Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm New York năm 2019. Ảnh: AFP
Theo trang tin Politico.eu ngày 9/11, ngày càng có nhiều lo ngại rằng kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sự ủng hộ đối với Ukraine.
Các quan chức và nghị sĩ Ukraine đang theo dõi chặt chẽ kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ với lo lắng rằng việc đảng Cộng hòa chiếm ưu thế tại Quốc hội Mỹ sẽ làm giảm sự ủng hộ của Washington cho Kiev.
“Chúng tôi hy vọng rằng Ukraine không trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh đảng phái đang diễn ra lúc này ở Mỹ. Đó là nỗi sợ hãi, bởi vì chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ không chỉ của Mỹ mà còn vào sự lãnh đạo của Washington trong việc duy trì nỗ lực chung của các quốc gia khác”, Ivanna Klympush-Tsintsadze, cựu Phó Thủ tướng Ukraine và hiện là nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Ukraine, nói.
Politico lưu ý rằng nếu đảng Cộng hòa giành được một hoặc cả hai viện của Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ, viện trợ quân sự trong tương lai cho Ukraine "có thể bị cuốn vào cuộc tranh cãi nội bộ của đảng Cộng hòa về chi tiêu liên bang vốn đã xuất hiện trong những tháng gần đây".
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene từng nói: “Dưới thời đảng Cộng hòa, không một xu bổ sung sẽ được chuyển đến Ukraine”, trong khi Hạ nghị sĩ Matt Gaetz của bang Florida cũng đề xuất viện trợ sẽ bị cắt hoàn toàn.
Quan điểm này dường như nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của đảng Cộng hòa. Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, vào tháng 3, chỉ 6% đảng viên Cộng hòa nói rằng Mỹ đã làm quá nhiều để giúp Ukraine, nhưng hiện nay con số này đã lên đến 48%.
Tuy nhiên, Mykhailo Podolyak, cố vấn của văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhận định bất kể kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ như thế nào, Kiev “tự tin” rằng sự ủng hộ đối với Ukraine sẽ vẫn được duy trì trong cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đã lên tiếng đoàn kết với Ukraine và lập trường này sẽ vẫn là "sự phản ánh ý chí của người dân Mỹ", ông Podolyak lưu ý.
Theo ông Podolyak, Ukraine tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề quan trọng về hỗ trợ quốc phòng, đặc biệt là mở rộng năng lực của hệ thống phòng không, hỗ trợ tài chính, tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moskva.
Về phần mình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin cũng cho rằng hỗ trợ quân sự và tài chính của Mỹ cho Kiev sẽ tiếp tục sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Ông Klimkin nêu rõ: "Tôi không thấy có nhiều nghị sĩ trong đảng Cộng hòa kêu gọi cắt viện trợ", nhưng thừa nhận rằng sau cuộc bầu cử thủ tục để Quốc hội Mỹ xem xét viện trợ cho Ukraine có thể trở nên phức tạp hơn.
Theo ông Klimkin, lập trường của Washington đối với Kiev là “quan trọng” đối với Mỹ ngoài cuộc xung đột ở Ukraine - “không chỉ đối với Nga, mà còn đối với cách mà Mỹ sẽ được Trung Quốc nhìn nhận”.
Đối với Ukraine, ông Klimkin cho biết "rủi ro thực sự" là cuộc tranh luận đang diễn ra ở Washington ở cả hai đảng về thực tế rằng "Mỹ đang hỗ trợ cho Ukraine nhiều hơn cả châu Âu". Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ đã nâng tổng số cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo lên hơn 52 tỷ euro, trong khi các quốc gia và tổ chức EU chỉ đạt hơn 29 tỷ euro cho Ukraine.
“Mỹ hiện đang cam kết viện trợ nhiều hơn gần gấp đôi so với tất cả các quốc gia và tổ chức EU cộng lại. Điều này cho thấy sự viện trợ ít ỏi của các quốc gia châu Âu, đặc biệt là khi nhiều cam kết của họ bị chậm trễ kéo dài”, ông Christoph Trebesch, người đứng đầu nhóm theo dõi hỗ trợ Ukraine của Viện Kiel nhận xét.
Nếu đảng Cộng hòa chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ, một lo lắng khác là nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ, Ukraine nguy cơ sẽ trở thành vấn đề thứ yếu trong chương trình nghị sự chính sách của châu Âu, mất đi sự ủng hộ mà Ukraine cần - bà Klympush-Tsintsadze lưu ý.