Theo kênh truyền hình Tsargrad TV (Nga), tình hình xung quanh vùng ly khai Transnistria ở Cộng hòa Moldova có thể leo thang bất cứ lúc nào. Trong khi đó, lực lượng vũ trang Transnistria thiếu xe bọc thép, pháo binh, phương tiện tác chiến đường không và quân lực cho các hoạt động tác chiến cường độ lớn, việc lực lượng hòa bình Nga bị cô lập có thể gây ra nhiều vấn đề.
Sau chuyến thăm Kiev gần đây của Tổng thống Moldova Maia Sandu, giới truyền thông Moldova bắt đầu nói về một "hoạt động quân sự" ở Transnistria.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) khai mạc vào ngày 30/11 tại Bắc Macedonia, Ngoại trưởng Moldova Nikolai Popescu đã đưa ra "tối hậu thư" yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi Transnistria.
Hôm 8/12, theo hãng thông tấn TASS, Thủ tướng Moldova Dorin Recean một lần nữa nhắc tới việc Nga phải rút quân. Ông Recean tin rằng xung đột ở Transnistria sẽ được giải quyết sau khi Nga rút quân khỏi Transnistria và cả Ukraine.
"Bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề hòa giải đều phải bắt đầu bằng việc phi quân sự hóa, tức là các công dân Nga và quân nhân Nga phải rời đi, cả thiết bị quân sự của họ nữa. Tương tự, điều này sẽ diễn ra một cách bình thường với quá trình phi quân sự hóa ở Ukraine" - Ông Recean nói trên kênh truyền hình JurnalTV, lưu ý rằng "phi quân sự hóa ở Ukraine" tức là Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Theo TASS, bên cạnh yêu cầu Nga rút quân, Moldova còn đề nghị thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình bằng phái đoàn dân sự theo sự ủy thác của quốc tế.
Hiện tại, phía Transnistria kiên quyết phản đối đề xuất trên, đồng thời cáo buộc chính phủ Moldova cản trở các cuộc đàm phán. Vùng ly khai này đang lo ngại về việc Moldova tiến hành quân sự hóa khi tăng cường mua vũ khí, cũng như hợp tác quân sự với Mỹ, EU và NATO.
Moldova chặn cuộc gọi, từ chối đối thoại
Hãng thông tấn TASS ngày 13/12 cho hay, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã không phản hồi lời kêu gọi đối thoại của lãnh đạo Transnistria Vadim Krasnoselsky.
Chủ tịch Hội đồng tối cao Transnistria Alexander Korshunov cho hay, nhiều lời kêu gọi từ nhà lãnh đạo Krasnoselsky của vùng ly khai gửi tới bà Sandu "vẫn chưa được hồi đáp". Hiện mức độ đối thoại giữa hai phía không tương ứng với các thỏa thuận đã ký kết.
"Tất cả cuộc gọi từ Transnistria về việc nối lại các cuộc họp chính thức đều bị phía Moldova chặn. Các cuộc đàm phán theo thể thức 5+2 (Moldova, Transnistria, OSCE, Nga, Ukraine và các quan sát viên từ Mỹ và EU) đã không được tổ chức trong nhiều năm, cuộc họp cuối cùng diễn ra tại Bratislava từ năm 2019" – Ông Korshunov cho hay.
Tổng thống Moldova Maia Sandu. Ảnh: Eurotopics
Trước đó, theo kênh truyền hình quốc gia Moldova 1, vào cuối tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Moldova Oleg Serebrian đã có cuộc gặp với tân đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh & Bắc Ireland tại Moldova Fern Horine.
Ông Serebrian nhắc lại rằng việc tái sáp nhập Transnistria là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Moldova hiện nay, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ ở cấp độ chính trị của Vương quốc Anh rất quan trọng, đặc biệt là thông qua các dự án hỗ trợ nhằm thúc đẩy quá trình giải quyết trường hợp Transnistria.
Theo Tsargrad TV, cuộc gặp này đã làm gia tăng mối lo ngại. Phía Anh có thể "đóng một vai trò lớn" trong việc làm leo thang tình hình quanh Transnistria.
Chiến thuật của Moldova
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti ngày 12/12 dẫn lời nhà khoa học chính trị Andrei Safonov nhận định, Chisinau không thể tự mình giải quyết xung đột Transnistria nên phải "mượn tay" các lực lượng bên ngoài.
"Đây là một chiến thuật cũ của Chisinau. Điều tương tự đã diễn ra khi Phái đoàn hỗ trợ biên giới EU (EUBAM), theo đề nghị của Chisinau, tới triển khai ở biên giới Transnistria và Ukraine.
Nhiệm vụ của lực lượng này là giám sát ‘hoạt động buôn lậu’ ở biên giới, sau khi Chisinau cáo buộc hàng lậu liên tục được đưa qua Transnistria" – Ông Safonov nói, đồng thời lưu ý rằng đã nhiều năm trôi qua, người ta vẫn không tìm thấy bằng chứng nào về việc buôn lậu như lời Moldova nói.
Theo vị chuyên gia, bằng phương thức này, Moldova đã tìm cách châm ngòi nghi ngờ và mâu thuẫn giữa Transnistria và Ukraine, đồng thời thông qua sự giúp đỡ của Kiev để kiểm soát người dân Transnistria.
Vùng Transnistria (màu vàng) đang đứng trước nguy cơ bị tấn công. Ảnh: Euronews.com
Kịch bản Moldova – Ukraine tấn công Transnistria
Theo nhà phân tích chính trị Transnistria Dmitry Soin, Ukraine có thể liên hợp cùng Moldova phát động một hành động quân sự nhằm vào Transnistria để bù đắp cho những thất bại trong chiến dịch phản công trước Nga.
Vị chuyên gia cho rằng Kiev muốn sử dụng khả năng chiến thắng tại Transnistria để làm đòn bẩy trong thương lượng vũ khí với phương Tây.
"Việc nhắm vào Transnistria sẽ mở rộng mặt trận chống Nga thêm vài trăm km. Sau đó, Moldova sẽ tham gia. Trong bối cảnh các hoạt động thù địch diễn tiến mạnh, nhóm tác chiến gồm nhóm hoạt động của Nga (canh gác kho vũ khí), lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, công dân Nga và lực lượng vũ trang Transnistria sẽ ở tâm chấn. Đây sẽ là nút thắt địa chính trị rất nghiêm trọng cần được cắt bỏ hoặc tháo gỡ" – Ông Soin cho hay.
Hiện tại, TASS cho biết, Nga đang triển khai 1.500 binh sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Transnistria và canh gác kho chứa 20.000 tấn đạn dược mà Liên Xô để lại sau khi rút quân khỏi châu Âu.
Trong khi đó, Tsargrad TV ngày 5/12 dẫn nguồn từ kênh Telegram "Rezident" thân Nga cho biết, tính tới thời điểm đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận về vấn đề Transnistria được 1 tuần, đồng thời sẵn sàng đặt cược cho cuộc xung đột với Nga.
Theo Rezident, người đứng đầu Cục Tình báo Ukraine Kyrylo Budanov đã đưa ra báo cáo về tình hình tại cuộc họp của Bộ chỉ huy quân sự ở Kiev. Ông Budanov đề cập tới sức mạnh của Moscow trong khu vực và lưu ý rằng quân đội Nga có quân số dự bị từ 20.000 - 40.000 binh sĩ ở Transnistria.
1.500 lính Nga sẽ rơi vào 'tâm chấn' nếu Moldova và Ukraine liên hợp tấn công Transnistria. Ảnh: Tsargrad TV
Nga làm gì để ứng phó?
Bình luận trên Đài phát thanh Komsomolskaya Pravda (Nga), chuyên gia quân sự - cựu diễn giả của lực lượng vũ trang Donetsk Eduard Basurin cho rằng, cách đơn giản nhất để Nga ngăn chặn Ukraine tấn công Transnistria là chiếm giữ Odessa bởi nếu mất vùng này, lực lượng vũ trang Ukraine không có cách nào để tiến vào Transnistria.
"Họ (Ukraine) có một lựa chọn khác là đi qua vùng núi Carpathian, nhưng việc tiến vào từ phía bắc sẽ lâu hơn và khó khăn hơn nhiều" – Ông Basurin nói.
Khi được hỏi liệu lực lượng vũ trang Ukraine có nghĩ tới phương án tấn công vào kho đạn dược ở Transnistria rồi đổ lỗi cho Nga về mọi chuyện hay không, ông Basurin cho rằng Kiev "khó có thể làm được điều đó".
"Những quả đạn ở đó phần lớn không còn hữu dụng nữa. Tất nhiên, nếu kho phát nổ, chúng ta vẫn khó lòng tưởng tượng được sức công phá sẽ tới mức nào – như vụ giội bom Hiroshima hoặc hơn thế nữa. Song, sẽ thật ngu ngốc nếu đổ lỗi cho Nga bởi điều đó không thể chứng minh được gì" – Ông Basurin nêu quan điểm.
Song vị chuyên gia lưu ý rằng, nếu cuộc chiến ở Transnistria bùng nổ lúc này, Nga khó lòng can thiệp bởi không thể đổ bộ đường không, khu vực này cũng không có biển.