Su-24 của Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật số 7 chuẩn bị cất cánh, tháng 1/2022. Ảnh: Defense Express
Ngày 21/12/2022, Lầu Năm Góc công bố danh sách gói viện trợ quân sự mới trị giá hơn 1,8 tỷ USD dành cho Ukraine. Đặc biệt, danh sách này bao gồm bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM). Số lượng bom được lên kế hoạch chuyển giao và cỡ nòng của chúng không được tiết lộ.
Về mặt kỹ thuật, JDAM đề cập đến một thiết bị được gắn vào bom dòng Mark-80 của quân đội Mỹ và biến nó thành vũ khí dẫn đường bằng GPS.
Đầu nổ của Mark-80 được thiết kế để dễ dàng lắp nhiều loại đuôi và ngòi nổ khác nhau để sử dụng trong nhiều tình huống. Trong nhiều thập kỷ, nhiều loại thiết bị "đính kèm" đã được sử dụng với nó, phục nhiều mục đích như để ném bom tầm thấp, biến chúng thành mìn trên bộ và trên biển, và cuối cùng thành nhiều loại vũ khí dẫn đường khác nhau.
Kể từ lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu vào cuối những năm 1990, JDAM đã được cải tiến và các khả năng mới đã được bổ sung. Chúng có thể hoạt động với nhiều loại ngòi nổ giúp kiểm soát việc chúng sẽ phát nổ ở đâu: trong không trung, trên mặt đất hay sau khi chui xuống đất. Một phiên bản còn có thêm cánh mở ra sau khi quả bom được thả xuống, cho phép nó bay xa hơn 60 km hướng tới mục tiêu.
Bom dẫn đường thả từ trên không JDAM. Ảnh mã nguồn mở
Nhưng thách thức với Ukraine lúc này lại nằm ở một vấn đề hoàn toàn khác: Không quân Ukraine sẽ sử dụng JDAM như thế nào với phi đội máy bay thời Liên Xô gồm các loại MiG-29 và Su-27, Su-25 và Su-24.
Có thể giả định rằng sẽ có một số "nâng cấp" được đặt hàng dành riêng cho bộ JDAM gắn lên những quả bom thả trên không từ máy bay thời Liên Xô. Nhưng không, theo tờ New York Times, các lực lượng vũ trang Ukraine vẫn sẽ nhận được bộ JDAM ở phiên bản tiêu chuẩn, gắn vào bom thả trên không dòng Mark 80 (gồm 4 loại có trọng lượng 250, 500, 1000 và 2000 pound). Tờ báo cũng cho rằng việc điều chỉnh các máy bay Ukraine phù hợp với các loại bom như vậy sẽ diễn ra giống như với tên lửa AGM-88 HARM.
Giải pháp về cách gắn JDAM vào máy bay của Ukraine đã được tìm ra bởi một nhóm chung gồm các chuyên gia của Không quân và Vệ binh Quốc gia Mỹ được gọi là "Đội Sói xám" đóng tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.
Máy bay cường kích Su-25 của Không quân Ukraine
Các chuyên gia Mỹ đã đề xuất một giải pháp công nghệ khá đơn giản gồm hai tính năng chính mà tờ New York Times đã mô tả bằng một cụm từ trong phim "Apollo-13" - "đặt một cái chốt vuông vào một lỗ tròn".
Ở tính năng đầu tiên, để thả JDAM vào mục tiêu, phi công cần nhập các dữ liệu – về vị trí của mục tiêu cũng như tốc độ và vị trí của chính máy bay tác chiến – vào quả bom trong suốt chuyến bay. Để có thể nhập dữ liệu như vậy vào quả bom, cần có một giá treo "thông minh". Đó là lý do tại sao các chuyên gia Mỹ đề xuất sử dụng giá treo LAU-118/A mà ngày nay được sử dụng để bắn tên lửa AGM-88 HARM từ máy bay MiG-29 thời Liên Xô.
Tính năng thứ hai là về cách phi công sẽ hướng quả bom vào mục tiêu. Trên thực tế, phần mềm cần thiết đã được quân đội Mỹ phát triển cách đây 10 năm. Phần mềm này cho phép sử dụng vũ khí dẫn đường do Mỹ sản xuất trên máy bay "do nước ngoài sản xuất", nó có thể được cài đặt trên máy bay bằng máy tính xách tay có gắn thiết bị GPS. Ngày nay, theo New York Times, người ta có thể sử dụng máy tính bảng di động cho mục đích đó và đặt nó bên trong buồng lái.
Tên lửa AGM-88 HARM gắn trên MiG-29 của Không quân Ukraine vào tháng 9/2022. Ảnh nguồn mở
Nhưng tại sao Mỹ lại phải chờ đợi khá lâu rồi mới cung cấp những quả bom này cho Ukraine? Câu trả lời là: Các bộ JDAM không được thiết kế để sử dụng với bom thả từ trên không do Liên Xô sản xuất, và vì vậy máy bay do Liên Xô sản xuất của Ukraine cũng không có khả năng sử dụng đạn dược do phương Tây sản xuất. Thiết bị điện tử trên máy bay Ukraine không thể "giao tiếp" với JDAM để chỉ định mục tiêu và phóng nó.
Mặc dù Mỹ đã có kinh nghiệm trước đó trong việc điều chỉnh MiG-29 của Ba Lan để mang bom phương Tây, nhưng họ đã phải thay đổi hoàn toàn tất cả các thiết bị trên máy bay để đạt được điều đó. Nhưng Mỹ không có thời gian để làm điều này với máy bay Ukraine.
Minh họa máy bay MiG-29 phóng tên lửa AGM-88 HARM. Ảnh: Defense Express
Các giá treo của Liên Xô không phù hợp ngay cả với những quả bom không điều khiển của phương Tây.
Ví dụ, bom trên không do Mỹ sản xuất có hai phần nhô ra bằng thép cho phép cố định chặt quả bom vào các nút treo, đồng thời cung cấp khả năng "đẩy" bom nhanh chóng sau khi nhấn nút "Thả". Nhưng không có thiết bị như vậy trên bom thả từ trên không do Liên Xô sản xuất.
Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này đã được giải quyết khá nhanh chóng sau khi họ nghĩ ra giá treo "ngẫu hứng" cho tên lửa HARM và ý tưởng này hóa ra lại thành công. Đó cũng là cú hích mà Ukraine cần để thuyết phục Mỹ cung cấp JDAM.