U22 Việt Nam và câu chuyện "lạy trời đừng tắc đường"

Lập Trần |

Một câu chuyện khó tin sắp xảy ra, U22 Việt Nam có thể phải mất khoảng vài tiếng đồng hồ để đến được sân tập.

Chưa đi đã thấy... mệt

Mới đây, LĐBĐ Việt Nam đã gửi lịch tập luyện của U22 Việt Nam tới giới truyền thông. ĐT sẽ có 5 ngày để chuẩn bị cho các trận đấu tại vòng loại U23 châu Á 2019 diễn ra từ ngày 18-23/7 tới đây trên sân Thống Nhất.

Theo đó, U22 Việt Nam sẽ tập chủ yếu trên hai sân của Trường Đại học Rmit tại Quận 7, TP.HCM và sân Gò Đậu (Bình Dương). Theo chỉ dẫn của bản đồ, để đến với sân Rmit, HLV Hữu Thắng và các học trò sẽ vượt qua quãng đường hơn 11km và điểm xuất phát là khách sạn Đệ Nhất.

Tức, họ sẽ mất khoảng 35 phút để đi chuyển. Đấy là trong trường hợp thuận lợi còn nếu không may bị kẹt xe, U22 Việt Nam sẽ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ cho cả 2 lượt đi và về.

Từ khách sạn đệ nhất đến sân vận động Gò Đậu còn xa hơn gấp đôi. Với khoảng cách 23 km, trong trường hợp mật độ lưu thông xe cộ bình thường, nếu đi nhanh sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ, còn chậm sẽ mất khoảng 1h30 phút.

Theo lịch tập hàng ngày, đội tuyển sẽ bắt đầu tập từ 9h sáng đến 10h30 còn buổi chiều từ 17h00 đến 19h00. Nếu như vậy, các cầu thủ sẽ phải dậy ăn sáng lúc 5 giờ nếu đi sân Gò Đậu để chuẩn bị cho buổi tập sáng.

Kết thúc buổi tập họ trở về nhà và tắm rửa lúc rơi vào khoảng 12h, sau đó ăn cơm, nghỉ ngơi lại phải lên xe lúc 15h. Khoảng 20h30 đến 21h, họ mới về đến khách, tắm giặt và ăn tối.

Nhìn lịch trình này, không ít cầu thủ kêu ca, chưa đi đã ngán vì quảng thời gian ngồi trên xe có thể nhiều hơn thời gian của buổi tập. Đây cũng là đối thủ gây ra sự ức chế, giảm độ hưng phấn trong tập luyện.

U22 Việt Nam và câu chuyện lạy trời đừng tắc đường - Ảnh 1.

Quãng đường đi đến sân tập quá dài.

Cả Thành phố không có sân tập nào đủ chuẩn

Chọn sân tập bóng đá thời gian qua đã là bài toán "kinh niên" của các đội bóng V-Legue, hạng Nhất nếu họ chọn điểm đến là TP.HCM.

Một thời Trung tâm thể thao Thành Long (huyện Bình Chánh) là "thiên đường" của ĐTQG và các CLB Việt Nam . Ngày trước, cơ sở vật chất, sân bãi, phòng ốc nơi đây được xếp hạng tốt.

Bây giờ không những hệ thống phòng ốc xuống cấp, mà sân bãi cũng không còn được chăm sóc như xưa. Nhưng nỗi ám ảnh nhất chính là chuyện ăn uống bởi nơi đây chế biến thức ăn rất tệ.

Vì thế dễ hiểu, trung tâm Thành Long bây giờ chỉ còn PVF bám trụ nhưng tương lai trung tâm đào tạo này sẽ chuyển ra Hà Nội. Nếu tập huấn, SLNA và một vài đội hạng Nhất cũng chọn nơi đây nhưng cũng chỉ là vài ngày lắc đầu chào thua.

U22 Việt Nam và câu chuyện lạy trời đừng tắc đường - Ảnh 2.

Sân tập là vấn đề khiến ĐT U22 Việt Nam lo lắng.

Sân trung tâm Công an TP.HCM cũng từng là điểm đến yêu thích. Bây giờ, sân này được CLB TP.HCM chọn làm đại bản doanh ăn ở, tập luyện. Sân Công An ngày càng xuống cấp vì không chỉ đội của Công Vinh tập mà còn được cho thuê đá phủi.

Trước trận đấu với Jordan , ĐT Việt Nam từng có trận giao hữu với TP.HCM trên sân này. Thật ngán ngẩm, mặt sân chẳng khác nào mặt ruộng, xuất hiện ổ nhiều gà và cỏ mọc quá mắt cá chân.

Sân QK7 được Sài Gòn FC thuê làm sân tập. Tuy nhiên, mặt sân này cũng không được bảo đảm vì không được chăm sóc bảo dưỡng. Trong khi các đội bóng phong trào ngày nào cũng thuê sân này để chơi.

Giữa giai đoạn lượt 1, khi vào TP.HCM chuẩn bị cho các trận đấu, Hải Phòng đành "bó chân" vì không tìm được sân tập. Hoặc khi thuê được sân có mặt cỏ tương đối, chỉ mới tập được mấy phút thì ông chủ sân bước ra xin dừng vì dẫm như thế nát hết cỏ…

Dường như bây giờ, cả TP.HCM chỉ còn mặt sân Thống Nhất là đạt tiêu chuẩn tập. Khốn nỗi, đây cũng là mặt sân duy nhất để thi đấu nên mỗi đội chỉ được tập 1-2 buổi là cùng.

Cả Thành phố từng được xem là cái nôi bóng đá, vậy mà các đội bóng "muốn khóc" vì phải "đốt đuốc" đi tìm sân tập kể thì cũng lạ. VFF hẳn biết điều này nhưng có vẻ như họ "quyết tâm" đưa các trận đấu của U22 Việt Nam vào đây.

Mục đích đương nhiên là tuyên truyền, là phục vụ quần chúng nhân dân, là bán vé, tiếp thị tốt nhưng rồi đây còn là gì nữa thì có lẽ chính họ mới biết.

Lịch thi đấu của U22 Việt Nam

Ngày 19/7:

17h00: U23 Hàn Quốc - U23 Macau

20h00: U23 Việt Nam - U23 Đông Timor

Ngày 21/7:

17h00: U23 Hàn Quốc - U23 Đông Timor

20h00: U23 Việt Nam - U23 Macau

Ngày 23/7:

17h00: U23 Macau - U23 Đông Timor

20h00: U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc

Ăn rồi tập sân cỏ nhân tạo

Lại nói chuyện chuẩn bị của ĐT Việt Nam cho trận đấu với Jordan tại vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019, dường như hàng ngày HLV Hữu Thắng và các học trò cầu trời đừng mưa bởi nếu vậy họ phải tập trên sân cỏ nhân tạo. Lời nguyện cầu không được đáp ứng bởi thời gian đó, TP.HCM mưa liên tục.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại