Ùn tắc tại Pháp Vân - Cầu Giẽ: Khi chủ đầu tư không thích bán hàng như "hot girl kem trộn"

Hoàng Việt |

Cách thức buôn bán phi tiền mặt và rất thuận lợi này không phải cách mà các chủ dự án BOT đường bộ ưa thích.

Tôi thường xuyên mua hàng online. Kiểu mua, bán "phá vỡ" mọi khoảng cách về địa lý như thế này trong nhiều năm trở lại đây đã trở thành xu hướng kinh doanh gần như của toàn xã hội.

Bất kỳ ai muốn mua một món hàng mình cần ở bất kỳ đâu cũng chỉ việc lướt mạng, chọn mặt hàng ưa thích, sau đó chuyển khoản số tiền đã "chốt" mua rồi rung đùi chờ hàng được giao tới. Mọi công đoạn tiếp theo như đóng gói, giao hàng sẽ được người bán thực hiện một cách nhanh gọn, thuận lợi.

Những người bán hàng online dù là bất kỳ ai, từ nhân viên văn phòng, "hotgirl kem trộn", nông dân, công nhân hay nhiều người đang thất nghiệp... họ thích ứng với hình thức mua bán hiện đại này cực nhanh nhạy.

Nhìn chung những người bán hàng online đã bắt kịp theo xu hướng kinh doanh mà cả thế giới hiện đại đang vận hành. Họ không dùng tiền mặt vẫn có thể kinh doanh, buôn bán bình thường.

Nhưng cách thức buôn bán phi tiền mặt và rất thuận lợi này không phải cách mà các chủ dự án BOT đường bộ ưa thích.

Những ngày trước Tết và sau Tết Nguyên đán, khi người di chuyển qua điểm nút thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì hầu hết đều nếm trải cảm giác ức chế đến tận cổ bởi điểm nút giao thông quan trọng này thường xuyên ùn tắc rất dài.

Mặc kệ những dòng phương tiện xếp hàng ngược xuôi, mặc kệ những tài xế, chủ xe sốt ruột đến "phát điên" thì chủ đầu tư tại đây vẫn đủng đỉnh đếm tiền, thu phí.

Theo quy định thì ở mỗi điểm thu phí đường bộ nếu xảy ra ùn tắc 700m thì chủ đầu tư sẽ phải xả trạm. Quy định là như vậy nhưng việc thực hiện thì hầu như chưa bao giờ diễn ra. Đơn giản là chẳng nhà đầu tư nào muốn mở hom giỏ cho "cá" nhảy ra.

Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ theo hình thức BOT hiểu cho đúng thì cũng là hình thức mua, bán đơn thuần. (đôi khi ở một số nơi việc mua bán không diễn ra tự nguyện). Nhà đầu tư có hàng - đường bộ, người lái xe trả tiền để sử dụng đoạn đường này.

Về lý thuyết ai cũng muốn việc giao dịch - mua, bán đường được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện nhất. Ở khía cạnh quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải nhiều năm qua đã liên tục thúc ép, yêu cầu những chủ đầu tư các dự án BOT đường bộ phải thực hiện việc "bán hàng" không thu trực tiếp tiền mặt, tức là thu phí tự động, không dừng.

Khi xe qua trạm, tiền trong tài khoản của lái xe sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do việc triển khai thu phí theo hướng này vẫn rất ì ạch. Đặc biệt, tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thì năm này qua năm khác, khách hàng vẫn phải xếp hàng nhiều km để chờ đến lượt được trả tiền, qua trạm.

Từ năm 2016 đến nay, đã có nhiều lần Bộ Giao thông Vận tải ra sức kêu gọi, yêu cầu, nhắc nhở các chủ đầu tư những dự án BOT đường bộ, trong đó có BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải nhanh chóng thực hiện thu phí không dừng. Tuy nhiên đến nay dự án trọng điểm, án ngữ cửa ngõ thành phố Hà Nội vẫn chưa triển khai phần việc này.

Có rất nhiều lý do được viện dẫn nhưng có một nguyên nhân sâu xa đó là nếu thu phí không dừng, sẽ có nhiều cơ quan chức năng giát sát được nguồn tiền mà chủ đầu tư thu vào hàng ngày, hàng tháng. Minh bạch nguồn thu tại các dự án BOT chắc chắn không phải điều mà nhiều chủ đầu tư muốn tiết lộ.

Nêu ra câu chuyện bán hàng online của người dân và việc triển khai thu phí không dừng tại các trạm BOT để thấy rằng, việc buôn bán, kinh doanh phi tiền mặt trong thời buổi này chẳng khó khăn gì.

Một người dân thất nghiệp, ít học qua vài tuần làm quen với việc bán hàng online họ cũng có thể cũng có thể giao dịch, chốt đơn thành công với hàng trăm, hàng ngàn khách hàng ở mọi nơi nhờ áp dụng công nghệ.

Một doanh nghiệp lớn, có số vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng thì không khó khăn gì với việc thực hiện giao dịch phi tiền mặt để tạo thuận lợi cho khách hàng. Hơn nữa khách hàng phần lớn còn phải phụ thuộc vào "mặt hàng" của họ nên sẽ chẳng phải chào mời khách như những "hot girl kem trộn".

Tuy nhiên, quyền lợi của hàng triệu khách hàng khốn khổ đang bị ngó lơ. Ngày lễ, Tết khi nhu cầu đi lại cao nhất thì bao năm qua "thượng đế" vẫn phải ngậm đắng xếp hàng cả tiếng đồng hồ để chờ đếm tiền mặt trả cho nhân viên trạm thu phí.

Xây dựng đường cao tốc là để giúp người dân đi lại lưu thông dễ dàng. Nhưng nhiều chủ đầu tư vì lợi ích của mình đang cố tình đi ngược với xu hướng của thời đại công nghệ, họ làm cao tốc nhưng không muốn thu nhanh mà chỉ thích thu chậm bằng tiền tươi.

Theo quyết định của Chính phủ, hết năm 2019 toàn bộ các trạm BOT đường bộ sẽ phải thực hiện thu phí không dừng. Hãy chờ xem, những "ông lớn" BOT này chấp hành chỉ đạo của Chính phủ như thế nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại