Hôm qua, Quân đội Israel đã tung ra một đoạn video ghi lại cảnh tấn công phá hủy một tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Syria.
Vũ khí Israel đã tiếp cận mục tiêu ở tốc độ vừa phải, tương đối chậm so với vận tốc thường gặp của một quả tên lửa không đối đất. Hơn nữa hình ảnh thu được rất rõ nét, không giống như từ đầu dò camera quang truyền hình lắp trên tên lửa.
Hai dữ liệu trên dẫn tới nhận định rằng phương tiện được Không quân Israel đã sử dụng chính là máy bay không người lái trinh sát - cảm tử IAI Harop.
Khoảnh khắc tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Syria bị Israel tiêu diệt
Theo thông báo của phía Syria thì tổ hợp Pantsir-S1 khi đó đang trong tình trạng tái nạp đạn vì đã bắn hết toàn bộ 12 quả tên lửa 57E6, dẫn tới mất khả năng chống trả đòn đánh của Israel.
Tuy nhiên vấn đề được quan tâm trong lúc này không nằm ở chi tiết trên mà tập trung vào việc tại sao một chiếc máy bay không người lái lại lọt qua được lưới radar cảnh giới dày đặc của cả Nga và Syria để tiến thẳng vào căn cứ không quân (xe mang phóng tự hành của Pantsir-S1 khi đó đang đỗ trên đường băng) được bảo vệ nghiêm ngặt và tung đòn hủy diệt.
Trong khoảnh khắc chiếc UAV tiếp cận mục tiêu, có thể thấy rất rõ một trắc thủ đã vội vã chạy vào xe điều khiển, có lẽ anh ta muốn sử dụng nốt khẩu pháo 30 mm như vũ khí tự vệ cuối cùng, đáng tiếc rằng chỉ vừa bước chân vào cabin thì vụ nổ đã diễn ra, điều đó cho thấy cự ly phát hiện ra chiếc Harop là vô cùng nhỏ, không kịp đưa ra biện pháp đối phó phù hợp.
Chiếc UAV Harop đã đánh trúng cabin điều khiển của xe mang phóng tự hành Pantsir-S1
Sau chiến công trên, dự báo doanh số bán UAV Harop của Israel sẽ gia tăng vượt bậc, từ lâu vũ khí này đã được rất nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới quan tâm vì sở hữu những tính năng kỹ chiến thuật độc nhất vô nhị, đó là có thể lượn lờ rất lâu tìm mục tiêu kết hợp trinh sát chiến trường, được trang bị cả bộ thu sóng radar thụ động lẫn thiết bị quang điện tử tối tân.
Sự băn khoăn của nhiều khách hàng hiện tập trung vào việc Harop liệu có đủ sức vượt qua lưới lửa phòng không dày đặc của đối phương khi hoạt động hay không thì qua lần thực chiến trên đã phần nào được giải đáp.
Giá thành của chiếc UAV cảm tử này mặc dù tương đối cao nhưng cần lưu ý rằng nó có thể cất hạ cánh và tái sử dụng như một máy bay không người lái thông thường, nếu quyết định triển khai cho nhiệm vụ tự sát thì thiệt hại mà nó gây ra cho đối phương sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra.
Một vụ thử nghiệm của máy bay không người lái trinh sát - cảm tử IAI Harop