U22 Campuchia và U22 Việt Nam: Từ sự ngây thơ tới đồ khoác lác

AQ |

"Đánh bại cả Việt Nam lẫn Thái Lan để giành huy chương SEA Games 29". Đó là phát biểu của U22 Campuchia hay là lời nhắn từ tiểu tinh cầu B612 xuống trái đất?

1. Khi HLV Leonardo Vitorino công khai mục tiêu của U22 Campuchia tại giải đấu năm nay, cả phòng họp báo đã suýt ngã văng khỏi ghế. Một làng cầu chỉ thắng vẻn vẹn 2 trận sau 8 lần tham dự và đương nhiên là chưa bao giờ tiến gần đến việc vượt qua vòng bảng mà lại tuyên bố hùng hồn như vậy, tất cả không sốc mới lạ.

Chứng kiến ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, ông Vitorino hẳn chỉ muốn gào lên như Hoàng tử bé trong cuốn sách của Antoine de Saint-Exupéry: "Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ".

U22 Campuchia và U22 Việt Nam: Từ sự ngây thơ tới đồ khoác lác - Ảnh 1.

Không phải trò đùa Cá tháng Tư, không phải chiêu thu hút sự chú ý. Tuyên bố của ông Vitorino cho thấy một điều: Campuchia đã chán bị coi là trẻ con trước các làng cầu như Việt Nam hay Thái Lan. Campuchia không muốn tham dự SEA Games dưới dáng vẻ ngây thơ của Hoàng tử bé đến từ tiểu tinh cầu B612 nữa.

Sau bao nhiêu năm cam phận lót đường, Campuchia vừa có dấu hiệu trưởng thành khi thủ hòa Trung Quốc, quật ngã Philippines và chỉ thua Nhật Bản 0-2 (thay vì 0-8 hoặc 0-10) tại vòng loại giải U23 châu Á.

Thế nên họ cảm thấy nên đặt mục tiêu cao hơn tại SEA Games và thật là mệt cho Campuchia khi cứ phải giải thích cho những kẻ chẳng bao giờ tự hiểu được cái gì. Tuy nhiên, như Napoleon từng nói, ranh giới giữa người hùng và sự lố bịch đôi khi chỉ bằng một gang tay.

Campuchia rốt cuộc vẫn là một cậu bé tò te đến từ hành tinh khác qua thất bại 0-2 trước Philippines ở trận ra quân tại SEA Games 29. Và U22 Việt Nam cũng đang sẵn sàng giúp U22 Campuchia hiểu rõ hơn thế nào là "bóng đá người lớn".

U22 Campuchia và U22 Việt Nam: Từ sự ngây thơ tới đồ khoác lác - Ảnh 2.

Campuchia (áo đỏ) sẽ bị dạy thế nào là "bóng đá người lớn"?

2. Đứng cạnh U22 Campuchia, U22 Việt Nam vẫn rất uy nghi, đồ sộ. Chỉ có điều, trong con mắt của các nhà vô địch SEA Games thực thụ gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia, Việt Nam chỉ là gã khoác lác mà Hoàng tử bé cảm thấy không thể đồng cảm được.

- Chú em khâm phục ta thật nhiều chứ?

- Khâm phục nghĩa là thế nào?

- Khâm phục có nghĩa là thừa nhận ta là người đẹp nhất, ăn mặc sang nhất, giàu có nhất và thông minh nhất trên hành tinh.

- Nhưng anh chỉ có một mình trên hành tinh của anh thôi mà.

Bao năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn luôn tự hào là thế lực mạnh nhất trong số những làng cầu... chưa từng vô địch SEA Games thời kỳ đổi mới (tính từ 1977). Chúng ta cũng từng khoác lác về việc giành vé dự World Cup "người lớn" cách đây hàng chục năm rồi.

Trước thềm SEA Games 29, bầu Đức tiếp tục thay mặt hàng triệu đồng bào để đưa ra tuyên bố: "Việt Nam không vô địch SEA Games 29 thì còn lúc nào nữa?". Bầu Đức tự tin hay ba xạo, điều đó còn phải đợi thêm ít ngày nữa.

U22 Campuchia và U22 Việt Nam: Từ sự ngây thơ tới đồ khoác lác - Ảnh 3.

U22 Việt Nam chưa cho thấy khí chất của nhà vô địch (Ảnh: D.A).

Ngay lúc này, chỉ muốn nói rằng nếu lỡ không thể đăng quang trên đất Malaysia, bóng đá Việt Nam có lẽ nên quay lại với sự ngây thơ thuở trước. "Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đi đông người như thế không?".

Phát ngôn "hồn nhiên" này của một cựu lãnh đạo VFF từng bị dư luận mang ra pha trò cười trong khoảng thời gian dài. Nhưng giờ ngẫm lại, chợt thấy có thể sửa câu nói kiểu Hoàng tử bé ấy thành một câu hỏi chân tình: "Đi SEA Games có nhất thiết phải cố sống cố chết giành HCV môn bóng đá nam hay không?".

Vẫn còn hàng chục môn thể thao và hàng trăm VĐV khác cần được quan tâm và cổ vũ kia mà. Bóng đá nam Việt Nam, xét cho cùng, không thể là một gã khoác lác sống một mình một hành tinh mãi được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại