Các tên lửa FGM-148 Javelin được vận chuyển cho Ukraine. Ảnh: AFP
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg TV, ông Kuleba chỉ ra rằng mặc dù phương Tây liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng Kiev cần nhiều hơn thế giữa bối cảnh nước này phải chiến đấu với một đối thủ như Nga.
"Thỉnh thoảng tôi được hỏi khi nào chúng tôi nhận được đủ vũ khí. Tôi luôn nói rằng, số lượng vũ khí chỉ đủ sau khi Ukraine giành chiến thắng. Cho tới lúc đó, chúng tôi sẽ yêu cầu nhiều vũ khí hơn", ông Kuleba cho hay.
Ngoại trưởng Ukraine cũng nhấn mạnh cuộc phản công của Ukraine gần đây ở khu vực Kherson đã cho thấy sự kết hợp giữa "khả năng chịu đựng" của quân đội Ukraine và vũ khí do phương Tây cung cấp là "công thức để đánh bại Nga" trên chiến trường. Nga khẳng định nước này rút quân khỏi một số khu vực để tái tổ chức lực lượng và tăng cường sức mạnh ở khu vực Donbass.
NATO đã hỗ trợ Ukraine từ năm 2014 và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2/2022. Dù vậy, sự trì hoãn trong việc cung cấp vũ khí diễn ra khá thường xuyên. Tuần trước, Die Welt đưa tin, trong khi Đức nhất trí cung cấp cho Ukraine 18 pháo tự hành RCH-155 cùng với các phương tiện quân sự đã được cung cấp thì các lựu pháo này sẽ chưa thể đến tay Ukraine ít nhất là trong 30 tháng tới.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định Berlin đã cung cấp "một số lượng không thể tin được" các loại vũ khí từ kho dự trữ của mình cho Ukraine, đồng thời cho biết nước này đã "đạt đến giới hạn" đối với một số loại vũ khí có thể cung cấp cho Kiev.
Đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, các nước thành viên trong liên minh đã hao hụt đáng kể kho vũ khí, đồng thời hối thúc ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây tăng cường sản xuất./.