Đó là bởi vì trang web HowMuch.net vẽ lại bản đồ thế giới dựa trên dữ liệu từ viện Peterson về Kinh tế Quốc tế.
Theo đó, quy mô từng quốc gia sẽ tương ứng với số lượng tỷ phú của mình nên càng nhiều tỷ phú, đất nước càng "phình to". Vì vậy, với gần 1/3 số tỷ phú toàn cầu, Mỹ là nước lớn nhất hành tinh.
Bản đồ thế giới vẽ lại theo số tỷ phú (nguồn: Howmuch.net)
Mỗi khu vực được chia thành 5 màu, phản ánh 5 loại nguồn gốc của tài sản. Có những người sinh ra đã là tỷ phú vì được thừa kế khối gia tài đồ sộ của bố mẹ. Còn những tỷ phú tự thân xây dựng "cơ đồ" nhờ sáng lập công ty, là chủ sở hữu và giám đốc điều hành, nhờ các mối quan hệ chính trị và nguồn tài nguyên, hay thành công trong lĩnh vực tài chính.
Ví dụ, phần lớn giới tinh hoa của Nga lên tới đỉnh nấc thang giàu có nhờ các mối liên hệ chính trị. Trong khi đó, nước Mỹ phân bổ khá đồng đều giữa người thừa kế, người sáng lập công ty và chuyên gia tài chính.
Còn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, rất ít tỷ phủ có may mắn giàu từ thời bố mẹ. "Trước khi kinh tế bùng nổ trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc từng đặc biệt khó khăn", Raul Amoros tại HowMuch.net giải thích. "Nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế nhờ sản xuất bùng nổ đã tạo ra hơn 200 tỷ phú cho nước này".
Một cường quốc châu Á khác lại hoàn toàn ngược lại. Đó là Hàn Quốc với 74% tỷ phú "bỗng nhiên" giàu vì được thừa kế. Trừ Anh, xu hướng "người thừa kế sáng giá" cũng khá thịnh hành ở khắp châu Âu. Đan Mạch có tỉ lệ tỷ phú "từ khi lọt lòng" chiếm 83% còn Đức và Thụy Điển cũng không bị bỏ quá xa với 60% mỗi nước.