Ukraine phản công với ý đồ buộc quân Nga "chết đói" ở Kherson?

Trung Hiếu |

Ukraine rầm rộ nói về nỗ lực phản công ở miền Nam với các thắng lợi nhất định, dù Nga tuyên bố đã bẻ gãy cuộc phản công. Theo tin tức mới nhất, một trong các ý đồ của Ukraine là cô lập quân Nga ở Kherson để đẩy họ vào tình trạng đói khát.

Binh sĩ Nga kiểm tra an ninh với cư dân Kherson tại một trụ sở của Bộ Nội vụ. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Nga kiểm tra an ninh với cư dân Kherson tại một trụ sở của Bộ Nội vụ. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây tuyên bố, quân đội Ukraine đã gặt hái các thành công trên chiến trường trong cuộc phản công nhằm vào quân Nga ở tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine.

Tổng thống Zelensky đã cảm ơn các binh sĩ của mình vì đã “chiếm được 2 khu định cư ở miền Nam cùng với một bộ phận lãnh thổ ở phía Đông”. Ông Zelensky đưa ra lời khen ngợi như vậy dựa trên “các báo cáo” từ giới chỉ huy quân sự và lãnh đạo tình báo Ukraine.

Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Kyrylo Tymoshenko, thậm chí đã đăng ảnh binh sĩ Ukraine vào ngày 4/9 phất cờ Ukraine tại một ngôi làng nằm ở miền Nam - tâm điểm của cuộc phản công.

Ý đồ cắt nguồn lương thực của quân Nga?

Quân đội Ukraine triển khai phản công vào tuần trước nhằm vào khu vực miền Nam Ukraine, với trọng điểm là tỉnh Kherson - nơi đã bị Nga chiếm vào đầu cuộc xung đột.

Quân đội Ukraine hôm 5/9 thông báo, sau khi các lực lượng Ukraine nã pháo dữ dội vào các cụm quân Nga ở địa phương nay, phía Nga đã cấm hoạt động di chuyển của các cư dân tại đây.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) nhận định: “Cuộc phản công của Ukraine đang đạt được những bước tiến có thể kiểm chứng được ở miền Nam và miền Đông. Nhịp độ cuộc phản công có thể sẽ thay đổi đáng kể từ ngày này sang ngày khác, khi các lực lượng Ukraine nỗ lực gây chết đói cho phía Nga bằng cách làm cho họ thiếu các đồ cung ứng cần thiết, phá rối hệ thống kiểm soát và chỉ huy của họ, và làm suy yếu tinh thần chiến đấu của họ”.

Các kênh Telegram của Ukraine phản ánh về các vụ nổ tại cây cầu Antonivsky gần thành phố Kherson do quân Nga chiếm giữ. Các quả tên lửa của Ukraine được cho là đã gây hư hại cho cây cầu này trong các tuần vừa qua nhưng các lực lượng quân sự Nga đang cố gắng sửa chữa cầu hoặc lập ra các cầu phao hoặc sử dụng sà lan để duy trì việc tiếp tế cho các đơn vị của mình.

Nga phủ nhận việc quân Ukraine có bất cứ bước tiến nào kể từ khi họ tiến hành phản công vào tuần trước. Moscow cho hay, họ đã đáp trả khiến nhiều binh sĩ Kiev bị chết hoặc bị thương.

Thông cáo của quân đội Ukraine cũng cho biết, phía Nga đã thực hiện 25 vụ tấn công bằng tên lửa và hơn 22 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu thuộc Ukraine trong một ngày, tập trung vào thiết lập sự kiểm soát hoàn toàn đối với vùng Donetsk.

Chiến sự quanh nhà máy hạt nhân

Hãng Thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 5/9 thông báo có 3 vụ nổ lớn ở Enerhodar - thành phố đang bị giới nghiêm và là nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Chưa có thông tin chi tiết về thiệt hại và thương vong.

TASS cho biết, quân Ukraine cố gắng triển khai các đội tấn công ở gần thành phố Enerhodar, sử dụng máy bay không người lái ( UAV ), trọng pháo và hệ thống pháo dàn.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo, đường dây điện chính cuối cùng ở bên ngoài của nhà máy đã bị ngắt và còn một đường điện dự phòng duy trì cung cấp điện từ nhà máy ra mạng lưới bên ngoài.

Các chuyên gia IAEA ban đầu dự kiến làm việc tại nhà máy trên cho đến ít nhất là ngày 5/9. Nhưng theo tin tức mới nhất từ TASS và RT, phái đoàn IAEA đã rời khỏi nhà máy Zaporizhzhia vào hôm 5/9, sớm hơn dự định.

Renat Karchaa - một chuyên gia hạt nhân người Nga đi kèm phái đoàn trên, cho hay, 2 thành viên của đoàn IAEA sẽ ở lại nhà máy điện hạt nhân. Tuần trước, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi tuyên bố cơ quan này sẽ “thiết lập sự hiện diện kéo dài” tại cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Vladimir Rogov - người đứng đầu cơ quan hành chính-quân sự do Nga kiểm soát ở Enerhodar, cho biết, phái đoàn IAEA đã được cung cấp “mọi sự hỗ trợ có thể”. Ông này nói: “Chúng tôi quan tâm đến một đánh giá khách quan và cân bằng đối với tình hình tại nhà máy điện hạt nhân”.

Thời gian qua, Nga và Ukraine tố cáo lẫn nhau đã thực hiện pháo kích vào nhà máy này. Moscow cảnh báo nếu đối phương còn tiếp tục pháo kích nơi này, điều đó sẽ gây ra thảm họa hạt nhân tương tự như sự cố Chernobyl năm 1986. Trong khi đó, Kiev khẳng định quân Nga bố trí vũ khí khí tài tại nhà máy này.

Hôm 1/9, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phía Ukraine mở một cuộc tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân này trước khi phái đoàn IAEA tới nơi nhưng cuộc tấn công đã bị vô hiệu hóa.

Sau đó, vẫn theo Bộ này, Nga đã ngăn chặn tiếp một cuộc đột kích của lính đặc nhiệm và lính đánh thuê nước ngoài của Ukraine cố gắng đổ bộ lên bờ hồ trữ nước Kakhovka cách không xa thành phố Energodar./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại