Hệ thống pháo phản lực HIMARS. Ảnh: AP
"Khi UAV phát hiện ra tổ hợp pháo giả này, nó trông như một mục tiêu quan trọng", một quan chức Ukraine bình luận khi nói về việc UAV Nga phát hiện ra các mô hình hệ thống pháo tầm xa làm mồi nhử này.
Theo quan chức cấp cao Ukraine, sau một vài tuần xuất hiện trên thực địa, các mồi nhử đã đánh lừa ít nhất 10 tên lửa hành trình Kalibr. Đây là một thành công ban đầu khiến Ukraine mở rộng sản xuất các mô hình này để sử dụng rộng rãi hơn.
Việc sử dụng mô hình các hệ thống phóng tên lửa là một trong nhiều chiến thuật bất đối xứng được Ukraine sử dụng để đối phó với quân đội Nga, vốn hơn hẳn về lực lượng và trang thiết bị quân sự. Trong những tuần gần đây, quân đội Ukraine tăng cường tấn công vào hệ thống đường sắt và mạng lưới điện tại các khu vực Nga kiểm soát, gây ra một số vụ nổ tại các kho đạn dược của Moscow.
Việc phá hủy các mô hình vũ khí của Ukraine được cho là chiếm một phần trong số những mục tiêu mà Nga tuyên bố đã tiêu diệt, trong đó có hệ thống pháo phản lực HIMARS.
Một nhà ngoại giao Mỹ cho biết, số lượng hệ thống HIMARS mà Nga tuyên bố đã phá hủy thậm chí còn nhiều hơn số lượng vũ khí mà Washington cung cấp.
Những nỗ lực của Ukraine nhằm bảo vệ hệ thống pháo phản lực HIMARS đã cho thấy tầm quan trọng của chúng trên chiến trường. Phương Tây và Ukraine cho rằng hệ thống HIMARS đã làm chậm đà tiến công của Nga ở phía Đông và phía Nam Ukraine bởi nhờ có hệ thống này, Ukraine có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 80km, phá hủy nhiều mục tiêu giá trị cao của Nga, trong đó có các tuyến hậu cần, kho đạn dược và các trung tâm hỗ trợ, các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Chiến thuật của Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã yêu cầu quân đội Nga ưu tiên tiêu diệt các hệ thống pháo tầm xa của Ukraine sau khi chúng phá hủy những tuyến hậu cần quan trọng của Nga.
Gần như mỗi tuần, ông Shoigu và các quan chức quốc phòng Nga đều thông báo đã tấn công thành công các hệ thống pháo do phương Tây cung cấp. Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã cung cấp 16 hệ thống HIMARS cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Bên cạnh đó, Washington cũng cung cấp cho Kiev các hệ thống tên lửa phóng loạt M270 có chức năng tương tự. Hiện khó có thể xác minh có bao nhiêu hệ thống đang vận hành ở Ukraine và có bao nhiêu hệ thống bị phá hủy.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS ở phía Đông Ukraine ngày 1/7. Ảnh: Washington Post
Trong cuộc chiến pháo binh kéo dài, việc tìm ra cách làm tiêu hao kho tên lửa của Nga có ý nghĩa vô cùng quan trọng với lực lượng Ukraine, vốn lép vế hơn về nhiều mặt.
Các quan chức quốc phòng Mỹ nhận định, kho tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đang ở mức thấp và việc Mỹ hạn chế xuất khẩu vi mạch đang gây khó khăn cho Nga trong việc bổ sung kho đạn dược của mình, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách Colin Kahl nhận định hồi đầu tháng này.
Một lợi thế khác khi Ukraine sử dụng các mô hình vũ khí là chúng khiến Nga phải hành động thận trọng hơn, cũng như di chuyển các kho đạn dược và bốt chỉ huy của mình ra xa tiền tuyến hơn để nằm ngoài tầm bắn của HIMARS.
"Việc tái tổ chức các nguồn lực sẽ làm suy giảm khả năng của Nga trong việc tập trung pháo binh - một chiến thuật mà họ từng áp dụng để đạt được thành quả ở phía Đông Ukraine", George Barros - nhà nghiên cứu quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một think tank có trụ sở ở Washington đánh giá.