Xung đột Nga – Ukraine không còn là tâm điểm
Theo tờ Insider, Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của phương Tây kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, bắt đầu một cuộc chiến kéo dài hơn nhiều so với dự đoán của phần đông mọi người.
Cuộc phản công của Ukraine phát động vào tháng 6/2023 cũng tiến triển chậm hơn mong đợi, bất chấp nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây.
Cuộc phản công của Ukraine phát động vào tháng 6/2023 cũng tiến triển chậm hơn mong đợi, bất chấp nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây. Ảnh: Getty
Đến đầu tháng 10, các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã giảm sút trong lưỡng đảng Mỹ, một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Kiev.
Triển vọng viện trợ trong tương lai của Mỹ dành cho Ukraine thậm chí trở nên mờ mịt hơn khi vào ngày 7/10, lực lượng Hamas đã đột kích vào lãnh thổ Israel, dẫn tới các cuộc trả đũa và tấn công trên quy mô lớn nhằm vào Gaza của Israel.
Xung đột Israel - Hamas kể từ đó đã thống trị truyền thông và thu hút sự chú ý của nhiều người ở Washington. Nora Bensahel - giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins và là chuyên gia về chính sách quốc phòng và hoạt động quân sự của Mỹ - nói với Insider rằng, người Ukraine và các đồng minh của họ lo ngại rằng sự tập trung vào Gaza có thể rút nguồn lực ra khỏi cuộc chiến của họ.
"Sự tập trung vào Gaza sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn khi Israel bắt đầu một cuộc tấn công trên bộ, không phải tất cả nhưng vì cuộc khủng hoảng nhân đạo ghê gớm sẽ xảy ra sau đó", giáo sư Bensahel cho biết hôm 27/10, ngay vào thời điểm Israel triển khai cuộc tấn công Gaza bằng đường bộ.
Khả năng Hạ viện Mỹ ủng hộ viện trợ Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã yêu cầu Quốc hội nước này thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 105 tỷ USD, chủ yếu dành cho Israel và Ukraine, nhưng không rõ liệu nó có được thông qua hay không, phần lớn do một tin xấu khác mà Kiev nhận được gần đây: Chủ tịch mới của Hạ viện Mỹ là nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Johnson.
Giáo sư Bensahel nói: "Nếu tôi là người Ukraine, tôi cũng lo ngại về chủ tịch mới của Hạ viện, vì ông Johnson là một trong những đảng viên Cộng hòa cực hữu đã bỏ phiếu hạn chế viện trợ cho Ukraine."
Theo Insider, ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào ngày 25/10 sau khi người tiền nhiệm Kevin McCarthy bị bãi miễn. Ông đưa ra tín hiệu vẫn sẵn sàng viện trợ bổ sung cho Kiev, bất chấp sự do dự của một số người trong đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, trong quá khứ, ông Johnson từng bỏ phiếu cùng với thiểu số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện để phản đối viện trợ bổ sung. Nhóm vận động ủng hộ Ukraine của đảng Cộng hòa đã cho ông điểm "F" (rất thấp) về việc ủng hộ Ukraine.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Johnson vừa được bầu vào vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Ảnh: AFP
Theo Insider, trong khi yêu cầu viện trợ cho Ukraine của Tổng thống Biden dường như nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm đa số, thì điều này lại không chắc chắn ở Hạ viện, nơi một số đảng viên Cộng hòa cảnh giác với gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Được cho là để làm hài lòng những thành viên đó, ông Johnson ngày 30/10 đã công bố dự luật viện trợ cho Israel 14,3 tỷ USD bằng cách cắt giảm nguồn tiền cho Sở Thuế vụ (IRS). Tân Chủ tịch Hạ viện tuyên bố muốn "tách riêng thành 2 phần" viện trợ cho Israel và Ukraine, động thái trực tiếp đi ngược lại kế hoạch của Nhà Trắng là gắn kết hai vấn đề này.
Tuy nhiên, Nhà Trắng ngày 31/10 ra thông báo, Tổng thống Biden sẽ phủ quyết dự luật của đảng Cộng hòa về cung cấp viện trợ cho Israel mà không cung cấp cho Ukraine, kể cả khi dự luật này được thông qua ở cả hai viện Quốc hội. Văn phòng Quản lý và ngân sách của Nhà Trắng cho biết, dự luật này đi ngược với gói an ninh quốc gia của ông Biden vì không đề cập đến cung cấp viện trợ cho Ukraine, trong khi đây là yêu cầu khẩn cấp.
Những tin xấu tiềm tàng khác
Theo Insider, một tin xấu tiềm tàng khác đối với Kiev là Quốc hội Mỹ sẽ tìm cách tránh việc chính phủ sắp đóng cửa vào ngày 17/11. Chính phủ Mỹ đã tránh được việc đóng cửa một phần vào cuối tháng 9 bằng cách loại bỏ viện trợ bổ sung cho Ukraine khỏi dự luật chi tiêu.
Simon Miles - trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách công Sanford của Đại học Duke (Mỹ), đồng thời là nhà sử học về Liên Xô và quan hệ Mỹ-Xô - nói với Insider rằng, khi chiến sự kéo dài, có thể còn có nhiều vấn đề hơn nữa đối với Kiev trong tương lai. Ukraine có thể phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong vòng một năm tới, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2024.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump có thể sẽ lại một lần nữa là đối thủ của nhau trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào năm tới. Ảnh: AFP
Ông Miles nói: "Nếu [cựu Tổng thống] Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ thì sẽ là một tin xấu đối với Ukraine và tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét nghiêm túc khả năng cuộc xung đột này sẽ không được giải quyết vào thời điểm đó."
Nếu điều đó xảy ra, ngoài việc cắt viện trợ, Mỹ cũng có thể đặt ra giới hạn về số lượng vũ khí do Mỹ sản xuất mà các nước châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine từ kho dự trữ của chính họ.
Ông Miles nói: "Tôi không nghĩ đó sẽ là dấu chấm hết cho khả năng kháng cự của Ukraine, nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi tính chất của cuộc xung đột."
Hữu Hiển