Coi thường cầu thủ Việt Nam đến thế này thì quá lắm rồi, "tướng" Park ạ!

Kim Thiền - Ảnh: A.T |

Nếu trận đấu trước Uzbekistan là một màn quảng cáo cho một sản phẩm sữa, thì nó đã thành công rực rỡ, bởi ở đó, các cầu thủ U23 Việt Nam chơi một thứ bóng đá rất... thiếu sữa.

Ở màn quảng cáo ấy, ý tưởng chủ đạo là các cầu thủ trẻ Việt Nam đúng là... những đứa trẻ, và ban huấn luyện phải chỉ dẫn chi ly từng chút, từng tý một, và ở trên sân, các học trò HLV Park Hang-seo vừa thi đấu, vừa dỏng tai lên nghe chỉ đạo để xử lý bóng, để tấn công, để phòng ngự... như trẻ con.

Chiều nay, trước màn hình, người ta phải nghe đến phát bực mình hai giọng chỉ đạo liên tục theo từng đường bóng của các cầu thủ, một giọng lơ lớ, ắt hẳn là trợ lý ngôn ngữ mới của HLV người Hàn Quốc, và một giọng Việt Nam.

Điều ngạc nhiên là giọng chỉ đạo ấy theo sát từng bước chân của các cầu thủ đến mức làm người ta liên tưởng đến trò chơi điện tử PES, khi bóng đến chân cầu thủ nào, thì người chơi sẽ điều khiển cầu thủ ấy, cũng như điều khiển cầu thủ gần nhất khi đối phương có bóng. Suốt trận đấu, dù là thi đấu trên hàng công hay ở hàng thủ, dù cánh trái hai cánh phải, các cầu thủ Việt Nam đều được gọi tên.

Coi thường cầu thủ Việt Nam đến thế này thì quá lắm rồi, tướng Park ạ! - Ảnh 1.

Có cần thiết phải "cầm tay chỉ việc" sát sao đến thế không, ông Park?

"Lùi về bắt người đi Hậu!", "Phoong, Phoong, dâng cao lên!", "Mạnh, Mạnh ơi dân lên bắt người đi"... Chẳng nhẽ các cầu thủ U23 Việt Nam, những tuyển thủ từng chinh chiến ở đấu trường khu vực từ 3, 4 năm nay lại "non" đến thế, đáng chú ý là không ít người trong số họ đã từng chinh chiến ở World Cup U20, ở tầm thế giới.

Người ta kể rằng ông Park Hang-seo trong các buổi tập chuẩn bị cho giải đấu M-150 này thường xuyên "cầm tay chỉ việc" cho các cầu thủ, chỉnh sửa từng động tác, thậm chí kéo áo, vỗ mông các cầu thủ mà ông coi là tập sai. Đấy có phải là phương pháp huấn luyện dành cho lứa cầu thủ U23, hay là những bài học cho các cầu thủ lứa tuổi mẫu giáo?

Và dù phương pháp huấn luyện và chỉ đạo thi đấu có là thế nào, thì câu trả lời vẫn nằm ở trên sân, và quả tình, trong suốt hiệp thi đấu đầu tiên, các cầu thủ trẻ Việt Nam thi đấu chẳng khác gì những con rối bị giật dây. Họ bị động trong từng tình huống tấn công lẫn phòng ngự, dù đối phương không quá mạnh, thậm chí còn rất bình thường. Có cảm giác các cầu thủ vừa thi đấu, vừa nghe ngóng xem phải làm sao với tình huống trước mặt.

Coi thường cầu thủ Việt Nam đến thế này thì quá lắm rồi, tướng Park ạ! - Ảnh 2.

Cách chỉ đạo này tương đối tương đồng với các và HAGL vận hành ở V-League, dưới thời cầm quân của ông thầy "gõ đầu trẻ" Graechen nhiều năm về trước. Nhưng ở lứa tuổi này, điều các cầu thủ phải thấm nhuần là tư duy chơi bóng, phối hợp và chỉ đạo lẫn nhau, chứ không phải chờ đợi những mệnh lệnh từ ngoài sân.

Vẫn biết là trình độ bóng đá Hàn Quốc vẫn còn cao hơn Việt Nam một cái đầu, vẫn biết rằng HLV Park Hang-seo từng là trợ lý HLV trưởng ĐTQG Hàn Quốc, nhưng có nhất thiết phải coi thường tư duy bóng đá của các cầu thủ trẻ Việt Nam đến như thế không, có cần phải bắt họ vừa "ngậm ti giả", vừa đá bóng, và điều khiển họ bằng một cái loa thật to như HLV người Hàn Quốc này đang làm không?

Bởi làm thế, thì đến bao giờ các cháu mới lớn được đây, hay là vẫn phải tiếp tục uống thêm thật nhiều sữa?

Vòng bảng M150 Cup: U23 Việt Nam 1-2 U23 Uzbekistan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại