U22 Việt Nam có đòn hay chống lại "chiêu hiểm" của Malaysia

AQ |

20, 22, 24, 26. Chúng ta đang nói đến lịch thi đấu vào dịp Giáng sinh của giải Ngoại hạng Anh? Không, đó là lịch "hành xác" của U22 Việt Nam tại SEA Games 29.

Giả sử Mourinho, Klopp hay bất kỳ HLV nào khác tại Premier League biết được chuyện này, họ sẽ chẳng bao giờ dám mở miệng phàn nàn về mức độ "bóc lột" của bóng đá Anh nữa.

Nhìn rộng hơn, các đội bóng thuộc Premier League càng không có lý do gì để chỉ trích BTC vì dù sao đó cũng là nét truyền thống và hoàn toàn không có sự bất công.

Man United đá thì Liverpool cũng đá. Khó người khó ta chứ không có chuyện một đội phải thi đấu 4 trận trong vòng chưa đầy 1 tuần, đội kia được nghỉ 5 ngày trước khi bước vào vòng bán kết.

Nếu U22 Malaysia đoạt ngôi nhất bảng A còn U22 Việt Nam về nhì tại bảng B, kịch bản trên sẽ trở thành hiện thực. Lợi thế dành cho phía Malaysia còn lớn hơn nữa khi bảng đấu của họ chỉ có 5 thay vì 6 đội, họ là chủ nhà, họ quen với thời tiết, họ có thể tác động đến trọng tài.

Dựa vào những dữ kiện đã nêu, đa số người hâm mộ Việt Nam sẽ mong đợi đoàn quân dưới quyền HLV Hữu Thắng cố gắng giành vị trí số 1 bảng B, nơi chúng ta phải gặp U22 Thái Lan ở lượt cuối, qua đó tránh được người Mã. Một phương án không tồi.

U22 Việt Nam có đòn hay chống lại chiêu hiểm của Malaysia - Ảnh 1.

Tâm lý chiến là điều HLV Hữu Thắng nên tính đến.

Tuy nhiên, còn có một cách khác hay hơn để biến lợi thế của Malaysia trở thành những yếu tố bất lợi đối với họ. U22 VN sẽ tập trung thắng 4 trận đầu, rồi "buông" ở trận gặp Thái để giữ sức. Ở kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam đã vào bán kết với thành tích thắng 4, thua 1. Trận thua duy nhất của chúng ta cách đây 2 năm xảy ra đúng ở lượt trận cuối cùng và trước chính Thái Lan.

Bên cạnh việc xác định trận cần thắng và trận có thể thua tại SEA Games 29, U22 VN còn một phần việc quan trọng nữa phải triển khai. Đó là chơi trò tâm lý chiến.

Nếu thua sút đối thủ về thể lực, thì phải thắng lại bằng tinh thần. Đấy là chiến lược quen thuộc của tay đấm huyền thoại Mahammad Ali. Năm 1974, Ali đọ găng với George Foreman trong trận đấu kinh điển được ví von là "Cuộc tỷ thí giữa rừng già".

Ali khi ấy đã 32, hơn Foreman tận 7 tuổi. Phong độ của Ali cũng không tốt vì ông không thượng đài suốt một thời gian dài trước đó. Foreman, ngược lại, đang trên đà thăng hoa với thành tích khủng khiếp: 40-0. Tất cả đều tin chắc rằng Ali không có chút cơ may nào.

U22 Việt Nam có đòn hay chống lại chiêu hiểm của Malaysia - Ảnh 2.

Ali hạ gục George Foreman dù bị đánh giá "không có cửa thắng".

Nhưng Ali lại nghĩ khác. Từ trước lúc so găng cho đến lúc đang ở trên võ đài, Ali không ngừng châm chọc Foreman. "Người ta đồn là cậu biết đấm cơ mà, George. Sao không ra đòn tiếp đi? Cậu chỉ biết có thế thôi sao?"...

Không chỉ trêu cho Foreman giận mất khôn, Ali còn giả vờ yếu ớt để dụ đối phương to khỏe hơn mình ra đòn dồn dập. Hệ quả là Foreman bắt đầu xuống sức khi tiếng cồng của hiệp 8 vang lên. Thời cơ của Ali đã đến. Ông tung liên tiếp 5 cú đấm và Foreman đổ gục xuống như cây khô gặp bão.

"U22 Malaysia là đối thủ mà chúng tôi thích gặp nhất trong số các đối thủ ở bảng A". "U22 VN chỉ cần dùng đội hình 2 cũng thừa sức cho U22 Malaysia đo ván". "Đội chủ nhà chằng có chiêu gì hay ngoài trò xếp lịch thi đấu"....

Chỉ cần thầy trò HLV Hữu Thắng thi thoảng lại rót những lời như vậy vào tai U22 Malaysia, đội chủ nhà hoàn toàn có thể trở thành một George Foreman khác tại SEA Games 29. Tương kế tựu kế thôi mà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại