Trong các linh kiện của máy bay trực thăng Ka-52 “Alligator” có 22 chip do Mỹ sản xuất và 1 chip do Hàn Quốc sản xuất (Ảnh: shutterstock).
Bí mật đó là: trong các vũ khí, trang thiết bị hiện đại của quân Nga chứa đầy các con chip bán dẫn do Mỹ thiết kế và chế tạo. Sau khi những bí mật này được công bố, các quốc gia đồng minh phương Tây đã tỏ ý nghi ngờ về năng lực bảo vệ an toàn công nghệ quốc phòng của Washington. Có người còn giễu cợt: liệu có phải Mỹ đang ngầm giúp quân đội Nga đánh Ukraine ?
Theo trang web Mỹ The Drive, quân đội Ukraine đã công bố danh sách một số loại vũ khí Nga đã được họ tháo dỡ để khám phá, bao gồm xe chỉ huy phòng không 9S932-1 "Bernaut-T", hệ thống tên lửa phòng không "Pantsir" , máy bay trực thăng tấn công Ka-52 "Alligator" và tên lửa hành trình Kh-101 "Raduga".
Hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir của Nga bị Ukraine thu giữ tìm thấy 5 loại chip do Mỹ sản xuất (Ảnh: Sohu).
Từ bán danh sách các thành phần linh kiện cho thấy có rất nhiều loại chip do các nhà sản xuất Mỹ như Intel, Micron và Supermicro thiết kế hoặc chế tạo.
Chính phủ Ukraine đã liệt kê chi tiết các nguồn và nhà sản xuất chip quan trọng và các thành phần khác, điều này cho thấy các cơ sở quân sự của Nga bị phụ thuộc nhiều vào các thành phần do Mỹ sản xuất. Qua đây cũng cho thấy khả năng của Mỹ và các nước khác trong việc bảo vệ an ninh của công nghệ quân sự cũng bị nghi ngờ, lo ngại một cách nghiêm túc.
Cụ thể, có 8 loại chip trong hệ thống liên lạc của xe chỉ huy phòng không 9S932-1 "Bernaut-T", là sản phẩm của các hãng Intel, AMD, Texas Instruments, Micrel, Micron, Atmel và Rocherster Electronics.
Trong xe chỉ huy phòng không 9S932-1 "Bernaut-T" của Nga bị Ukraine thu tìm thấy 8 loại chip của Mỹ (Ảnh: Chinatimes)
Có 5 loại chip do Mỹ sản xuất đã được tìm thấy trong thiết bị định hướng của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir do các hãng AMD, Rochester Electronics, Texas Instruments và Linear Technology sản xuất.
Trong máy bay trực thăng tấn công Ka-52 "Alligator" có 22 chip do Mỹ sản xuất và 1 chip do Hàn Quốc sản xuất từ các hãng bao gồm Texas Instruments, IDT, Altera USA, Burr-Brown, Analog Device, Micron, Linear Technology và TE Connectivity.
Đặc biệt, trong tên lửa hành trình Kh-101 "Raduga" có tới 35 con chip do Mỹ sản xuất từ các công ty như Texas Instruments, Atmel, Cypress Semiconductor, Maxim Integrated, XILINX, Infienion và Rochester Technology.
Tên lửa hành trình Kh-101 Raguda của Nga được phóng từ máy bay.
Sau khi Nga tiến hành "Chiến dịch quân sự đặc biệt" chống Ukraine, các nước phương Tây đã liên tiếp sử dụng đến các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc, hầu hết các công ty công nghệ lớn trên thế giới đã ngừng bán các sản phẩm như chip và linh kiện cho Nga.
Có thể các loại chip và linh kiện này Nga đều có được trước khi xảy ra các biện pháp trừng phạt, hiện chưa có dấu hiệu hay chứng cứ cho thấy sự vi phạm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Bài viết của The Drive chỉ ra rằng, mặc dù lệnh trừng phạt có thể ngăn chặn năng lực sản xuất vũ khí quy mô lớn của Nga, nhưng những con chip này chưa chắc hoặc không nhất thiết được mua trực tiếp từ các nhà sản xuất.
Hiện nay thị trường thu hồi chip có một chuỗi cung ứng rất lớn, chủ yếu nguồn cung từ Trung Quốc Đại lục và rất khó kiểm soát, Nga có thể nhận được số lượng lớn các con chip và các tấm wafer thông qua kênh cung ứng này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng nói tại một phiên điều trần của Thượng viện hồi tháng 6 rằng, sau khi Nga bị trừng phạt, họ đang tìm kiếm nguồn thay thế các linh kiện quan trọng, trong các vũ khí thiết bị quân sự của Nga mà Ukraine bắn hạ hay thu được đã phát hiện các con chip được lấy ra từ các tủ lạnh hay máy giặt cũ.
Bên trong bo mạch điều khiển tên lửa hành trình Kh-101 có tới 35 chip do Mỹ sản xuất (Ảnh: Chinatimes).
Những kẽ hở trong việc kiểm soát chip tái chế không chỉ khiến chính phủ Mỹ lo lắng về sự giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt mà còn lo lắng về khả năng rò rỉ công nghệ chip tiên tiến của Mỹ.
Tờ The Wall Street Journal trước đó đã đưa tin, Tổng thống Mỹ Biden đã cắt đứt việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Nga. Người Nga bị thiếu các chip cao cấp, tham vọng phát triển công nghệ 5G và robot sẽ bị cản trở.
Tuy nhiên, có tới 70% số chip mà Nga đang sử dụng có nguồn gốc đến từ Trung Quốc, nhưng chủ yếu được sử dụng cho công nghệ cấp thấp và công nghiệp, được cho là không giúp ích nhiều cho an ninh và quân sự của Nga.