Năm lịch sử của bóng đá Việt Nam
Đến lúc này có thể khẳng định U23 Việt Nam và HLV Park Hang Seo đang có một năm đầy thăng hoa. Sau Á quân U23 châu Á, U23 Việt Nam đã lần đầu vào tứ kết ASIAD 18. Đó thực sự là điều ngoài sức tưởng tượng của người hâm mộ sau khi đội nhà thua tan nát ở SEA Games năm 2017.
Đánh bại một loạt tên tuổi số má châu lục như Úc, Iraq, Qatar, Bahrain, Nhật Bản, U23 Việt Nam có thể khẳng định được vị thế mới ở sân chơi châu lục, Đúng hơn, U23 Việt Nam đã vươn tâm châu lục so với phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á.
Từ VCK U23 châu Á đến ASIAD 18, U23 Việt Nam luôn là đại diện cuối cùng của bóng đá Đông Nam Á góp mặt. Những Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều sớm rời giải, dù ở đó thì Malaysia cũng xứng đáng nhận được ngợi khen khi 2 lần giải liên tiếp đều vượt qua vòng loại và gây địa chấn.
U23 Việt Nam và HLV Park Hang Seo đang liên tiếp viết kỳ tích ở sân chơi châu lục.
Bóng đá Việt Nam thăng hoa sân chơi châu lục, đó là tín hiệu hết sức vui mừng. Mong mỏi lớn hơn là chúng ta có thể tạo đà phát triển lâu dài, càng tiến lên sau những kỳ tích mà bóng đá nước nhà chưa bao giờ làm được trong quá khứ.
Xa hơn, cái đích thể ngắm đến là cơ hội đi World Cup, dù thực tế thì giấc mơ ấy sẽ còn rất xa, vì cần một kế hoạch dài hơi của những người lãnh đạo bóng đá Việt Nam, chứ không thể dựa vào những kỳ tích ở sân chơi châu lục vừa qua. Nguyên nhân là chúng ta chỉ đang gặt được những thành quả ở sân chơi trẻ, còn cấp độ ĐTQG vẫn là dấu hỏi lớn.
Cần nhìn lại thành công của U23 Việt Nam
Tại sao phải nhìn lại thành công của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á và ASIAD 18? Vấn đề nằm ở chiến lược của các đội bóng khác, họ đã và đang có đích ngắm xa hơn so với chúng ta.
Thành công của U23 Việt Nam là một điều thực sự quá vui mừng, quá lạc quan nhưng không có nghĩa là chúng ta đã trở thành một thế lực lớn hội tụ đủ điều kiện chơi sòng phẳng với các ông lớn ở châu Á.
Tại VCK U23 châu Á, Úc mang sang một đội hình trẻ với chiến lược ngắm đến Olympic năm 2020. Nhật Bản cũng làm điều tương tự vì họ là nước chủ nhà của kỳ Olympic trong 2 năm tới.
Tại ASIAD 18, U23 Bahrain - bại tướng của U23 Việt Nam ở vòng đấu loại cách đây vài ngày cũng có định hướng tương tự là muốn góp mặt ở Olympic năm 2020. Những Iran, Nhật Bản… cũng đang làm tất cả vì sân chơi Olympic.
U23 Bahrain thua U23 Việt Nam nhưng họ đang tính là sân chơi Olympic năm 2020. Ảnh: LT
Từ VCK U23 châu Á đến ASIAD 18 có thể thấy, những ông lớn châu Á (trừ Hàn Quốc) đều có chung một đích đến là Olympic năm 2020. Đó là chiến lược dài hơi và muốn vươn tầm ra biển lớn của những đội bóng khát khao nâng tầm so với phần còn lại của châu lục.
Đó là điều mà bóng đá Việt Nam lúc này chưa thể nghĩ đến. Bóng đá Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để được phép tính xa như các nền bóng đá kể trên. Tất nhiên, chúng ta cần khẳng định vị thế ở châu lục, trước khi nghĩ đến những điều lớn lao hơn.
Thế nên, thành công của U23 Việt Nam cũng có một phần lý do quan trọng là được hưởng lợi từ câu chuyện mang tên Olympic năm 2020. Nếu thầy trò HLV Park Hang Seo đụng với các đội bóng mạnh mang đầy theo lực lượng tốt nhất, cửa thắng có thể nói là hẹp đi khá nhiều.
Kể ra những điều ấy không phải để giảm giá trị về các chiến công của U23 Việt Nam mà cần có một cái nhìn khách quan. Qua đó, chúng ta đang vui mừng nhưng quan trọng vẫn là bước tính dài hơi sau những kỳ tích. Bởi hàng triệu người hâm mộ đều có chung mong mỏi là được thấy bóng đá Việt Nam bước ra sân chơi châu lục sẽ tiến bộ theo từng giải đấu.
Đúng hơn, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Điều này sẽ hợp lý với bóng đá Việt Nam sau kỳ tích U23. Kiểu như tự giải câu hỏi: Vì sao chúng ta hái được quả ngọt như hiện tại? Đó là thành quả của nhiều năm làm đào tạo trẻ bài bản. Chỉ khi nhìn từ gốc rễ thành công thì chúng ta mới phát triển tiếp trong tương lai, chứ không thể nhìn vào ánh hào quang rồi nói vươn tầm châu lục!