Đầu tuần này, một hãng tin của Anh dẫn các nguồn thạo tin cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland đã bay tới Đan Mạch ngày 24 và 25/6 để tổ chức một cuộc họp không chính thức với các quan chức từ các quốc gia không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, trong đó có Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và có thể là Trung Quốc để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ đô Kiev của Ukraine. Ảnh: Sergei Supinsky
"Một cuộc họp quan trọng với các cố vấn ở Copenhagen. Tôi đã đề xuất các địa điểm có thể trở thành nơi tiềm năng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình. Đầu tiên tôi đưa ra Ukraine là lựa chọn mong muốn nhất của chúng tôi. Dù vậy, nhiều quốc gia bày tỏ sẵn sàng tổ chức Thượng đỉnh này, trong đó có các địa điểm quốc tế như trụ sở của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc", ông Andriy Yermak viết trên kênh Telegram của mình.
Ông cho biết cuộc gặp tại Copenhagen có sự tham gia của các cố vấn an ninh và chính trị từ Brazil, Canada, Đan Mạch, EU, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Ukraine, Saudi Arabia, Nam Phi, Anh, Mỹ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết các bên đã nhất trí sẽ tiếp tục hình thức tham vấn này.
Ngày 1/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận một Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận về kế hoạch hòa bình của ông đang được chuẩn bị, đồng thời nói rằng ông muốn những cuộc thảo luận này có sự tham gia của nhiều nước nhất có thể. Ông Zelensky đã công bố sáng kiến hòa bình 10 điểm vào tháng 11, trong đó bao gồm việc trao đổi toàn bộ tù binh với Nga, các đảm bảo an ninh cho Ukraine và điều kiện quay về tình trạng biên giới trước năm 2014.
Đầu tháng 6, một nguồn tin ở Moscow nhận định với Sputnik rằng Hội nghị Thượng đỉnh mà ông Zelensky đang cố gắng tổ chức sẽ không đưa ra một giải pháp thực sự mà chỉ giống như "công thức hòa bình" của ông. Nguồn tin này cho biết các bên tham gia vào sự kiện này sẽ tự động trở thành bên ủng hộ việc kéo dài cuộc xung đột hiện nay.
Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh nước này sẵn sàng đàm phán nhưng Kiev đã cấm đàm phán với Tổng thống Putin. Nga cho rằng, phương Tây hối thúc nước này tham gia cùng với Ukraine vào tiến trình giải quyết xung đột, nhưng cùng lúc lại "nhắm mắt làm ngơ" trước việc Kiev từ chối thảo luận về các lựa chọn hòa bình. Moscow cũng khẳng định, trong tương lai gần, mục tiêu của chiến dịch quân sự chỉ có thể đạt được qua các công cụ quân sự, đồng thời dẫn ra rằng hiện đang thiếu các điều kiện tiên quyết để đàm phán hòa bình.