MNS khởi đầu chuỗi giá trị bằng lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, công ty hiện đang vận hành 12 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc vận hành theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tổng công suất đến cuối năm 2018 đạt hơn 3 triệu tấn/năm.
Sản phẩm thịt Meat Deli của MNS ra mắt thị trường từ 23/12.
Trước đó vài ngày, ngày 21/12, hãng tin Bloomberg tiết lộ ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN) - là một trong 2 tỷ phú đô la mới của khu vực Đông Nam Á, ước tính giá trị tài sản đạt 1,2 tỷ USD.
Ông Quang được biết đến là ông chủ của Masan Group - một đế chế có mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt 93.000 tỷ đồng (4 tỷ USD) với số vốn điều lệ đạt 11.600 tỷ đồng cùng hàng loạt công ty con chi phối trong nhiều lĩnh vực.
Mặc dù vậy, ông Quang chỉ nắm giữ một lượng cổ phiếu tượng trưng nên không dễ để lượng hóa một cách chính xác giá trị tài sản của đại gia kín tiếng này.
Tại Masan Group, ông Quang sở hữu gián tiếp thông qua hai pháp nhân là Masan Corp và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ 45,34% cổ phần của Masan Group, trị giá hơn 41.400 tỷ đồng theo thị giá hiện tại.
Mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang được cho là đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Masan Group thông qua việc Hoa Hướng Dương đăng ký mua vào 12,5 triệu cổ phiếu MSN, vừa đúng bằng số cổ phiếu do Công ty cổ phần Masan đăng ký bán. Vợ ông Quang, bà Nguyễn Hoàng Yến cũng nắm giữ lượng cổ phiếu Masan trị giá hơn 3.300 tỷ đồng.
Trong hệ sinh thái Masan Group, một loạt các doanh nghiệp tên tuổi hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như: thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo). Đặc biệt, ông Nguyễn Đăng Quang còn được biêt đến là người cùng ông Hồ Hùng Anh gây dựng nên Techcombank.
Hiện nay, Techcombank và Masan Group cùng nằm trong tốp 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam với tỷ trọng lần lượt đạt 3,22% và 3,18%.
Cổ đông lớn của MSN tính đến 31/12/2017.
Nói về hoạt động cũng như triển vọng của Tập đoàn, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ vào tháng 10/2018:
“Nhờ chiến lược “cao cấp hóa” và mở rộng ngành hàng đồ uống giúp cho Masan Consumer tăng trưởng gấp 2-3 lần mức tăng trưởng trung bình của ngành FMCG trong các năm tới.
Việc Masan Resources mua lại nhà máy chế biến hóa chất vonfram công nghệ cao là bước đi chiến lược giúp Công ty có thể tạo ra dòng tiền vững mạnh cũng như hiện thực hóa kế hoạch tăng công suất lên gấp đôi để mở rộng thị phần vonfram ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mô hình tập trung vào dịch vụ khách hàng và đầu tư vào công nghệ cao đã giúp Techcombank trở thành ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thị trường.
Techcombank sẽ duy trì vị thế này bằng mô hình ưu tiên nguồn thu nhập từ các hoạt động dịch vụ khách hàng thay vì thu nhập từ lãi vay.
Dù đạt được tăng trưởng vượt trội nhưng không phải mọi thứ đều tiến triển tốt như kế hoạch, Masan Nutri-Science vẫn bị ảnh hưởng nặng do khủng hoảng giá heo.
Thị trường thức ăn chăn nuôi dù đang hồi phục nhưng chúng ta đặt niềm tin lớn vào chiến lược chuyền đổi thành công ty kinh doanh thịt tươi sống hàng đầu, chứ không chỉ đơn thuần là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi.”
Ông Nguyễn Đăng Quang.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2018, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2018 của Masan Group đạt 26.630 tỷ đồng, giảm 3% so với mức 27.451 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017, chủ yếu là do giảm doanh thu MNS bởi khủng hoảng giá heo.
Nếu không bao gồm lợi nhuận không thường xuyên từ thoái vốn tại Techcombank (một kỹ thuật trên giấy tờ), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.307 tỷ đồng (tăng 90,2% so với cùng kỳ).
Do tác động pha loãng đến phần sở hữu của công ty tại Techcombank sau khi Ngân hàng này tiến hành IPO gần đây, đóng góp của Techcombank cho MSN giảm và công ty ghi nhận lãi từ công ty liên kết là 442 tỷ đồng (giảm 20,1% so với cùng kỳ) mặc dù Techcombank đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong quý 3 với lợi nhuận sau thuế đạt 2.060 tỷ đồng (tăng 20,7% so với cùng kỳ).
Riêng trong quý 3/2018, doanh thu của MSN đạt 9.171 tỷ đồng (giảm 2,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 918 tỷ đồng (giảm 3,2% so với cùng kỳ) chủ yếu là do mảng Masan Nutri Science bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá thịt heo giảm.
Trong quý 3, Masan Consumer Holdings (MCH) đạt doanh thu 4.381 tỷ đồng (tăng 27,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 1.194 tỷ đồng (tăng 37,8% so với cùng kỳ).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, MCH báo đạt doanh thu thuần 11.907 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ và EBITDA đạt 3.103 tỷ đồng, tăng 98,6% so với cùng kỳ với hầu hết các mặt hàng đều cho kết quả tốt.
Sản phẩm gia vị, thức ăn tiện lợi, nước giải khát và bia tăng trưởng doanh thu 30%, trong đó doanh thu từ bia tăng mạnh nhất 88% so với cùng kỳ dù xét riêng trong quý 3 giảm 22,1% so với cùng kỳ. Công ty đã giới thiệu một số sản phẩm mới, như nước khoáng Vivant và khoai tây nghiền Omachi.
Theo sản phẩm: Các sản phẩm gia vị đạt doanh thu thuần 4.761 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ với sản lượng tiêu thụ tăng 30%. Các thương hiệu chính như Nam Ngư và Chinsu tiếp tục tăng trưởng tốt.
Xét riêng trong quý 3, doanh thu thuần tăng 36,1% so với cùng kỳ đạt 1.723 tỷ đồng nhờ doanh thu sản phẩm nước mắm cao cấp tăng 51%.
Dòng thức ăn tiện lợi đạt doanh thu thuần 3.271 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 28% so với cùng kỳ. Doanh thu quý 3 tăng 32% so với cùng kỳ đạt 1.275 tỷ đồng nhờ doanh thu các sản phẩm Omachi tăng mạnh 60% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ các sản phẩm thịt chế biến giảm 16,6% so với cùng kỳ, là 131 tỷ đồng.
Sản phẩm đồ uống không cồn tiếp tục tăng trưởng doanh thu tốt nhờ đóng góp của sản phẩm nước tăng lực. Doanh thu thuần tăng 29% so với cùng kỳ đạt 1.910 tỷ đồng.
Trong đó, dòng nước tăng lực đóng góp 67,8% doanh thu với 1.294 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ) nhờ mở rộng hệ thống bán hàng từ 75.000 điểm bán hàng vào cuối năm 2017 lên gần 90.000 điểm bán hàng vào cuối quý 2 và tiếp đó lên 130.000 điểm bán hàng vào cuối quý 3
Tuy nhiên, mặc dù tăng mạnh 88,8% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm, đạt 275 tỷ đồng, nhưng doanh thu quý 3 của mảng bia (Sư tử trắng) lại giảm 22,1% so với cùng kỳ, là 86 tỷ đồng.
Với Masan Nutri Science (MNS), hiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và chế biến thịt. Kết quả kinh doanh của mảng này vẫn ảm đạm trong quý 3 do những ảnh hưởng hậu khủng hoảng giá thị heo kéo dài từ năm 2017 đến quý 1/2018.
Thị trường thức ăn chăn nuôi thường mất tới 12 tháng để hoàn toàn phục hồi từ khủng hoảng giá thịt heo trước đó, do đó doanh thu thuần của MSN vẫn giảm 31,2% so với cùng kỳ xuống 10.035 tỷ đồng và EBITDA cũng giảm 39,5% xuống 940 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với việc tung ra sản phẩm thịt tươi đóng gói, MNS đặt tham vọng đến năm 2022 sẽ giành được 5% thị phần của thị trường thịt ước tính có giá trị 9 tỷ USD/năm.
Với Masan Resources (MSR), công ty đạt doanh thu thuần 4.688 tỷ đồng (tăng 19,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 340 tỷ đồng (tăng 247,3% so với cùng kỳ) nhờ giá bán bình quân của phần lớn các quặng khai thác tăng.
Giá bán tungsten bình quân tăng 41,8% so với cùng kỳ lên 319 USD/mtu, kế đó là giá fluorspar cũng tăng 43,1% so với cùng kỳ lên 482 USD/tấn, và giá đồng tăng 11,6% so với cùng kỳ đạt 6.642 USD/tấn. Trái lại, giá bismuth giảm 0,6% so với cùng kỳ với giá bán bình quân là 4,6 USD /lb.
Mặc dù giá bán tăng nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với trong 6 tháng đầu năm, với giá vonfram tăng 59,2% so với cùng kỳ, giá fluorspar tăng 50,6%, giá đồng tăng 20,1% so với cùng kỳ và bismuth tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Sản lượng khai thác giảm 13,9% so với cùng kỳ còn 8.539 tấn đơn vị tương đương tungsten do quặng khai thác có phẩm cấp thấp hơn.