Tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu giảm mạnh nhất từ thời Mao, 'trật tự thế giới' tái lập?

Hữu Hiển |

Ruchir Sharma viết trên tờ Financial Times rằng tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu đang trên đà giảm 1,4 điểm phần trăm trong hai năm qua.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đảo ngược

Trên tờ Financial Times, Ruchir Sharma - Chủ tịch Rockefeller International – nhận định rằng, quá trình tăng trưởng vượt bậc kéo dài hàng thập kỷ của nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng đã đi đến hồi kết. Giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong GDP toàn cầu.

Tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu giảm mạnh nhất từ thời Mao, trật tự thế giới tái lập? - Ảnh 1.

Một màn hình chiếu bản tin CCTV về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Rockefeller International viết rằng: "Trong một bước ngoặt mang tính lịch sử, sự trỗi dậy như một siêu cường kinh tế của Trung Quốc đang đảo ngược. Câu chuyện toàn cầu lớn nhất trong nửa thế kỷ qua có thể đã kết thúc."

Tính theo đồng đô la danh nghĩa - điều mà ông Sharma cho là thước đo chính xác nhất về sức mạnh tương đối của một nền kinh tế, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu bắt đầu giảm từ năm 2022 do các biện pháp zero-COVID nghiêm ngặt từng được áp dụng trong phần lớn thời gian của năm ngoái.

Bất chấp những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu sẽ giảm hơn nữa vào năm 2023, chỉ ở mức 17%. Ông Sharma nói thêm, điều đó khiến Trung Quốc phải đối mặt với mức giảm 1,4 điểm phần trăm trong vòng hai năm, một mức sụt giảm chưa từng thấy kể từ những năm 1960 - 1970 khi nền kinh tế nước này còn gặp nhiều khó khăn.

Thời kỳ đó, chiến dịch "Đại nhảy vọt" do lãnh tụ Mao Trạch Đông khởi xướng (1958-1963) đã để lại một số tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc. Mãi cho đến khi Bắc Kinh thực hiện cải cách mở cửa vào cuối thập niên 1970, nền kinh tế đất nước mới bắt đầu khởi sắc.

Năm 1990, tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu chưa đến 2%, nhưng đến năm 2021, tỷ trọng này đã tăng lên 18,4%. Ông Sharma lưu ý rằng, mức tăng nhanh như vậy là chưa từng thấy trước đây.

Tuy nhiên, với sự sụt giảm hiện tại, Trung Quốc đã không đóng góp gì vào mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong hai năm qua, ước tính tổng mức tăng là 113 nghìn tỷ USD.

"Sự sụt giảm của Trung Quốc có thể tái lập trật tự thế giới", Sharma nói. "Kể từ những năm 1990, tỷ trọng của quốc gia này trong GDP toàn cầu tăng chủ yếu do vượt lên ảnh hưởng của Châu Âu và Nhật Bản, những khu vực có tỷ trọng ít nhiều ổn định trong hai năm qua. Khoảng trống mà Trung Quốc để lại chủ yếu được lấp đầy bởi Mỹ và các quốc gia mới nổi khác."

Ông Sharma đánh giá Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil và Ba Lan sẽ chiếm một nửa mức tăng trưởng của các thị trường mới nổi, và gọi đó là "dấu hiệu đáng chú ý về khả năng thay đổi quyền lực sắp tới".

Tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu giảm mạnh nhất từ thời Mao, trật tự thế giới tái lập? - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn lạc quan và gần đây đã nói bóng gió về một chính sách xoay trục trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Bắc Kinh duy trì mục tiêu tăng trưởng 5%

Về phần mình, Bắc Kinh vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm và kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu này trong năm nay. Dự báo này được ủng hộ bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với quan điểm GDP của Trung Quốc tăng trưởng 5,4% vào năm 2023.

Nhưng Sharma bác bỏ việc sử dụng tăng trưởng GDP thực tế làm thước đo, khi nói rằng những con số này có thể được điều chỉnh. Ông cho biết, tính theo đồng đô la danh nghĩa, GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 1994.

Theo ông, một số yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm này là can thiệp ngày càng tăng của nhà chức trách vào các doanh nghiệp, tình trạng nợ nần đang diễn ra, năng suất chậm lại, lực lượng lao động suy giảm và các nhà đầu tư nước ngoài rời đi.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng lịch sử đang chuyển biến theo hướng có lợi cho đất nước ông và không gì có thể ngăn cản được sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Và theo ông Sharma, cuộc gặp của ông Tập với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ mới đây ở San Francisco đã gợi ý về thái độ ôn hòa, hoặc ít nhất là sự nhìn nhận rằng Trung Quốc vẫn cần các đối tác kinh doanh nước ngoài.

Sharma kết luận: "Nhưng hầu như bất kể ông Tập có làm gì đi nữa, tỷ trọng của quốc gia ông ấy trong nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ giảm trong tương lai gần. Bây giờ là một thế giới hậu Trung Quốc."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại