Ukraine hẹp cửa phản công khi Nga giăng thế trận phòng thủ

Hồng Anh |

Các quan chức Ukraine kỳ vọng, cuộc phản công vào mùa xuân sẽ là bước ngoặt lớn giúp Kiev giành lại các vùng lãnh thổ đã mất đồng thời mang lại cho Ukraine và phương Tây đòn bẩy quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Chưa có dấu hiệu cho thấy Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc phản công này dù mùa xuân sắp kết thúc. Còn Nga đang nỗ lực củng cố tuyến phòng thủ ở phía Đông. Hiện cả hai bên đang rơi vào tình thế bế tắc trên chiến trường.

Cánh cửa cơ hội với Ukraine thu hẹp dần

Trả lời phỏng vấn Washington Times, các quan chức trong chính phủ Mỹ cho biết, mục tiêu bao trùm của nước này vẫn là đưa Ukraine vào vị thế đàm phán mạnh nhất với Nga, đồng thời khẳng định bất cứ cuộc đàm phán cũng cần phải diễn ra theo các điều khoản và thời gian phù hợp với Ukraine.

Phương Tây cho rằng, cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine – bắt nguồn từ chiến dịch mùa thu năm 2022 nhằm đẩy lùi các lực lượng Nga ra khỏi phía Đông và phía Nam, sẽ là dấu ấn quan trọng nhằm thay đổi cục diện xung đột theo hướng có lợi cho Kiev.

Hy vọng lớn hơn của họ là Ukraine có thể đẩy lùi hoàn toàn Nga ra khỏi lãnh thổ và khiến Điện Kremlin phải chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhưng các nhà phân tích lưu ý, Ukraine cùng với các đối tác phương Tây có thể phải chờ đợi cho đến khi mặt đất cứng hơn và khả năng di chuyển dễ dàng hơn.

Nhưng nếu cuộc phản công của Ukraine không diễn ra hoặc thất bại, tình hình trên thực địa cũng như thái độ của Washington hoặc các quốc gia khác trên khắp châu Âu có thể thay đổi nhanh chóng.

Khi đó, Ukraine sẽ không còn nhiều lựa chọn, đồng thời phải đối mặt với áp lực của phương Tây chấm dứt giao tranh và chấp nhận nhượng bộ một số vùng lãnh thổ cho Nga.

Ông Jim Townsend – cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách châu Âu và NATO cho rằng: "Thực tế sẽ quyết định điều gì thực sự xảy ra. Nếu Ukraine tiến hành cuộc phản công thất bại hoặc không giành được nhiều lợi ích, thì chính phủ Mỹ có thể sẽ không đề nghị họ theo đuổi các cuộc đàm phán".

"Đây giống như một trò chơi về thời gian, không gian và ý chí chính trị. Chính quyền sẽ không can thiệp và không đưa ra bất cứ yêu cầu nào vì tất cả đều do bên khác quyết định chứ không phải họ", ông Townsend nói.

Trong những ngày đầu xung đột, các quan chức trong chính quyền đã nói đến cách cuộc xung đột có thể kết thúc trên bàn đàm phán. Họ cho rằng Ukraine cần có một vị thế thương lượng thuận lợi khi đàm phán diễn ra.

Thế nhưng, các cuộc thảo luận công khai về đàm phán Nga-Ukraine đã trở nên im ắng hơn trong 9 tháng qua, đặc biệt là sau khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công lớn vào mùa thu năm 2022 để giành các thành phố quan trọng là Kharkov và Kherson.

Ở thời điểm đó, phương Tây dường như đã thay đổi tính toán vì cho rằng, hy vọng về việc Ukraine giành chiến thắng không phải điều quá xa vời.

Mỹ nhiều lần khẳng định lập trường của nước này đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine không thay đổi. Trong các cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Ukraine, các quan chức Mỹ cho biết, trọng tâm của họ là cung cấp sự hỗ trợ chứ không phải buộc Kiev tiến đến bàn đàm phán hoặc đề xuất các điều khoản cụ thể cho thỏa thuận hòa bình.

Ukraine hẹp cửa phản công khi Nga giăng thế trận phòng thủ - Ảnh 3.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa nhằm vào các vị trí của Nga trên tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

Trận chiến mang tính bước ngoặt

Giới chức Ukraine cho biết, họ vẫn đang thực hiện các bước đi cần thiết cho một cuộc phản công lớn. Phát biểu với hãng tin RBC-Ukraine, ông Kyrylo Budanov - Giám đốc Tình báo quân đội Ukraine nói rằng:

“Chúng tôi đang tiến đến một trận chiến mang tính bước ngoặt trong lịch sử Ukraine. Thời điểm trận chiến bắt đầu vẫn là điều bí mật. Nhưng mọi người đều hiểu chúng ta đang tiến gần hơn đến thời khắc quyết định”.

Trong khi đó, Nga dường như đang chuẩn bị ứng phó với cuộc phản công tiềm tàng của Ukraine. Quân đội Nga đã ngừng tiến công trên khắp miền Đông và miền Nam Ukraine, ngoại trừ Bakhmut, đồng thời tập trung củng cố tuyến phòng thủ tại những khu vực mà nước này đang kiểm soát bằng cách mở rộng chiến hào, xây thêm nhiều công sự, bẫy mìn.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, sự thay đổi về chiến lược của Nga đã mang lại hiệu quả. Theo đánh giá của tình báo Anh, con số thương vong trung bình của Nga mỗi ngày đã giảm từ 776 người vào tháng 3 xuống còn 568 người vào tháng 4.

Trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, nhiều quan chức trong chính quyền Biden cho rằng, Ukraine có thể chưa đủ nhân lực và vũ khí để đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ trong cuộc phản công tới.

Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhận định: “Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và rất khó khăn. Hiện có hàng trăm nghìn người Nga vẫn ở các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát”.

Trong khi đó, tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đưa ra những đánh giá ít triển vọng về cơ hội đột phá của cuộc phản công mùa xuân.

Các tướng lĩnh Ukraine vẫn chưa tiết lộ mục tiêu cụ thể hoặc địa điểm diễn ra cuộc phản công. Một số chuyên gia cho rằng, Kiev nhiều khả năng sẽ phát động cuộc phản công ở hướng Đông, tại Donbass, hay tạo ra đòn nhử hướng tới Biển Azov ở phía Nam, cắt đứt cây cầu nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.

Một cuộc tấn công của Ukraine ở phía Nam, trong khu vực Zaporizhzhia, nếu thành công sẽ chia vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát làm 2 phần, đặt Crimea, căn cứ hải quân Nga ở Sevastopol và cầu Kerch trong tầm ngắm của pháo binh Ukraine.

Nhưng Crimea là một trong những khu vực được Nga phòng thủ mạnh mẽ nhất. Các quan chức quân sự Mỹ cho rằng, việc giành quyền kiểm soát bán đảo này là điều cực kỳ khó khăn đối với Ukraine, ngay cả khi họ có thể đẩy lùi các lực lượng Nga ra khỏi Donbass.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại