Kể từ khi thay đổi chiến thuật theo hướng tăng cường các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine, Nga tích cực sử dụng 2 loại vũ khí chính: tên lửa hành trình tầm xa và máy bay không người lái kamikaze (UAV cảm tử).
Cả 2 đều là các vật thể bay có thể lao vào mục tiêu và phát nổ, nhưng chúng dấy lên những mối đe dọa khác nhau.
Mảnh vỡ mà giới chức Ukraine cho là của mẫu UAV cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất. Mảnh vỡ được phát hiện sau cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở dự trữ nhiên liệu của Ukraine ở Kharkiv ngày 6/10. Ảnh: Reuters
Với tên lửa, mỗi quả có giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD. Chúng có thể bay với tốc độ cao, khó bắn hạ và mang theo khối chất nổ lớn.
Nhưng hiện giờ mối đe dọa lớn hơn với Ukraine lại đến từ UAV. Chúng có kích thước nhỏ gọn, tốc độ bay chậm và dễ dàng bắn hạ, nhưng lại có khả năng tấn công ồ ạt theo kiều “bầy đàn”.
Thách thức từ tên lửa
Nga có thể đã sử dụng số tên lửa có trị giá hàng trăm triệu USD chỉ riêng trong ngày 10/10, khi Tổng thống Putin nói về chiến thuật mới với các cuộc không kích lớn nhất kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2.
Tên lửa Kalibr của Nga được cho là có thể đạt độ cao 2.000km, lao vào mục tiêu với tốc độ gấp vài lần âm thanh. Loại tên lửa này mang được đầu đạn nặng hơn 400kg, có thể mang cả đầu đạn hạt nhân.
Chúng được thiết kế nhằm phá hủy các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ, các mục tiêu quân sự có giá trị cao như tàu chiến hay trung tâm chỉ huy của đối phương. Bắn hạ chúng đòi hỏi phải có các hệ thống phòng không phức tạp. Tuy nhiên các hệ thống này phù hợp nhất là để bảo vệ các mục tiêu đặc biệt và quan trọng chứ không phải bảo vệ một khu vực rộng lớn.
Kiev tuyên bố đã bắn hạ hơn một nửa số tên lửa mà Nga phóng vào Ukraine trong những tuần qua. Tuy nhiên, đợt nã tên lửa của Nga hôm 10/10 đã gây mất điện trên diện rộng trên khắp Ukraine.
Dù các nhà phân tích phương Tây không biết chính xác Nga còn bao nhiêu tên lửa, nhưng nguồn cung hạn chế khiến việc tiếp tục các cuộc tấn công như vậy trên quy mô lớn không phải là một giải pháp lâu dài.
Các nước phương Tây đã cam kết cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến như hệ thống NASAMS của Mỹ, dự kiến bàn giao trong những tháng tới. Đức đã gửi một trong 4 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine trong tuần trước.
Mối đe dọa từ UAV
Máy bay không người lái, hay UAV, có thể được sử dụng để trinh sát hoặc như một nền tảng nã đạn dược xuống mặt đất. Cách đơn giản nhất để sử dụng UAV như một vũ khí là để chúng lao thẳng vào mục tiêu và phát nổ.
Máy bay không người lái kamikaze hay UAV cảm tử, như Shahed của Iran, chỉ có giá như một chiếc ô tô nhỏ. Nga đã sử dụng hàng trăm UAV cảm tử ở Ukraine chỉ trong vài tuần qua và được cho là mua khoảng 2.000 UAV từ Iran.
UAV bay chậm, có thể dễ dàng bị bắn hạ bằng một khẩu súng trường ngắm bắn tốt. Chúng mang lượng chất nổ nhỏ tương đương với đạn pháo nhưng có thể bay hàng trăm km.
Kiev tuyên bố bắn hạ phần lớn UAV mà Nga sử dụng ở Ukraine. Tổng thống Zelensky ngày 19/10 nói rằng Ukraine đã bắn hạ 233 UAV Shahed trong tháng trước.
Tuy nhiên, do giá rẻ, chúng có thể được triển khai ồ ạt theo kiểu bầy đàn và rất khó ngăn chặn. Một hay hai chiếc lọt qua cũng có thể gây thương vong cho dân thường trong các tòa nhà hay gây hư hại cho các mục tiêu nằm rải rác như các trạm biến áp.
Các hệ thống phòng không được dùng để bảo vệ các mục tiêu giá trị cao khỏi tên lửa lại không hoàn toàn phù hợp để ngăn chặn các UAV giá rẻ. Toàn bộ bầy đàn UAV vẫn có giá rẻ hơn nhiều so với một quả tên lửa đất đối không được dùng để bắn hạ 1 UAV trong số chúng.
Thay vào đó, cần có hệ thống phòng thủ UAV chuyên biệt có các phần mềm AI giúp phát hiện và theo dõi chúng, sử dụng các cảm biến có thể “nghe” được UAV đang tới và bắn hạ chúng từ mặt đất.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đầu tuần này nói rằng liên minh quân sự sẽ gửi hệ thống phòng thủ UAV cho Ukraine trong những ngày tới. Tuy nhiên, ông không nêu thông tin chi tiết.