Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) đang phải đối mặt với một tình huống bất thường khi quân đội của họ sẽ nhận được nhiều xe tăng hạng nặng chủ lực của phương Tây, mỗi chiếc lại cần một cách tiếp cận đặc biệt.
Trong tương lai, AFU sẽ trở thành chủ sở hữu của 3 mẫu xe tăng khác nhau: M1 Abrams, Leopard 2 và Challenger 2, điều này gây ra nhiều thách thức về đảm bảo hậu cần - kỹ thuật.
Nhà báo Michael Peck viết: "Xe tăng do phương Tây sản xuất hướng tới Ukraine là tín hiệu tích cực, nhưng điều này đặt ra những thách thức lớn cho Kyiv".
Đầu tiên, có vấn đề với nhiên liệu. Thực tế là M1 Abrams sử dụng động cơ turbine khí Honeywell mạnh mẽ, nó chỉ hoạt động tốt nhất bằng nhiên liệu phản lực JP-8, trong khi hầu hết các xe tăng hiện đại đều dùng dầu diesel.
"Turbine khí Honeywell mang lại cho Abrams khả năng tăng tốc nhanh chóng trong khi vẫn giữ được độ yên tĩnh đáng kể. Nhưng cái giá phải trả là mức tiêu thụ nhiên liệu khủng khiếp," ấn phẩm Business Insider cho biết và nhấn mạnh: "Điều này có nghĩa là 31 xe tăng Mỹ sẽ phải có một nguồn cung cấp nhiên liệu riêng".
Xe tăng M1 Abrams mạnh mẽ nhưng không dễ để duy trì tình trạng kỹ thuật.
Thứ hai là vấn đề với việc cung cấp đạn dược. Ví dụ, những chiếc Challenger 2 của Anh được trang bị pháo nòng xoắn L-30 120mm, trong khi hầu hết các xe tăng đều dùng loại nòng trơn.
Nhà phân tích lưu ý rằng chiến xa của Anh có thể bắn đạn phân mảnh có đầu nổ mạnh (HESH), nhưng do pháo khác biệt nên xe tăng Challenger 2 sẽ phải được chăm sóc riêng.
"Đạn HESH đặc biệt phù hợp, nhưng điều này có nghĩa là Challenger cần một loại đạn khác với Abrams và Leopard. Cũng có một điều bất thường là đạn của pháo L-30 bao gồm hai phần (thuốc nổ và liều phóng) chứ không phải liền khối".
"Mặc dù điều này mang lại một số lợi thế về an toàn và cất giữ, nhưng các pháo thủ và người nạp đạn của Ukraine sẽ phải học các quy trình mới để sử dụng chúng", ông Michael Peck nói.
Nói về Leopard 2 của Đức, tác giả nhớ lại rằng những chiếc xe tăng này không thể hiện tốt khi tham gia các trận chiến chống khủng bố vào năm 2016. Sau đó, Lữ đoàn xe tăng số 2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất ít nhất 10 phương tiện trong trận chiến giành thành phố Al-Bab của Syria. Hơn nữa, các chiến binh đã gây ra thiệt hại chính bằng vũ khí chống tăng tự chế.
Ngoài ra, AFU cần phải quan tâm đến vấn đề bảo dưỡng xe tăng: "Quân đội Đức, từ lâu đã phải vật lộn với vấn đề về sự sẵn sàng và phụ tùng thay thế, họ chỉ có 350 chiếc Leopard 2, không còn nhiều cho Ukraine".
"Nhà sản xuất Leopard Rheinmetall có 22 chiếc Leopard 2 và 88 chiếc Leopard 1 cũ hơn trong kho, nhưng chúng không thể tái sử dụng cho đến ít nhất là năm 2024", chuyên gia người Mỹ kết luận.