Yết hầu với Biển Đông
Theo Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov, thời chiến tranh Việt Nam người Mỹ đã xây dựng hoàn chỉnh Cam Ranh với 2 đường băng (dài 3,5 km, đủ cho máy bay ném bom chiến lược đáp), cùng các khu nhà của phi công, kho hàng, bệnh viện, xưởng sửa chữa tàu… Lối vào vịnh còn có các đơn vị pháo binh bố trí trên núi cao.
Sau năm 1975, Liên Xô đã quan tâm đến căn cứ Cam Ranh. Phó đô đốc Hải quân Liên Xô là Valentin Kozlov đã đến khảo sát tỉ mỉ quân cảng này theo chỉ đạo của tư lệnh hải quân Liên Xô lúc đó là ông Sergei Gorshkov.
Sau đó ông Kozlov làm bản báo cáo đề xuất sử dụng Cam Ranh làm điểm cung ứng dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền Liên Xô hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông ấn tượng với các cơ sở dịch vụ của Mỹ xây dựng trước đó ở Cam Ranh kéo dài cả 100 km.
Đến ngày 2/5/1979, chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký hiệp ước sử dụng chung căn cứ Cam Ranh trong vòng 25 năm.
Chiến hạm Nga thăm Cam Ranh năm 2014
Ban đầu đơn vị hậu cần 922 của Hải quân Liên Xô đến Cam Ranh, thiết lập nơi đây là điểm cung cấp từ thực phẩm, quân trang quân dụng, nhiên liệu, rồi bệnh viện, cứu hoả, và cả ngân hàng. Liên Xô xây trạm điện diesel và turbine khí ở đây để tự chủ về năng lượng.
Lính thuỷ Liên Xô ở Cam Ranh được hưởng các dịch vụ tiện nghi trên bờ, có cả bãi tắm, nhà hát… Tuy nhiên việc xây dựng căn cứ chỉ thực sự diễn ra từ năm 1982 với binh đoàn tác chiến chiến dịch số 17 (hạm đội Thái Bình Dương) đảm nhận tái thiết Cam Ranh.
Trung tướng Viktor Fedorovich Aistov nhận định, với địa thế quan trọng trên Biển Đông, Cam Ranh như họng súng chĩa vào đầu đối phương. Đây là nơi rất thuận lợi để có thể triển khai phản ứng nhanh trước các động thái của đối phương.
Lúc đó đối diện Cam Ranh là 2 căn cứ của Mỹ ở Philippines: Subic (hải quân) và Clark (không quân). Số lượng máy bay, tàu chiến Mỹ ở 2 căn cứ này nhiều hơn Liên Xô ở Cam Ranh, nhưng Liên Xô chú trọng chất lượng hơn là số lượng.
Nga muốn trở lại Cam Ranh
Nhận thấy Cam Ranh có vị trí chiến lược đối với cả khu vực và mối quan hệ hợp tác giữa Moskva và Hà Nội, các quan chức Nga đang tỏ rõ ý định muốn quay trở lại cảng Cam Ranh.
Ngày 19/5, một Thượng nghị sĩ Nga, đồng thời là quan chức cao cấp của Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) tuyên bố rằng, vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga tại Cam Ranh đang được các quan chức quốc phòng nước này nghiên cứu, đưa ra các biện pháp thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov tuyên bố trước truyền thông nước này là vấn đề về sự khôi phục căn cứ hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh đã được đề ra và phía Việt Nam có những tín hiệu tích cực về vấn đề này.
Vị quan chức cao cấp của Thượng viện Nga cho biết, vấn đề này đã được vạch ra từ lâu chứ không phải là vấn đề mới phát sinh. Điều này đã được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần trước của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga.
Khi đó, đại diện phía Nga đã nêu vấn đề này với Việt Nam và nhận được những tín hiệu tích cực từ phía Hà Nội. Ông Ozerov còn nhấn mạnh rằng, hiện vấn đề này đang được hai bên thảo luận ở cấp Bộ Quốc phòng.
Vị chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Nga khẳng định, việc khôi phục lại căn cứ của nước này ở Cam Ranh không còn là trong ý tưởng mà hiện hai bên đang xúc tiến tìm con đường và phương pháp biến những ý định thành hiện thực.
Việc mở cửa đối với hải quân các nước đến cảng Cam Ranh nằm trong chủ trương chung của Việt Nam. Việt Nam nhiều lần khẳng định, cảng Cam Ranh là cơ sở dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng.
Trước đó, Nga cũng đã đề xuất với Việt Nam cung cấp cho các tàu chiến nước này một gói ưu đãi khi ghé vào cảng Cam Ranh tiếp tế nhiên liệu, bổ sung nhu, yếu phẩm và sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật.
Vào tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ dự định ký thỏa thuận với các cơ quan quân sự của Việt Nam và nhà nước Đông Phi Djibouti về việc ưu đãi đơn giản hóa thủ tục khi các tàu chiến của Nga hoạt động ở các đại dương ghé vào cảng của những nước này.
Tại thời điểm đó, các cơ quan chức năng của Nga đã soạn thảo xong các tài liệu có liên quan. Theo dự kiến, thỏa thuận này có thể được ký kết nội trong năm nay.