Ứng dụng gọi xe Go-Viet: Chủ nhân thực sự là 'Tây hay Ta?'

Anh Mai |

Mặc dù Go-Viet khẳng định là công ty công nghệ Việt Nam nhưng không phải ngẫu nhiên những tuyên bố của Go-Jek cũng như sự có mặt của Tổng thống Indonesia tại lễ ra mắt Go-Viet được nhắc đến nhiều hơn cả.

Ứng dụng gọi xe Go-Viet với sự hậu thuận của ứng dụng gọi xe Go -Jek của Indonesia đã chính thức ra mắt hôm thứ tư 12/9/2018 tại Hà Nội.

Lễ ra mắt hôm thứ Tư diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người đang có chuyến thăm chính thức tại Hà Nội và đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Theo giới thiệu, hãng cung ứng dịch vụ xe ôm chở khách, giao hàng qua ứng dụng Go-Viet, là ứng dụng do nhóm sáng lập Việt Nam viết và Go-Jek cung cấp công nghệ, kiến thức chuyên môn và vốn đầu tư.

Ứng dụng gọi xe Go-Viet: Chủ nhân thực sự là Tây hay Ta? - Ảnh 1.

Theo giới thiệu, Go-Viet là ứng dụng do nhóm sáng lập Việt Nam viết và Go-Jek cung cấp công nghệ, kiến thức chuyên môn và vốn đầu tư.

Hồi tháng 5, Andre Soelistyo - Chủ tịch Go-Jek đã có thông báo chính thức rằng họ sẽ tham gia vào thị trường xe ôm công nghệ và các dịch vụ liên qua khác vào 4 nước ở Đông Nam Á là: Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Hãng này cho biết sẽ đầu tư hơn 500 triệu USD vào các thị trường này.

Go-Jek nói rằng họ sẽ không đầu tư trực tiếp vào các nước này mà sẽ "HỖ TRỢ CÔNG NGHỆ VÀ CHUYÊN MÔN" của mình và hợp tác với các đối tác địa phương ở các nước này hoạt động, Go-Jek sẽ ở đằng sau hậu thuẫn.

Ứng dụng gọi xe Go-Viet: Chủ nhân thực sự là Tây hay Ta? - Ảnh 2.

Go-Jek giá trị ước đạt 5 tỷ USD.

Ứng dụng Go-Jek ra đời năm 2010 với mục đích đơn giản ban đầu là cải thiện ngành công nghiệp xe ôm tại Indonesia. 

Tuy vậy, đến nay, Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek, đi vào lịch sử làng khởi nghiệp Indonesia với tư cách nhà sáng lập startup "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp được định giá từ một tỷ USD trở lên) đầu tiên của nước này. Hiện tuổi 34, Nadiem điều hành doanh nghiệp với tổng giá trị ước đạt 5 tỷ USD.

Trong khi đó, ứng dụng gọi xe Go-Viet thuộc Công ty TNHH Thương mại Công nghệ Go Viet được thành lập vào ngày 16/3/2018 do ông Nguyễn Đức Vũ là CEO kiêm người đại diện theo pháp luật.

Hoạt động chính của công ty Go Viet là: Dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính. Công ty này được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 16/03/2018 - thời gian trùng khớp với thời điểm Uber bán cho Grab.

Ông Nguyễn Đức Vũ cũng là người sở hữu miền go-viet.vn, website chính thức của ứng dụng gọi xe Go-Viet. Tên miền này được mua vào ngày 19/12/2017 trước khi Uber bán cho Grab hơn 4 tháng.

Go-Viet giới thiệu là "một công ty công nghệ Việt Nam" với mục tiêu nâng cao đời sống hàng ngày của người Việt Nam thông qua các dịch vụ thuận tiện cho mọi nhu cầu (vận chuyển, giao hàng, mua sắm, thanh toán...). 

"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nền tảng dịch vụ lớn nhất cho mọi nhu cầu của khách hàng", Go-Viet tự giới thiệu.

Mới thành lập được 6 tháng với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, có trụ sở tại TP.HCM, tuy nhiên Go-Viet đang được xem là "tay chơi" thách thức vị thế Grab trên thị trường vận tải Việt.

Tại lễ ra mắt Go-Viet, ông Nadiem Makarim cho biết, Go-Jek rất vinh dự khi ra mắt tại Việt Nam và Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong kế hoạch mở rộng ra quốc tế của Go-Jek. Các mục tiêu tiếp theo là Thái Lan, Philippines và Singapore.

Go-Viet chiếm 35% thị phần dịch vụ xe ôm tại TP.HCM, chỉ 6 tuần sau khi bắt đầu hoạt động thử nghiệm hôm 1/8, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành Go-Jek Nadiem Makarim tiết lộ.

Tuyên bố rót 500 triệu USD vào 4 thị trường mới là Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines, chưa rõ số tiền mà Go-Jek rót vào Go-Viet là bao nhiêu và thông tin về tỷ lệ sở hữu của ứng dụng gọi xe Indonesia tại công ty công nghệ Go-Viet của Việt Nam cũng chưa được tiết lộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại