Bước đi trên diễn ra theo sau cuộc điều tra kéo dài 3 năm, đánh dấu lần đầu tiên một ngân hàng lớn ở Mỹ bị đưa vào tầm ngắm vì vi phạm Đạo luật về hành vi đưa hối lộ nước ngoài (FCPA). Luật này cấm các doanh nghiệp đưa tiền hoặc đưa ra "bất cứ thứ gì có giá trị" để có được hợp đồng kinh doanh từ quan chức nước ngoài.
Việc tuyển dụng nhân viên hoặc thực tập sinh là con cháu quan chức Trung Quốc phổ biến tại JP Morgan đến mức ngân hàng này có hẳn một chương trình chính thức với tên gọi "Con trai và Con gái". Chương trình này bao gồm các bảng tính để theo dõi xem họ thu được bao nhiêu hợp đồng kinh doanh từ hình thức tuyển dụng này.
Trong 7 năm qua, JP Morgan đã nhận khoảng 100 thực tập sinh và nhân viên toàn thời gian theo yêu cầu của các quan chức chính phủ nước ngoài, thu được 100 triệu USD từ các hợp đồng kinh doanh. Ngân hàng này thừa nhận những người trên được tuyển với cùng chức danh và hưởng lương tương đương với nhân viên mới dù không đủ năng lực làm việc.
Bộ Tư pháp Mỹ gọi hành vi của JP Morgan là "hối lộ" và đe dọa an ninh quốc gia.
Theo thông báo của bộ này hôm 17-11, JP Morgan phải trả 130 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán - Hối đoái, 72 triệu USD cho Bộ Tư pháp và 61,9 triệu USD cho Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Dù vậy, nhà chức trách không đưa ra bất cứ cáo buộc hình sự nào với JP Morgan hay các nhân viên tại đây.
Trong một thông báo, JP Morgan thừa nhận các hoạt động tuyển dụng nhân viên như trên là "không thể chấp nhận được" và chương trình bị ngừng từ năm 2013.
Ngân hàng này khẳng định đã "hành động" xử lý các cá nhân có liên quan và cải thiện quy trình tuyển dụng.