tốt trong việc quản lý tin nhắn rác, quảng cáo (có thể xem như không có) trên nền tảng, đồng thời hỗ trợ gửi file nặng tới 1,5 GB. Song, hiện ứng dụng chưa hỗ trợ gọi video.

Tháng 6 vừa qua, Telegram đã công bố gói dịch vụ thu phí thông qua Telegram Premium với giá 4,99 USD/tháng (tương đương khoảng 115.000 đồng/tháng).

Dù triển khai thu phí nhưng ứng dụng vẫn giữ lại những tính năng nòng cốt miễn phí, và chỉ thu phí khi dùng thêm các tính năng mới. Ngoài ra, nền tảng này vẫn tiếp tục xây dựng các tính năng mới cho đối tượng không trả phí nhằm nâng cao chất lượng người dùng hơn nữa.

Bên cạnh Messenger và Telegram, Viber là một ứng dụng nhắn tin khác được nhiều người biết đến. Viber là một trong những ứng dụng chat miễn phí được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Theo ước tính, hiện tại có hơn 1 tỷ người đang sử dụng Viber để trao đổi thông tin và chia sẻ tài liệu.

Viber là một ứng dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Ra mắt năm 2012, ứng dụng có giao diện bắt mắt, dễ sử dụng và có chất lượng cuộc gọi tốt. Điểm đáng giá của Viber là sự phổ cập ở thị trường quốc tế. Nếu hai người lạ ở khác quốc gia gặp nhau và muốn trao đổi liên hệ qua OTT, Viber sẽ dễ dàng được sử dụng hơn.

Line đang ngày càng trở nên phổ biến trên khắp châu Á, minh chứng bằng sự hiện diện mạnh mẽ ở cả Thái Lan và Nhật Bản. Line cũng đang phát triển mạnh ở quốc gia Singapore.

Các ứng dụng chỉ xác nhận quyền sở hữu của một quốc gia duy nhất bao gồm KakaoTalk (Hàn Quốc), WeChat (Trung Quốc) và imo (Qatar) và Zalo (Việt Nam).

Mới đây, ứng dụng OTT phổ biến nhất tại Việt Nam, Zalo, đã chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, song song với đó vẫn phát hành một phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về mặt tính năng.

Cụ thể, người dùng cá nhân nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng có thể nâng cấp lên 3 gói trả phí gồm Standard, Pro và Elite. Tuy nhiên, hiện tại Zalo chỉ mới cho phép đăng kí thử nghiệm gói Pro với giá 5.500 đồng/ngày (dùng thử miễn phí đến hết ngày 30/8) với các lợi ích gồm 120 lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm mỗi tháng, 120 lượt chat với người lạ, hỗ trợ danh bạ tối đa 3.000 liên hệ…

Ngay sau khi có thông tin thu phí, nhiều người dùng đã bắt đầu “quay lưng” Zalo và chuyển sang sử dụng các nền tảng nhắn tin miễn phí khác, như Telegram, Viber, Messenger…

Ứng dụng nhắn tin nào được yêu thích nhất tại từng quốc gia trên thế giới - có thu phí không? - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại