Úc muốn đua vào Top 10 nước xuất khẩu vũ khí

Bảo Vĩnh |

Reuters ngày 29.1 đưa tin Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói Úc muốn lọt vào nhóm 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, và đang lập một quỹ cho vay 3,8 tỉ đôla Úc (AUD) để kích cầu bán vũ khí cho các nước đồng minh.

Hiện ngành công nghiệp quốc phòng Úc chật vật kiếm tiền từ các nhà cho vay truyền thống vốn không sẵn lòng cho ngành này vay. Vì thế, chính phủ Úc lập quỹ 3,8 tỉ AUD (3,1 tỉ USD) để các công ty sản xuất vũ khí có tiền xuất khẩu khí tài quân sự.

Tại Sydney ngày 29.1, Thủ tướng Turnbull nói: “Úc đang trong Top 20 các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Dựa trên tầm cỡ ngân sách quốc phòng, chúng tôi phải vươn lên cao hơn. Mục tiêu là lọt vào Top 10. Chiến lược nhằm tạo ra việc làm, nó sẽ giúp các công ty quốc phòng Úc có sự hỗ trợ cần thiết để phát triển, đầu tư và cung cấp khả năng phòng thủ”.

Chiến lược xuất khẩu quốc phòng của Thủ tướng Turnbull nhằm đưa Úc ngang hàng với các nước xuất khẩu vũ khí lớn như Anh, Pháp và Đức trong vòng 10 năm.

Bộ trưởng công nghiệp quốc phòng Úc Christopher Pyne nói chiến lược này xác định ưu tiên các thị trường Mỹ, Canada, Anh và New Zealand, nhằm bảo vệ các công nghệ nhạy cảm, trong khi xuất khẩu sẽ hỗ trợ các đồng minh chủ lực của Úc.

Nhưng chính phủ Úc cũng sẽ tìm cách kích cầu xuất khẩu qua châu Âu và các thị trường đang tăng nhanh ở châu Á và Trung Đông. Úc sẽ tìm cách sử dụng nguồn vũ khí xuất khẩu để lập quan hệ với các nước chủ lực ở những vùng bất ổn như Trung Đông.

Ông Pyne từng đề nghị Úc lập quan hệ với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để hưởng lợi từ quan hệ kinh tế dựa vào xuất khẩu. Ông Pyne cũng nói xuất khẩu vũ khí sẽ được điều hành cẩn trọng để bảo đảm an toàn cho Lực lượng phòng thủ Úc (ADF). Chính phủ cũng sẽ tuân thủ các qui định bắt buộc của quốc tế, gồm kiểm soát vũ khí.

Chính phủ Úc sẽ chi 20 triệu AUD/năm để hỗ trợ chiến lược: giúp xác định cơ hội xuất khẩu, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, và mở cửa cho ngành sản xuất vũ khí Úc vươn ra nước ngoài.

Chính phủ Úc tin tưởng chiến lược này sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, và kích cầu ngành sản xuất vũ khí Úc vốn chật vật tìm cách tồn tại vì chỉ có một khách hàng là ADF.

Kế hoạch trên nhằm chặn đà trượt xuống trong ngành sản xuất, cũng để hỗ trợ nền kinh tế đang bị suy yếu vì người dân phải chịu cảnh lương thấp đến mức kỷ lục. Năm 2017, Úc tạo được số việc làm kỷ lục, nhưng lĩnh vực sản xuất bị co nhỏ, tiếp sau việc ngưng sản xuất xe trong nước.

Số việc làm trong ngành sản xuất từng lên đỉnh cao hồi giữa năm 1989, khoảng 1,7 triệu việc làm (chiếm 15% tổng nhân lực lao động) nhưng đến cuối năm 2017 chỉ còn 877.000 việc làm, tương đương 7%.

Úc đang trải qua làn sóng việc làm mới, nhưng các công ty lại không muốn tăng lương cho nhân viên, khiến mức thu nhập rơi mạnh trong bối cảnh dân giảm chi tiêu dùng và lạm phát.

Chính quyền Úc có kế hoạch mở rộng xuất khẩu vũ khí vào lúc thế giới tăng mua phần cứng quân sự, dẫn đầu là Trung Quốc và các nước Trung Đông. Điều này khiến các tổ chức cứu trợ chỉ trích Canberra rằng Úc có thể vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nếu số vũ khí Úc được bán cho những lực lượng “ác”.

Các nhà phân tích nói Úc có thể cần mở rộng việc bán vũ khí cho những đối tác phi truyền thống thì mới có cơ hội thực hiện tham vọng lọt vào Top 10 các nước sản xuất vũ khí.

Hồi năm 2016, Úc nói sẽ tăng chi quốc phòng lên 30 tỉ đô-la Úc (AUD) từ năm 2011 để mua tàu hộ vệ, xe bọc thép chở quân, chiến đấu cơ, máy bay không người lái và nhiều tàu ngầm mới, mà đa số tàu ngầm được đóng trong nước.

Ngân sách quốc phòng 2018 của Úc là 34,6 tỉ AUD.

Mỗi năm, Úc đã xuất khẩu những khí tài quốc phòng kỹ thuật cao trị giá 2 tỉ USD, gồm các hệ thống truy vết, theo dõi, phần mềm quân sự. Các nước như Anh xuất khẩu nhiều hơn, với giá trị hơn 10 tỉ USD.

Mỹ hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất, chiếm 1/3 doanh số bán toàn thế giới, kế đến là Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại